Sri Lanka: Đóng cửa đại học vì nhận tiền bất hợp pháp

GD&TĐ - Ủy ban giám sát Nghị viện Sri Lanka đã khuyến cáo chính phủ nước này đóng cửa Trường ĐH Batticaloa Sharia theo các quy định hiện hành, sau khi nhiều bằng chứng cho thấy, cơ sở GD này đã nhận được những khoản tiền được cho là bất hợp pháp.

ĐH Batticaloa có thể sẽ phải đóng cửa
ĐH Batticaloa có thể sẽ phải đóng cửa

Đề xuất đóng cửa

Hôm 21/6, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Nghị viện về Giáo dục và Phát triển nhân lực, Giáo sư Ashu Marasinghe đã trình bày báo cáo về Trường ĐH atticaloa trước Quốc hội. Sau khi báo cáo được công bố, các thành viên của Ủy ban đã nhất trí khuyến nghị chính phủ tiếp quản khuôn viên ĐH Batticaloa Shariah. Ngoài ra, các tòa nhà cũng như tài nguyên trong khuôn viên nên để Trường ĐH Eastern nằm gần khu vực Trường Batticaloa quản lý.

Ủy ban tin rằng, sự xuất hiện của các tổ chức GD như ĐH Batticaloa theo luật Hồi giáo Sharia là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia; đồng thời, nhấn mạnh chính phủ không nên cho phép các tổ chức đó hoạt động trong bất cứ trường hợp nào. Ngoài ra, các thành viên quốc hội cho rằng, chính quyền Sri Lanka nên tăng cường an ninh gần khuôn viên ĐH Batticaloa.

Mới đây, Ủy ban đã mở một cuộc điều tra nhằm vào Trường ĐH Batticaloa, trong bối cảnh tư tưởng Hồi giáo cực đoan ngày càng phát triển. Trước đó, hàng loạt SV tại khắp các trường ĐH công lập đã phát động một làn sóng phản đối, yêu cầu chính phủ đóng cửa cơ sở GD gây tranh cãi này, với lý do cho rằng ĐH Batticaloa được xây dựng để thúc đẩy hệ tư tưởng Hồi giáo cực đoan, dựa trên sự phổ biến của Luật Sharia. Theo đó, Ủy ban Tài trợ Đại học (UGC), cơ quan có thẩm quyền về GDĐH khẳng định, không có tổ chức nào được gọi là “ĐH Sharia” hoặc “ĐH Batticaloa” có thẩm quyền cấp bằng cho SV.

Ngoài ra, Ủy ban cũng cho rằng, các nguồn tài trợ của dự án trong khuôn viên Trường ĐH Batticaloa từ một Quỹ ủy thác tư nhân ở Ả-rập Xê-út vào giữa năm 2016 - 2017, là khoản tiền bất hợp pháp. Bởi vậy, Ủy ban đã đề xuất chính phủ Sri Lanka kiểm soát khuôn viên ĐH Batticaloa theo quy tắc khẩn cấp và đưa ra những hành động pháp lý đối với tội phạm kinh tế trong trường hợp này.

Làn sóng Hồi giáo đã trở nên ngày càng mạnh mẽ ở Sri Lanka, sau hàng loạt vụ tấn công vào ngày lễ Phục sinh nhằm vào các nhà thờ và khách sạn bởi tổ chức Hồi giáo cực đoan Thowheed Jamath, khiến hơn 260 người thiệt mạng và ít nhất 500 người bị thương. Sau cuộc tấn công, chính phủ đã yêu cầu đóng cửa tất cả các trường ĐH và chỉ cho phép các sơ sở GD hoạt động trở lại sau khi an ninh được thắt chặt.

Chính phủ Sri Lanka đã áp đặt các quy định khẩn cấp sau cuộc tấn công vào ngày lễ Phục sinh và vào ngày 27/6, Quốc hội tiếp tục gia hạn các quy định cho đến ngày 22/7.

