Nữ sinh người Nùng quyết tâm học giỏi để thoát nghèo

GD&TĐ - Đằng sau thành tích khiến nhiều người ngưỡng mộ, em Lô Thị Kim đã trải qua không ít khó khăn để có thể viết tiếp ước mơ đến trường.

Em Lô Thị Kim - người dân tộc Nùng. Ảnh NVCC.
Em Lô Thị Kim - người dân tộc Nùng. Ảnh NVCC.

Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, em Lô Thị Kim - người dân tộc Nùng đạt điểu cao nhất khối D15 toàn Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn). Đáng chú ý, ở môn thi Ngoại ngữ, nữ sinh quyết định lựa chọn tiếng Trung thay cho tiếng Anh

Học sinh duy nhất chọn tiếng Trung

Sau nhiều lần bản thân không đạt được số điểm mong muốn, Lô Thị Kim quyết định từ bỏ môn tiếng Anh và chuyển sang học tiếng Trung để xét tuyển đại học. Khác với các bạn cùng lớp, quá trình học tiếng Trung của nữ sinh người Nùng chỉ diễn ra trong hai năm và đều tự học tại nhà.

“Em quyết định chuyển qua ôn thi tiếng Trung vào năm lớp 11 và cả lớp chỉ có một mình em đăng ký tiếng Trung làm môn thi Ngoại ngữ. Thời gian đầu, em gặp một chút khó khăn khi học ngữ pháp, bài nào không hiểu chỉ có thể tìm hiểu trên mạng, nhưng nếu so với tiếng Anh thì em tiếp thu tiếng Trung dễ hơn”, Kim chia sẻ.

Bên cạnh phần ngữ pháp, nữ sinh cũng dành thêm thời gian học phát âm và luyện nghe thông qua các video trên mạng xã hội. Nhờ đó, Kim khá tự tin khi bước vào phòng thi và giành được số điểm đúng với mục tiêu bản thân đặt ra.

Chia sẻ thêm về bí kíp làm bài môn Ngữ văn và Địa lí, cô gái người Nùng cho biết, bản thân không gặp khó khi ôn thi hai môn học này: “Em đã ôn thi học sinh giỏi môn Ngữ văn từ năm cấp 2, nên khi lên cấp ba, em có nhiều thuận lợi để học môn này. Em tập trung đọc nhiều bài văn mẫu, bài văn do cô giáo phân tích và đến ngày gần thi, em tổng kết lại kiến thức lần cuối. Đối với môn Địa lí, em nhớ từ chìa khóa để học và chú ý nghe giảng trên lớp, về nhà luyện thêm đề”, Kim cho hay.

ngheo-3.jpg
Lô Thị Kim đỗ đầu khối D15 toàn Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn). Ảnh NVCC.

Sau mỗi lần luyện đề, nữ sinh cảm thấy bản thân nhớ kiến thức lâu hơn và quen dần với cấu trúc đề thi. Được biết, ngoài thời gian học chính khóa trên lớp, Kim dành toàn bộ thời gian còn lại tự học, không tham gia bất kỳ lớp học thêm nào.

Buổi chiều, nữ sinh học từ 14 - 17 giờ và buổi tối bắt đầu học từ 19 - 22 giờ. Sau khoảng thời đó, nữ sinh sẽ vệ sinh cá nhân, dành một ít thời gian giải trí và tiếp tục học đến 24 giờ mới ngủ.

“Em thường dành ra 3 - 4 buổi sáng trong một tuần để dậy sớm học bài bởi thời điểm sáng sớm ghi nhớ kiến thức rất dễ và lâu quên”, Kim chia sẻ.

Đi ngược với số đông

Sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT, nữ sinh người Nùng đã kịp bắt chuyến xe cuối cùng về nhà tại bản Nà Nùng, xã Hoàng Văn Thụ (huyện Văn Lãng, tỉnh Lãng Sơn). Gia đình chỉ có 4 người nên từ ngày Kim đi học xa nhà, gia đình trở nên neo người hơn.

Kim cho biết, người dân tại bản Nà Nùng chủ yếu làm nương rẫy, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, người trẻ sau khi học xong cấp phổ thông cũng nghỉ học để đi làm thêm.

“Trong bản em ở, chỉ có 2 - 3 người theo học đại học. Gia đình em cũng không khá giả gì, nhưng em vẫn muốn chọn con đường học vấn đề thay đổi cuộc đời, vì nếu nghỉ học đi làm, em chỉ đỡ khổ trước mắt còn về lâu dài thì không”, Kim trải lòng.

Cuộc sống ở Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lạng Sơn giúp nữ sinh thay đổi suy nghĩ theo chiều hướng tích cực. Kim cảm nhận được sự tâm huyết của thầy cô trong từng bài giảng cho đến bữa ăn, giấc ngủ hàng ngày của học sinh.

Đặc biệt, khi nhìn thấy bạn bè đều đặt mục tiêu học đại học, Kim cũng không muốn mình thua kém bất kỳ ai. “Để bản thân đạt được kết quả hiện tại, em phải chấp nhận xa nhà từ năm 15 tuổi, mọi thứ xung quanh đều lạ lẫm. Những lúc khó khăn, em chỉ biết tâm sự cùng bạn bè, thầy cô, không dám để bố mẹ biết, vì sợ mọi người lo lắng”, Kim nói.

ngheo-2.jpg
Lô Thị Kim (thứ hai, bên phải) cùng bạn của mình. Ảnh NVCC.

Quãng thời gian khó khăn đó cuối cùng cũng qua đi, nữ thủ khoa đã sẵn sàng bắt đầu hành trình mới, hướng về tương lai tốt đẹp hơn. Với tổng điểm 26,65 khối D15, Kim dự định xét tuyển ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, Trường Ngoại ngữ (Đại học Thái Nguyên).

Nữ sinh cho biết, bản thân quyết định chọn học ở Thái Nguyên nhằm giảm bớt gánh nặng học phí và tiền sinh hoạt hàng tháng: “Em biết ở Hà Nội có nhiều trường top, môi trường học tập sẽ tốt hơn, nhưng với điều kiện kinh tế gia đình em ở thời điểm hiện tại thì em không dám nghĩ đến”.

Nhìn lại những thành tích học trò đã đạt được, cô Vũ Thị Mai Anh - giáo viên Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lạng Sơn luôn cảm thấy tự hào về Kim. Trong các tiết học, em đều chăm chú nghe giảng, chịu khó hỏi thầy cô và trao đổi thêm với bạn bè sau mỗi giờ lên lớp.

“Tiếp xúc với em suốt ba năm, tôi thấy Kim rất nhẹ nhàng, hiền lành, chu đáo và có tinh thần cầu thị cao. Tối nào tôi đi qua phòng, tôi cũng thấy Kim đang ngồi ở bàn học giải đề. Trong các kỳ thi thử, em ấy đều giữ vững phong độ và tiến bộ qua từng năm học.

Ngoài đỗ đầu khối D15 toàn Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lạng Sơn, Kim còn đạt 27,75 điểm khối C00 và 28,5 điểm khối C20”, cô Mai Anh chia sẻ.

Trong chặng đường sắp tới, cô Mai Anh hi vọng học trò phát huy được đức tính chăm chỉ, chịu khó, khiêm nhường để đạt nhiều thành tích cao và mạnh dạn hơn, hòa nhập nhanh với môi trường mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi Cánh diều lạc nhịp

GD&TĐ - Sau khi bị siêu bão Yagi quần thảo, Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc - đặc biệt những tỉnh Trung du và miền núi chìm trong mưa lũ.