Pleiku nói gì về thu phí khách tham quan Biển Hồ
Mới đây, bà Nguyễn Thị Tâm - Phó chủ tịch UBND TP Pleiku, tỉnh Gia Lai đã có văn bản thông tin về việc thu tiền khách tham quan khu danh thắng Biển Hồ. Động thái này được thực hiện sau khi Báo Giao thông đăng tải bài viết: "Doanh nhân bỏ tiền làm đẹp khu danh thắng, TP Pleiku tổ chức thu tiền" đăng tải hôm 16/3.
Trong văn bản, bà Tâm đặt bút ký nêu chung chung: Thời gian vừa qua, tỉnh và thành phố đã quan tâm đầu tư kinh phí hơn 86 tỷ đồng để xây dựng, tôn tạo, trùng tu di tích thắng cảnh Biển Hồ để thu hút khách thăm quan: Kinh phí của tỉnh 74,5 tỷ đồng cho các hạng mục kè chắn đất, ốp mái taly (đầu năm 2015, kinh phí 28,5 tỷ đồng và đầu tư khu hạ tầng du lịch Biển Hồ giai đoạn 2018-2020 với kinh phí 46 tỷ đồng); Phần kinh phí thành phố đã đầu tư hơn 12 tỷ đồng cho công trình lắp đặt biển chữ Biển Hồ Pleiku và một số hạng mục phục vụ phát triển hạ tầng du lịch.
Bà Tâm cũng cho biết, thành phố đang dự kiến xây dựng kè chống sạt lở và cải tạo cổng chào đầu tư hạ tầng du lịch tại đây với kinh phí hơn 20 tỷ đồng.
Còn về công trình tượng phật Quán Thế Âm Bồ Tát tại khu danh thắng Biển Hồ được khánh thành hôm 30/11/2018, Đại diện cho TP Pleiku, vị lãnh đạo trên cho biết, Công ty cổ phần Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức khởi công xây dựng công trình tượng Quán Thế Âm Bồ Tát từ tháng 5/2018. Hiện, công ty vẫn chưa bàn giao cho TP. Pleiku quản lý và đang trong giai đoạn chuẩn bị để bàn giao.
Đáng lưu ý, trong văn bản gửi Báo Giao thông, UBND TP Pleiku không nhắc đến việc Công ty CP kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức phát tâm tặng Gia Lai bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát. Bức tượng với ý nghĩa tâm linh đặt ở khu vực trung tâm, điểm nhấn của quần thể thắng cảnh Biển Hồ. Bức tượng trên cũng đặt ở vị trí điểm cuối của con đường khoảng 800m mới hoàn thành, điểm đầu làm trạm barie do UBND TP. Pleiku đặt để chặn khách thu tiền vé tham quan.
Với những số tiền đầu tư được đóng góp từ thuế nhân dân, UBND TP Pleiku viện dẫn quy định của pháp luật về việc thu phí. Bà phó chủ tịch UBND Pleiku - Nguyễn Thị Tâm "chốt" nội dung: việc thu phí đối với khách tham quan là đúng theo quy định của Pháp luật.
Việc thu phí khách tham quan tại đây, theo người đại diện của UBND TP Pleiku nhằm góp một phần vào mục đích quản lý, tôn tạo di tích, đảm bảo vệ sinh môi trường theo Luật.
Biển Hồ "xài" tiền thuế nhân dân ra sao?
Bà Nguyễn Thị Tâm - Phó chủ tịch UBND TP Pleiku lập luận việc thu phí du khách tham quan Biển Hồ là đúng quy định Pháp luật. Nhưng, theo tư liệu Báo Giao thông có được, công trình này còn nhiều sai phạm, đã bị Thanh tra tỉnh Gia Lai "tuýt còi".
