Pù Nhi khi xuân về

GD&TĐ - Pù Nhi (Mường Lát, Thanh Hóa) là xã gồm 11 bản thì có tới 7 bản người Mông, còn lại là người Thái và người Dao nằm phân tán dọc những triền núi cao quanh năm mây mù che phủ. 

Pù Nhi khi xuân về

Cái lợi thế của mảnh đất “ngày đến sớm, đêm về muộn” này với khí hậu mát mẻ, quanh năm ngủ phải đắp chăn, suốt bao đời chỉ giúp cho người ta sinh con đàn cháu đống nhưng rách mặc, đói ăn, chậm tiến, lạc hậu. Nhưng giờ đây thì đã khác nhiều...

Xem V-A-C ở “nóc nhà xứ Thanh”

Trận mưa cuối đông khiến núi rừng Mường Lát trở nên âm u, nằng nặng. Con đường ngược dốc ngoằn ngoèo đến với xã Pù Nhi hun hút trong gió lạnh, tịnh không một bóng người. Phải mất đến mấy tiếng đồng hồ vật lộn với dốc, đèo, gió, mưa, chúng tôi mới nhìn thấy những nóc nhà sàn nằm “vắt vẻo” bên lưng chừng núi. Pù Nhi vốn nổi danh bởi có những bản làng được mệnh danh là “nóc nhà xứ Thanh” sau mấy mươi năm mờ khuất giữa màn mây mờ nghèo khó giờ đây cũng đang dần đổi khác.

Giao thông dù đã được đầu tư nhưng vẫn còn khó khăn nên về cơ bản đồng bào Mông, Thái, Dao vẫn sản xuất theo hướng tự cấp tự túc, trong đó nghề mưu sinh chính của đa số bà con trong các bản vẫn là trồng lúa nương và ngô rẫy.

Sáng kiến kỹ thuật đáng kể nhất trong công tác thuỷ nông nhằm nâng cao năng suất lương thực mà nhiều bà con vẫn tư hào khoe đó là “ứng dụng” ống luồng làm đường dẫn nước từ các suối nhỏ về các khu nương, đồng thời trên cơ sở điều kiện thời tiết thuận lợi, nhiều hộ đã biết trồng thêm các loại rau cải, su su, bầu bí làm thực phẩm...

Đón khách ở đầu con dốc lớn, ông Lâu Văn Sung - Trưởng bản Pha Đén giọng tự hào: “Hết cảnh đứt bữa triền miên ngày giáp hạt rồi cán bộ à! Nhờ chính sách đầu tư của Nhà nước, không chỉ có trường học, trạm xá được xây dựng mà cán bộ khuyến nông, bộ đội biên phòng còn đem cả giống lúa mới, giống ngô lai năng suất cao, giống gia súc, gia cầm về để dạy bà con cách làm VAC. Ở đâu thì không biết chứ riêng ở bản ta đa phần các hộ hiện giờ đều có thể mua được xe máy...”.

Không riêng gì Pha Đén mà hầu hết 11 bản của Pù Nhi đều có những điển hình làm kinh tế khá giả. Hộ nhà ông Hơ Văn Của ở bản Ka Tớp vụ vừa rồi được hơn 5 tấn ngô, trừ mọi chi phí còn lãi mấy chục triệu đồng đó là chưa kể nguồn thu không nhỏ từ mô hình V-A-C mà ông là người đi đầu triển khai với sự hỗ trợ của bộ đội biên phòng Đồn 439. “Tôi rất biết ơn mô hình V-A-C vì nhờ nó mà cả gia đình tôi được đổi đời.

Trước kia, đàn trâu, bò của tôi nuôi theo hình thức thả rông nên thường xuyên bị thiếu thức ăn và nhiễm bệnh, có thời điểm thiệt hại từ chăn nuôi lên tới hàng chục triệu đồng. Sau khi được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi đại gia súc của Trung tâm Khuyến nông huyện Mường Lát, tôi đã tiêm phòng thường xuyên cho đàn trâu, bò và trồng 3 sào cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn.

Tôi còn đào ao nuôi hàng vạn con cá trê phi và chim trắng... Giờ đây, không chỉ kinh tế gia đình ổn định mà tôi còn có điều kiện để giúp đỡ cho nhiều bà con trong bản làm ăn, xoá đói giảm nghèo...” - triệu phú Hơ Văn Dính ở bản Cơm không ngần ngại trải lòng.

Xa rồi những cái Tết chỉ có bánh ngô!

Các anh lãnh đạo xã Pù Nhi đã hồ hởi khẳng định điều ấy như một kỳ tích. Với đặc điểm địa hình và đồng đất ở Pù Nhi thì ngô vẫn là cây lương thực chủ đạo. Ngày trước, bà con chỉ trồng một vụ, tháng ba, lấy ngô còn trong nhà ra nương, chọc lỗ gieo hạt, rồi phó mặc cho trời. Trời có mưa đều thì ngô xanh tốt, còn nắng hạn liên miên thì cây ngô còi cọc. Thế là đói. Trong khi đó, việc tuyên truyền thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật mới dừng ở phổ biến miệng...

Chẳng thế mà có những cái Tết bà con chỉ đón lấy lệ vì ngày đầu năm vẫn phải ăn bánh ngô thay cơm chứ chưa nói gì đến bánh nếp. Từ ngày mô hình trồng ngô hai vụ được triển khai rộng rãi tới từng hộ gia đình với quy trình chọn giống, áp dụng kỹ thuật chăm sóc, chế độ phân bón phù hợp có sự tư vấn thường xuyên của đội ngũ cán bộ khuyến nông thì năng suất ngô thu hoạch đã không ngừng tăng, đời sống của bà con dần đi vào ổn định...

Từ ngày nghe theo sự vận động các cấp chính quyền địa phương, từ chỗ ăn Tết dương lịch người Mông đã chuyển sang ăn Tết theo âm lịch mà vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống rất đặc trưng của dân tộc. Để chuẩn bị cho ngày Tết, mỗi gia đình đều vỗ béo một con lợn từ đầu năm, sắm sửa quần áo đẹp. Tối 30 Giao thừa nhà nào cũng mổ gà cúng ông bà, tổ tiên, thổ địa, thần bếp, thần nông...

Sáng mùng 1, anh em, hàng xóm đến chúc mừng năm mới mời nhau bằng chén rượu, miếng thịt. Từ ngày mùng 2 trở đi những thanh niên trai, gái rủ nhau đi hội với đủ các trò chơi mang đậm nét truyền thống, như: tung còn, hát đối, hát giao duyên, thổi khèn, thổi kèn lá, đánh cù, đánh gà, đánh bóng... còn những anh, chị đã có vợ, có chồng và các ông bà già thì dành thời gian đến thăm hỏi nhau, uống rượu, nói chuyện...

“Việc chuyển lịch ăn Tết cùng với cộng đồng vừa giúp bà con người Mông ở Pù Nhi tiết kiệm, đỡ lãng phí hơn trước kia mà vẫn vui vẻ, ý nghĩa và hơn hết đó là hầu như không còn tình trạng các cháu bỏ học nữa. Hy vọng rằng từ mùa xuân này và những mùa xuân sau cuộc sống của đồng bào nơi đây sẽ ngày thêm ấm no, hạnh phúc và đủ đầy...” - Chủ tịch xã Lương Văn Xích chia tay chúng tôi bằng cái bắt tay siết chặt.

Hy vọng rằng từ mùa xuân này và những mùa xuân sau cuộc sống của đồng bào nơi đây sẽ ngày thêm ấm no, hạnh phúc và đủ đầy...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.