Nguy cơ tái phát bạch hầu sau nhiễm bệnh

GD&TĐ - Một bệnh nhân sau khi mắc bệnh bạch hầu sẽ có miễn dịch suốt đời với vi khuẩn này.

Người dân đến VNVC Bắc Giang tiêm ngừa bạch hầu ngày 8/7. Ảnh minh họa: INT
Người dân đến VNVC Bắc Giang tiêm ngừa bạch hầu ngày 8/7. Ảnh minh họa: INT

Tuy nhiên, ở nhóm bệnh nhân mắc chứng suy giảm miễn dịch, tỷ lệ mắc bệnh trở lại vào khoảng 2 - 5%. Miễn dịch bảo vệ cơ thể sau tiêm vắc-xin cũng không tồn tại mãi mãi.

Số ca bệnh được khống chế

Những năm gần đây, số ca mắc bệnh bạch hầu ở nước ta giảm nhiều lần so với trước khi bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng, từ gần 3.500 trường hợp mắc năm 1983 xuống còn khoảng từ 10 đến 50 trường hợp mắc/năm (trong vòng 15 năm trong giai đoạn từ 2004 - 2019).

Các chuyên gia nhận định, bệnh bạch hầu đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc-xin phòng bệnh và thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa - nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, không tiêm đủ mũi hoặc không được tiêm nhắc lại.

Năm 2020, số ca mắc bệnh bạch hầu có gia tăng ở nước ta, ghi nhận 226 trường hợp mắc, chủ yếu tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi và Quảng Trị và giảm trong các năm 2021 (có 6 trường hợp mắc) và năm 2022 (có 2 trường hợp mắc).

Năm 2023, cả nước ghi nhận 57 trường hợp mắc bệnh bạch hầu (có kết quả xét nghiệm PCR dương tính và nuôi cấy) tại 3 tỉnh: Hà Giang, Điện Biên và Thái Nguyên. Số mắc tập trung vào 5 tháng cuối năm (55 trường hợp mắc). Trong đó, có 7 trường hợp tử vong. Trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 5 trường hợp mắc, trong đó 1 trường hợp tử vong.

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh bạch hầu lưu hành rộng rãi ở mọi nơi trên thế giới và đã gây nên các vụ dịch nghiêm trọng, nhất là ở trẻ em trong thời kỳ chưa có vắc-xin dự phòng. Năm 1923, vắc-xin giải độc tố bạch hầu ra đời và từ đó đến nay, tính nghiêm trọng của bệnh dịch đã thay đổi trên toàn thế giới.

Bệnh bạch hầu thường xuất hiện trong những tháng lạnh ở vùng ôn đới, có tính mùa, thường tản phát, có thể phát triển thành dịch, nhất là ở trẻ dưới 15 tuổi chưa được gây miễn dịch đầy đủ. Ở Việt Nam, thời kỳ chưa thực hiện tiêm vắc-xin bạch hầu trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), bệnh bạch hầu thường xảy ra và gây dịch ở hầu hết các tỉnh, đặc biệt là ở những thành phố có mật độ dân cư cao.

Bệnh xuất hiện nhiều vào các tháng 8, 9, 10 trong năm. Do thực hiện tốt việc tiêm vắc-xin bạch hầu nên tỷ lệ mắc bạch hầu ở Việt Nam đã giảm dần từ 3,95/100.000 dân vào năm 1985 xuống 0,14/100.000 dân trong năm 2000.

nguy co tai phat sau nhiem benh.jpeg
Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây bệnh bạch hầu. Ảnh minh họa: INT

Miễn dịch không tồn tại mãi

Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Diễm Thúy - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Khi cơ thể bắt đầu có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bạch hầu, bệnh nhân cần phải đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Một biện pháp quan trọng trong việc điều trị là sử dụng kháng độc tố bạch hầu (SAD) càng sớm càng tốt sau khi phát bệnh. Nếu độc tố xâm nhập được vào tế bào thì thuốc sẽ không còn tác dụng.

Ngoài ra, việc sử dụng kháng sinh cũng rất cần thiết vì bạch hầu thường không lây lan kể từ 48 giờ sau khi dùng kháng sinh. Bên cạnh việc điều trị, bệnh nhân mắc bạch hầu cần được theo dõi sát để phát hiện biến chứng và hạn chế bội nhiễm.

