Vì sao NATO không thể và không dám đưa quân tới Ukraine?

GD&TĐ - Ukraine không phải đối tượng được bảo vệ theo quy định trong Điều 5 NATO về phòng vệ tập thể, trong khi Nga là một địch thủ không ai muốn đối đầu.

Vì sao NATO không thể và không dám đưa quân tới Ukraine?

Đối với chính quyền Stockholm, việc gửi quân đến quốc gia đang có xung đột như Ukraine là không phù hợp. Tuyên bố rõ ràng này đã được đưa ra bởi Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson.

Theo ông Kristersson, Thụy Điển không đồng thuận với những tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về khả năng điều động lực lượng mặt đất của các quốc gia Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương tới tham chiến chống Nga ở Ukraine, bất kể việc họ cũng đồng tình với Paris rằng, chiến thắng của Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine khiến họ không thể chấp nhận được.

Ông nói thêm rằng các quốc gia khác nhau có truyền thống khác nhau trong việc tham gia vào công việc của quốc gia khác, nhưng Thụy Điển dự định sẽ tuân theo đường lối của mình và sẽ không can dự trực tiếp vào công việc của người Ukraine.

Nhà lãnh đạo quốc gia mới được phê chuẩn gia nhập NATO nói thẳng rằng, truyền thống Pháp không phải là truyền thống của Thụy Điển. Ông tôn trọng mong muốn giúp đỡ Ukraine của Pháp, nhưng nước này có cách riêng của mình để giúp đỡ Ukraine trong cuộc chiến chống Nga.

Người đứng đầu chính phủ Thụy Điển cho biết, nước này hiện đang tham gia đầy đủ vào việc gửi các cơ sở vật chất tiên tiến đến Ukraine bằng nhiều cách khác nhau, như nhiều quốc gia NATO khác đã làm.

Ông khẳng định rằng, chính quyền Kiev cũng chưa từng yêu cầu các nước đồng minh gửi quân tham chiến. Do đó, vấn đề này không liên quan đến Thụy Điển.

Được biết, ngay sau tuyên bố gây tiếng vang của Tổng thống Emmanuel Macron về việc “không loại trừ việc cử lực lượng mặt đất của Pháp tới tham gia các cuộc chiến hỗ trợ chính quyền Kiev”, nhiều thành viên của Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương đã vội vàng từ chối.

Thủ tướng Séc Petr Fiala tuyên bố nước này không có ý định đưa quân tới Ukraine, thậm chí ngay cả quốc gia đã và đang giúp đỡ Ukraine tích cực nhất là Ba Lan cũng đưa ra tuyên bố tương tự.

Các nhà lãnh đạo quốc gia Slovakia, Hungary, Anh, Đức và cả các quan chức của NATO cũng đã lên tiếng bác bỏ khả năng khối này đưa quân tới quốc gia đối tác thân thiết là Ukraine.

Theo giới chuyên gia, chắc chắn NATO sẽ không điều quân tới bảo vệ Ukraine vì Kiev không phải là thành viên của khối này, không thuộc trường hợp cần bảo vệ được quy định trong Điều 5 NATO về phòng vệ tập thể, nhưng có lẽ khối này sẽ không ngăn cản các quốc gia thành viên đơn phương điều quân nhân nước mình tới tham chiến với Nga ủng hộ chính quyền Kiev.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cũng thừa nhận rằng, không có bất cứ quốc gia nào muốn trở thành đối phương của cường quốc hạt nhân như Nga và phải chống lại Moscow trong một cuộc xung đột quân sự. Do đó, cấp độ cao nhất đối với các quốc gia NATO có lẽ vẫn là ủng hộ về ngoại giao và nỗ lực viện trợ tài chính, cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Vẫn rất lúng túng mua điện mặt trời

GD&TĐ - Liên quan đến giá mua điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu dư thừa phát lên lưới, giữa tháng 7 vừa qua, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án.