Điện ảnh Việt hứa hẹn bùng nổ

GD&TĐ - Thời điểm Tết Giáp Thìn 2024, khán giả Việt được chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt chưa từng có giữa phim nội địa và phim ngoại.

Khán giả - đặc biệt là giới trẻ, sẵn sàng bỏ tiền mua vé khi có phim chất lượng.
Khán giả - đặc biệt là giới trẻ, sẵn sàng bỏ tiền mua vé khi có phim chất lượng.

Doanh thu bất ngờ của phim Việt

Kỳ nghỉ Tết chỉ kéo dài 7 ngày, từ ngày 9 - 15/2 nhưng cũng đủ để khán giả yêu phim cũng như giới quan sát thấy được sự cạnh tranh khốc liệt chưa từng có giữa phim nội và phim ngoại. Đó là một trong những tín hiệu báo trước sự bùng nổ của điện ảnh Việt Nam trong năm 2024.

Mới đây, trang tin Deadline (Mỹ) nhận định, điện ảnh Việt Nam có sự phục hồi đáng kinh ngạc và đang là một trong những thị trường điện ảnh phát triển nhanh nhất châu Á. Với tốc độ doanh thu hàng năm tăng 10%, điện ảnh Việt vượt qua cả Thái Lan - một quốc gia vốn có ngành điện ảnh phát triển và thu hút được nhiều hãng phim nổi tiếng thế giới.

Tác giả Liz Shackleton viết trên trang Deadline rằng: “Cách để Việt Nam trở thành một trong những thị trường điện ảnh phát triển nhanh nhất châu Á với các cụm rạp chiếu phim mới, lượng khán giả khát khao phim ảnh và ngành điện ảnh trong nước năng động”.

Liz Shackleton đưa ra dẫn chứng chưa từng xảy ra tại Việt Nam thời điểm Tết Nguyên đán khi phim nội địa cạnh tranh cùng phim ngoại như Nhật Bản và Hollywood.

Trong đó không thể không nhắc tới phim “Mai” của Trấn Thành, là phim điện ảnh Việt đầu tiên cán mốc 500 tỷ đồng sau 27 ngày công chiếu, bán ra 6,2 triệu vé. Với thành tích này, bộ phim đang là phim điện ảnh có doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Việt Nam. Thành tích này cao hơn 25 tỷ đồng so với phim đứng thứ nhì là “Nhà bà Nữ” cũng do Trấn Thành làm đạo diễn.

Tính đến thời điểm trưa ngày 12/3, “Mai” đã đạt trên 543 tỷ đồng. Không chỉ trụ vững ngôi vương phòng vé suốt thời gian dài, “Mai” còn có xu hướng nhanh hơn và mạnh hơn theo cấp luỹ tiến với số lượng suất chiếu của “Mai” ở mức hơn 2.000 mỗi ngày.

Với mức doanh thu hiện tại, “Mai” sẽ không rời rạp khi đạt con số 550 tỷ đồng như giới quan sát nhận định, mà sẽ thừa thắng xông lên để bỏ xa mọi kỷ lục phòng vé của thị trường phim Việt.

Ngoài “Mai” của Trấn Thành thì “Gặp lại chị bầu” của Nhất Trung cũng được nhắc đến với doanh thu cao nhất nhì mùa Tết, vượt qua nhiều tác phẩm nước ngoài khác ra rạp cùng thời điểm. Tính đến trưa 12/3, “Gặp lại chị bầu” đã đạt trên 92 tỷ đồng.

Tất nhiên ngoài những phim đình đám có doanh thu khủng, cũng không ít phim Việt có doanh số “dở khóc dở cười”. Thống kê của Box Office Vietnam cho thấy, phim “Hồng Hà nữ sĩ” (đạo diễn Nguyễn Đức Việt, biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát) mới thu được 145 triệu đồng.

Ngay cả “Đào, phở và piano” dù được truyền thông rầm rộ, nhưng tính đến thời điểm ngày 12/3 vẫn chưa vượt qua con số 15 tỷ đồng (chưa tính doanh thu từ việc bán vé tại quầy).

Nhìn vào doanh thu phim là chưa đủ để đánh giá chất lượng, nhưng để có những bộ phim vượt qua doanh thu 400 tỷ đồng như “Bố già”, “Nhà bà Nữ” hay “Mai” cũng là tín hiệu đáng mừng và đầy bất ngờ, hứa hẹn cho sự bùng nổ của phim Việt không chỉ ở thị trường nội địa mà ở thị trường quốc tế.

Phim 'Mai' hiện xếp thứ 15 (thực tế là 14) trên bảng xếp hạng phòng vé toàn cầu trên Box Office Mojo.