Thực hiện những bước đầu

Cựu Thống đốc miền Tây Azath Salley tuyên bố, mọi tài liệu cần thiết đã được hoàn tất, nhằm phục vụ việc để chính phủ Sri Lanka tiếp quản khuôn viên Trường ĐH Batticaloa.

Trước bối cảnh này, ông Hizbullah - cựu Chủ tịch của Trường ĐH Batticaloa cho biết không công nhận báo cáo của Ủy ban và khẳng định sẽ có hành động thích hợp, sau khi xem xét biện pháp mà các Bộ trưởng nội các đang thực hiện. Vị cựu Chủ tịch cũng bày tỏ hy vọng trường sẽ tiếp tục được hoạt động với tư cách là một tổ chức tư nhân, dưới sự quản lý của chính phủ. “Theo luật hiện hành, chính phủ không thể tiếp quản khuôn viên trường; Chính phủ nên thảo luận với tôi về điều này”, ông Hizbullah nhấn mạnh.

Trường ĐH Batticaloa bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2013 nhằm cung cấp nền GD ĐH cho các SV không đỗ vào các cơ sở GD công lập. Hiện nay, ĐH Batticaloa được trang bị các cơ sở vật chất với công nghệ tiên tiến. Cơ sở GD này dự định sẽ xây dựng các phòng máy tính, giảng đường, nơi ở với trang thiết bị đầy đủ dành cho nhân viên nhà trường. Ngoài ra, một số công trình khác cũng đang trong quá trình thi công. Bên cạnh đó, một khách sạn hạng A cũng đang được xây dựng ở khu vực Pasikuda, tạo điều kiện cho SV theo dõi các môn học liên quan đến du lịch và còn tạo công ăn việc làm bán thời gian cho nhiều SV trong trường.

Khoản tiền bất hợp pháp

Báo cáo cũng cho biết, theo cuộc điều tra, các tài liệu liên quan đến ĐH Batticaloa cho thấy, mục đích chính của việc thành lập tổ chức GD là tạo ra “Ulama” (các học sĩ Hồi giáo), các nhà tư tưởng học theo luật Hồi giáo Sharia hay luật Hồi giáo.

Tuy nhiên, theo ông Maheel Bandara Dehideniya, người triệu tập họp của Liên đoàn Sinh viên Liên trường, động thái này của chính phủ Sri Lanka chỉ là một phần kế hoạch trong chiến dịch bầu cử. Chia sẻ với trang UniversityWorld News, ông Dehideniya nhận định: “Mặc dù chính phủ tuyên bố sẽ tiếp quản trường, chúng tôi không chắc về điều đó. Nếu Tổng thống và Thủ tướng muốn, họ có thể làm điều đó mà không cần mất nhiều thời gian”.

Cũng theo báo cáo từ Ủy ban, cựu Chủ tịch ĐH Batticaloa, ông Hizbullah đã tuyên bố, số tiền mà tổ chức GD này có được là một khoản trợ cấp. Tuy nhiên, ông Hizbullah lại không thể đưa ra bất cứ bằng chứng nào để chứng minh điều này. Ủy ban tuyên bố, vào giai đoạn sau của cuộc điều tra, vị cựu Chủ tịch cho biết, ĐH Batticaloa đã nhận được khoản tiền này dưới dạng cho vay.

Các cuộc điều tra của Ủy ban cho thấy, tổ chức GD này đã không nhận được bất kỳ sự cho phép đặc biệt nào từ Kiểm soát viên Ngoại hối khi nhận khoản tiền trị giá 20 triệu USD như một khoản vay từ một số nhà tài trợ Ả-rập Xê-út theo quy định hiện hành. Bởi vậy, ĐH Batticaloa có thể đã vi phạm các quy tắc trao đổi của đất nước. Ngoài ra, Ủy ban đã đề nghị tiến hành một cuộc điều tra về những hình thức phạm tội tài chính tiềm ẩn, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Ả-rập Xê-út ở Sri Lanka thông qua Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Trung ương Sri Lanka và Cục Điều tra Hình sự Cảnh sát.
Theo UniversityWorld News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.