Cụ thể, năm 2014, UBND tỉnh Gia Lai đã quyết định đầu tư xây dựng dự án chống sạt lở lòng hồ Biển Hồ nhằm giữ gìn, tôn tạo di tích và bảo vệ tính bền vững của môi trường. Tỉnh này đã giao Sở VHTT-DL Gia Lai làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 28,5 tỉ đồng (vốn ngân sách T.Ư là hơn 20,1 tỉ đồng và ngân sách tỉnh là 8,4 tỉ đồng) với nhiều hạng mục sửa chữa. Công trình được khởi công từ tháng 12/2015.
Với mục đích đầu tư để làm đẹp khu danh lam thắng cảnh, nâng tầm du lịch Biển Hồ nhưng ngược lại công trình này hiện nay trở nên dị dạng. Công trình hoàn thành cũng là lúc mà ngành chức năng tỉnh Gia Lai phát hiện nhiều sai phạm. Đáng nói, công trình này còn làm "biến dị" Biển Hồ. Cụ thể, kết luận số 10/KL-TTr (ngày 19/6/2018) của cơ quan Thanh tra tỉnh Gia Lai nêu: các đơn vị thực hiện công trình đã làm sai lệch hồ sơ, phá vỡ cảnh quan, danh thắng Biển Hồ. Đặc biệt hơn, thanh tra đã phát hiện tổng giá trị sai phạm so với hợp đồng thi công xây dựng công trình đã ký kết là hơn 2,5 tỷ đồng.
Hai nhà thầu thi công là Công ty 468 và Công ty Hoàng Hải còn thay đổi thiết kế khi chưa được người quyết định đầu tư là UBND tỉnh Gia Lai đồng ý; Dự án trên làm sai thiết kế, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường; phá vỡ khu di tích lịch sử, danh thắng cấp Quốc gia.
Từ những sai phạm trên, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu chủ đầu tư khôi phục công trình, làm đúng theo hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công và dự toán đã phê duyệt, trả lại cảnh quan danh thắng khu du lịch Biển Hồ.
Liên quan đến vụ việc trên, mới đây UBND Tỉnh Gia Lai "lại" có văn bản chỉ đạo Sở Văn hóa Thể thao Du lịch, Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Sở Xây dựng và sở Kế hoạch - Đầu tư khắc phục dự án "Đầu tư xây dựng hoàn thiện Khu du lịch Biển Hồ, hạng mục kè chắn đất và ốp mái taluy".
Ngoài chỉ đạo khắc phục, UBND tỉnh Gia Lai còn "tối hậu thư": nếu các cơ quan, đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thì chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra thụ lý, giải quyết. Báo cáo UBND tỉnh trước ngày 29/3/2019. Thế nhưng UBND Tp.Pleiku vẫn cho thu phí từ trước Tết Nguyên đán 2019.
Như Báo Giao thông đưa tin: ông Thái Hồng Nhân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm TGĐ Công ty CP kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức - người khởi tâm làm tượng phật để nâng tầm du lịch tỉnh Gia Lai tại khu danh thắng Biển Hồ bày tỏ phản đối việc UBND TP. Pleiku thu vé khách tham quan danh thắng.
Trước đó, ông Nhân đã phát tâm tặng Gia Lai bức tượng phật nói trên. Công trình tượng phật hoàn thành làm cho khu danh thắng này đẹp hơn, khang trang hơn. Công trình này cũng là tâm điểm nổi bật của khu danh thắng Biển Hồ.
Sau khi hoàn thành công trình tượng phật, TP Pleiku cho thi công đường dẫn bằng bê tông nhựa chưa đến 1km từ cổng khu danh thắng ở đường Tôn Đức Thắng vào chân công trình tượng Quán Thế Âm Bồ Tát; tổ chức trang trí; xây dựng công trình vệ sinh…Thời điểm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, UBND TP. Pleiku đã dựng barie ở điểm đầu của đoạn đường dẫn thẳng vào tượng phật vừa được tặng rồi bố trí người chặn phương tiện thu vé giữ xe, chặn khách thu phí tham quan.