Phim 'Mai' hiện xếp thứ 15 (thực tế là 14) trên bảng xếp hạng phòng vé toàn cầu trên Box Office Mojo.

Cạnh tranh ở rạp để bước ra thế giới

Sự thành công bước đầu của điện ảnh Việt thời điểm đầu năm 2024 được đánh giá một phần bởi việc mở rộng hệ thống rạp. Ngoài hệ thống rạp của doanh nghiệp Hàn Quốc như CJ CGV, Lotte Cinema; các hệ thống rạp nội địa như Galaxy Cinema, BHD Star Cineplex ngày càng chuyên nghiệp và có hệ thống truyền thông và bán vé tốt. Đặc biệt, chuỗi rạp như Beta Cinemas, Cinestar, Mega GS… còn phân khúc giá vé khi hướng đến người trẻ là học sinh, sinh viên, người lao động thu nhập thấp.

Đặc biệt, nhà làm phim Việt đã đổi mới đề tài, nội dung phim đi vào thực tế nhưng ít “sến sẩm”. Hơn nữa, phim khai thác đối tượng khán giả trẻ - những người có thu nhập và sẵn sàng chi tiền cho nhu cầu giải trí lành mạnh kèm theo chất lượng dù đó là thể loại phim tâm lý, tình cảm, gia đình, chính kịch, hành động hay lịch sử.

Với những bứt phá bước đầu, loạt dự án điện ảnh trong giới làm phim Việt đang trong quá trình sản xuất và dự kiến sẽ ra rạp trong năm 2024. Trong đó, nổi bật có phim “Quý cô thừa kế 2” với dàn diễn viên “ăn khách” như Trang Nhung, Huy Khánh, Hứa Kim Đạt, Lâm Vỹ Dạ, Otis… Phim “Lật mặt” của Lý Hải cũng đang trong giai đoạn hậu kỳ cho phần 7 với tên “Một điều ước”, dự kiến ra rạp dịp lễ 30/4 và 1/5.

Lấy bối cảnh Sài Gòn thập niên 1980, phim “Quán Kỳ Nam” của đạo diễn Leon được quay hoàn toàn bằng phim nhựa 35mm. Dự kiến phim sẽ gửi dự các liên hoan phim quốc tế trước khi công chiếu ở thị trường nội địa.

Phim “Culi never cries” (Con culi không bao giờ khóc) của đạo diễn Phạm Ngọc Lân, đạo diễn Phan Đăng Di đồng sản xuất, có sự tham gia của hai gương mặt nữ khả ái là Minh Châu và Kiều Trinh.

Phim đã tham dự rất nhiều liên hoan phim quốc tế và giành nhiều giải thưởng khi còn ở dạng dự án. Phim cũng giành giải “Phim đầu tay xuất sắc” tại Liên hoan phim Berlin với 50.000 EUR tiền thưởng.

Không chỉ phải cạnh tranh với phim nước ngoài ở thị trường trong nước, phim Việt muốn vươn xa sẽ phải cạnh tranh với chính phim nội địa. Chất lượng phim không chỉ phải tăng, mà gương mặt diễn viên cũng sẽ là yếu tố quyết định khán giả có mua vé xem phim hay không.

Bởi vậy, cùng với những bất ngờ về doanh thu, sự bùng nổ chất lượng phim chính là điểm then chốt để phim Việt bước ra thế giới như “Bố già” của Trấn Thành, “Người vợ cuối cùng” của Victor Vũ hay “Lật mặt 6” chiếu tại 50 thành phố thuộc 19 bang tại Mỹ, “Nhà bà Nữ” chiếu ở Mỹ, Singapore, Úc và New Zealand…

Theo Box Office Mojo - trang web chuyên theo dõi doanh thu phòng vé toàn cầu, doanh thu của phim “Mai” hiện xếp thứ 14 của năm 2024 trong mục Worldwide Box Office. Bảng xếp hạng này sẽ luôn biến động, dự kiến có thể phim “Mai” sẽ tụt xuống vị trí khoảng 120 đến 130 vào cuối năm 2024. Box Office Mojo thường thống kê 200 phim có doanh thu cao nhất, nếu phim ở các quốc gia khác lần lượt vượt qua doanh thu của “Mai”, thì phim “Mai” khó tồn tại trong bảng xếp hạng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các lớp học tại Pháp thường rơi vào tình trạng quá tải.

Vì sao giáo viên Pháp đồng loạt bỏ nghề?

GD&TĐ - Trước tình trạng lương thấp, sĩ số lớp học đông và nhu cầu đổi mới giáo dục ngày càng tăng, giáo viên Pháp đồng loạt bỏ việc với số lượng kỷ lục.