Người thuộc mọi độ tuổi khác nhau có tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh bạch hầu hoặc đi du lịch đến các vùng có dịch, nhưng chưa từng được tiêm phòng vắc-xin đều có khả năng mắc bệnh cao.

Trẻ sơ sinh thường có miễn dịch thụ động từ mẹ truyền sang con. Tuy nhiên, miễn dịch này sẽ tự động suy giảm và mất đi khi trẻ được 6 tháng đến 1 tuổi. Vì vậy, đây là nhóm cần được tiêm vắc-xin phòng bạch hầu.

“Miễn dịch do vắc-xin mang lại thường chỉ kéo dài khoảng 10 năm, hiệu quả bảo vệ lên đến 97% giảm dần theo thời gian. Do đó, nếu một người đã tiêm vắc-xin phòng bạch hầu nhưng không tiêm mũi nhắc lại vẫn có khả năng mắc bệnh”, bác sĩ Thuý chia sẻ.

Vi khuẩn bạch hầu cũng có thể xâm nhập vào máu gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Theo bác sĩ Hoàng Công Minh - Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, viêm cơ tim là một trong những biến chứng đặc biệt nghiêm trọng của bệnh bạch hầu.

Ngoại độc tố bạch hầu tiết ra làm ảnh hưởng đến tim, gây ra rối loạn nhịp tim và có thể tử vong đột ngột do trụy tim. Biến chứng viêm cơ tim thường xảy ra khi người bệnh ở giai đoạn toàn phát hoặc vài tuần sau khi khỏi bệnh. Trường hợp viêm cơ tim xuất hiện vào những ngày đầu của bệnh, người bệnh có tiên lượng xấu, tỷ lệ tử vong cao.

Các biến chứng về tim thường gặp và được ghi nhận rõ ràng ở bệnh bạch hầu do độc tố bạch hầu có ái lực cao với tế bào cơ tim và hệ thống dẫn truyền tim. Viêm cơ tim xảy ra do sự thoái hóa của sợi cơ Actin do độc tố bạch hầu gây ra, dẫn đến suy giảm chức năng co bóp cơ tim.

Ở những bệnh nhân hồi phục sau bệnh, các tế bào cơ tim bị tổn thương được thay thế bằng mô xơ, có thể để lại di chứng tim lâu dài. Biểu hiện tim mạch trong bệnh bạch hầu rất đa dạng, nhưng đặc trưng nhất là rối loạn chức năng co bóp cơ tim và rối loạn nhịp tim, đôi khi có viêm màng ngoài tim và viêm nội tâm mạc.

Viêm cơ tim bạch hầu xảy ra ở 10 - 20% số ca bệnh bạch hầu hô hấp, mặc dù con số này trên thực tế có thể cao hơn. Đáng lưu ý, biến chứng này hầu như chỉ xảy ra ở những người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ.

Viêm cơ tim thường biểu hiện muộn vào cuối tuần thứ hai, nhưng trong một số trường hợp nhiễm trùng nặng thì có thể biểu hiện sớm hơn. Viêm cơ tim bạch hầu có tỷ lệ tử vong theo ca là 60 - 70%.

Hiện nay, các phương pháp theo dõi và chẩn đoán hiện đại, như theo dõi huyết áp xâm lấn, theo dõi điện tim liên tục và siêu âm tim, có thể giúp chẩn đoán và quản lý, phát hiện sớm rối loạn chức năng tim và rối loạn nhịp.

Viêm cơ tim là biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh bạch hầu và là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất. Đây được coi là một tình trạng đe dọa tính mạng. Song, nếu được sử dụng huyết thanh chống bạch hầu kịp thời và chăm sóc hỗ trợ tích cực, bệnh có thể được điều trị thành công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống lọc nước nhiễm phèn được lắp đặt tại trường học ở Sóc Trăng.

Lọc nước nhiễm phèn tạo nước uống

GD&TĐ - Theo PGS.TS Vũ Đức Lợi (VKIST), hệ thống lọc nước nhiễm phèn được nghiên cứu và phát triển chung bởi VKIST và Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc.