Nguyên nhân bệnh bạch hầu 'tái nổi'

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, trong thời gian Covid-19 bùng phát, thực hiện giãn cách khiến tiếp xúc cộng đồng bị giảm đi, gây tình trạng 'nợ miễn dịch'.

Vùng hầu họng của bệnh nhân thường đặc trưng, có tổn thương giả mạc trắng, khó bóc.
Vùng hầu họng của bệnh nhân thường đặc trưng, có tổn thương giả mạc trắng, khó bóc.

Đó là điều kiện khiến hệ miễn dịch của nhiều người kém có nguy cơ bị bạch hầu.

Biểu hiện có thể khác nhau

Bạch hầu đã giảm rõ rệt kể từ khi có vắc-xin. Song, thời gian qua, Hà Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang và các tỉnh phía Bắc liên tiếp ghi nhận ca mắc bệnh bạch hầu, đã có nhiều người tử vong. Bạch hầu quay lại gây nhiều lo lắng bởi đây là bệnh lý lây lan rất nhanh.

Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, qua kiểm tra thực tế, cụm dân cư nơi phát hiện ổ dịch đều tập trung ở các địa phương thuộc vùng sâu vùng xa, giao thông khó khăn, đời sống kinh tế người dân còn nghèo. Trong khi đó, nhận thức tiêm chủng phòng bệnh còn hạn chế. Điều đó khiến tỷ lệ tiêm vắc-xin cực thấp dẫn đến ca bệnh tăng.

Đặc biệt, miễn dịch có được từ khi tiêm vắc-xin bạch hầu sẽ giảm dần theo thời gian. Trong khi đó, mũi nhắc cho trẻ em và người lớn lại chưa được thực hiện tốt. Điều đó khiến nhiều trường hợp có thể mắc bệnh mặc dù trẻ đã thực hiện tiêm đủ 3 mũi trước 1 tuổi. Ngoài ra, khả năng bảo vệ của vắc-xin trong cộng đồng người lớn sẽ thấp. Đó cũng là nguyên nhân xuất hiện các ca bệnh ở các tỉnh phía Bắc thời gian qua.

Chia sẻ về vấn đề này, TS.BS Lê Thị Thuý Nga - Phó Trưởng khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh truyền nhiễm có xu hướng tăng, đặc biệt toàn thế giới vừa bước qua đại dịch. Đó là bệnh truyền nhiễm có mức độ nguy hiểm toàn cầu. Trong khi đó, nước ta cũng ghi nhận một số bệnh truyền nhiễm tái nổi như ho gà, sởi, bạch hầu, quai bị, thuỷ đậu...

Hằng năm chúng ta vẫn phải đối mặt với đợt dịch bệnh như vậy. Những năm qua, các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Điện Biên có đợt dịch bệnh bạch hầu. Đây là bệnh lý nhiễm trùng cấp tính, lây qua đường hô hấp, có thể lây thành đại dịch, do trực khuẩn bạch hầu gây nên.

Tình trạng bệnh có thể gây tử vong đặc biệt là với trẻ nhỏ. Thời gian qua, bạch hầu có xu hướng tăng từ tháng 8 đỉnh điểm là tháng 10. Đến nay, bệnh có xu hướng giảm hơn.

“Bạch hầu có biểu hiện khác nhau, tuỳ mức độ nhẹ hay nặng. Triệu chứng thường xuất hiện từ 2 - 5 ngày sau khi trẻ tiếp xúc nguồn lây. Trẻ có tình trạng như sốt, đau họng, đó là những dấu hiệu sớm đầu tiên, có xu hướng tiến triển nặng thêm”, chuyên gia giải thích.

Ngoài ra, biểu hiện toàn thân của bệnh có thể là mệt mỏi, kém ăn, sổ mũi. Khi khám, vùng hầu họng của bệnh nhân thường đặc trưng, có tổn thương giả mạc trắng, khó bóc. Nếu cố bóc giả mạc sẽ gây biểu hiện chảy máu. Cũng có thể thấy, trẻ mắc bạch hầu có hạch cổ sưng to và đau.

Tuỳ từng thể bệnh, trẻ có thể có dấu hiệu tổn thương ở cơ quan khác. Trẻ có thể viêm thanh quản, khản tiếng, tổn thương mắt, mũi, vết loét trên da. Đó là tổn thương đặc trưng của bạch hầu.

Nguy cơ viêm cơ tim

Trong khi đó, theo TS.BS Lê Kiến Ngãi - Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Trưởng phòng Khám - Tư vấn tiêm chủng, Bệnh viện Nhi Trung ương, tác nhân gây bệnh bạch hầu có tên là trực khuẩn.

Vi khuẩn cư trú trên bệnh nhân, truyền sang người khác. Vi khuẩn bạch hầu từ người bệnh có thể tồn tại ngoài môi trường thông qua dịch tiết đường hô hấp bắn ra ngoài.

Nếu không có biện pháp xử lý, vi khuẩn có thể tồn tại trong môi trường khá lâu. Song, khi có biện pháp bằng ánh sáng, nhiệt độ, hoá chất thông thường thì có thể tiêu diệt vi khuẩn bạch hầu ở môi trường. Nguồn nhiễm có thể từ người lành không triệu chứng nhưng mang vi khuẩn, hoặc môi trường bên ngoài.

Do đặc tính, phương thức lây truyền, những người tiếp xúc gần (trong gia đình, một nhóm...) sẽ có nguy cơ. Khi không có miễn dịch, hoặc miễn dịch nhưng chưa đủ thì người dân có nguy cơ mắc bạch hầu. Đó là những người chưa tiêm phòng, hoặc chưa mắc bệnh và không có miễn dịch.

“Thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát, việc thực hiện giãn cách khiến tiếp xúc cộng đồng bị giảm đi, gây tình trạng “nợ miễn dịch”. Đó là điều kiện khiến nhiều người hệ miễn dịch kém có nguy cơ bị bạch hầu”, TS Ngãi giải thích.

TS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, khi bị bạch hầu, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhi sẽ có nguy cơ viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh, tử vong do đột ngột trụy tim mạch.

Ngoài ra, bệnh cũng có thể dẫn đến thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận. Những trường hợp nhiễm độc nặng, bệnh nhân sẽ phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê.

Biến chứng viêm cơ tim có thể xảy ra ở giai đoạn toàn phát hoặc có thể chậm vài tuần sau khi người bệnh khỏi. Khi viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tỷ lệ tử vong thường rất cao.

Các triệu chứng của viêm cơ tim cấp thường không điển hình như mệt mỏi, sốt, đau bụng, tiêu chảy, sổ mũi, buồn nôn và nôn. Nặng hơn, bệnh nhi có thể thở nhanh, đau ngực, khó thở, nhịp tim nhanh, môi và da tái nhợt.

Các triệu chứng khác kết hợp với nhiễm siêu vi như nhức đầu, đau nhức, đau khớp, sốt, viêm loét họng hoặc tiêu chảy. Viêm cơ tim có thể đi kèm với viêm màng bao tim, tràn dịch màng bao tim. Viêm màng bao tim thường gây đau nhói ở giữa ngực.

Do đó, để phòng bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là với các bệnh đường hô hấp, có tính chất lây như bạch hầu, TS Lê Kiến Ngãi cho biết, cần lưu ý môi trường chung. Giữ không khí thông thoáng.

Đồng thời, người dân cần vệ sinh bề mặt như giường, bàn, tay nắm cửa... trong môi trường chật hẹp, đông người, nên đeo khẩu trang y tế thông thường. Với bạch hầu, biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất vẫn là tiêm vắc-xin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