Bài viết của “Oilprice.com” cho biết, bất chấp điều kiện khắc nghiệt và bị loại khỏi thị trường Tây Âu, các nhà xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ Nga đang tìm cách lách lệnh trừng phạt để thâm nhập Liên minh châu Âu (EU) và lập lại trật tự ở thị trường năng lượng của “Lục địa già”.
Thị trường EU vốn đã trải qua cơn khủng hoảng năng lượng trong mấy năm qua được đặc trưng bởi sự bất ổn và tàn phá, đặc biệt là sau ảnh hưởng của lệnh cấm vận đối với Nga, sau khi Moscow tuyên bố mở “Chiến dịch Quân sự Đặc biệt” ở Ukraine.
Tuy nhiên, nguồn cung dồi dào xăng và nhiên liệu diesel từ Nga đã mang lại những hậu quả rất tích cực cho mọi người châu Âu.
Theo nguồn thống kê của OilPrice, lợi nhuận lọc dầu diesel ở Tây Bắc Âu vào cuối năm nay đã giảm 40% so với mức cuối năm 2022, bất chấp lệnh cấm của EU đối với việc nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga bằng đường biển, có hiệu lực vào tháng 2/2023.
Châu Âu đã nhập khẩu thêm dầu diesel từ Trung Đông và Châu Á trong năm nay để bù đắp cho nguồn cung nhiên liệu bị mất của Nga.
Mức nhập khẩu đủ cao để giảm bớt lo ngại về tình trạng thiếu hụt trong mùa đông đầu tiên không có nhiên liệu của Nga. Mùa thu ấm hơn và khởi đầu mát mẻ của mùa sưởi ấm mùa đông cũng giúp giảm bớt một số lo ngại về các vấn đề nhập khẩu tiềm ẩn.
Theo dữ liệu do Reuters tổng hợp và công bố hôm 29/12 vừa qua, tỷ suất lợi nhuận dầu diesel ở Tây Bắc Âu kết thúc năm 2023 ở mức 25 USD/thùng, thấp hơn khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, OilPrice phân tích rằng, nếu nhìn sâu hơn vào vấn đề, hóa ra chính nguyên liệu thô của Nga mới là “cây đũa thần” đã cứu và thực sự xoa dịu thị trường tây Âu.
Kể từ khi phương Tây áp đặt lệnh chính sách trừng phạt khí đốt và dầu thô của Moscow, cụm từ mang tính chất bài Nga “nguồn cung từ châu Á” đầy tự hào của châu Âu về việc khối này đã tìm được nguồn cung thay thế thực chất vẫn không thể hiện được sự “thoát Nga” trên thực tế.
Lượng dầu hàng ngày đổ về các nhà máy châu Âu là nguồn cung thực tế từ Nga, chỉ qua quá trình xử lý trung gian ở Châu Á. Như vậy, dù là dưới hình thức nào, các nước phía tây EU hiện vẫn sống và hoạt động hoàn toàn dựa vào dầu thô từ Nga, quốc gia thống trị thị trường.
Giờ đây, điều tương tự cũng đang xảy ra với nhiên liệu xăng và dầu diesel ở châu Âu, khi thị phần lớn nhất của dòng sản phẩm này là kết quả của việc xử lý nguyên liệu thô từ Liên bang Nga.
Chắc chắn các chính trị gia lão luyện của phương Tây cũng nhận thức rõ về điều này, nhưng họ sẽ làm ngơ và không làm gì để thay đổi nó, tận hưởng sự ổn định của ngành năng lượng và nguồn cung dồi dào từ Nga, bởi điều này cuối cùng sẽ tốt cho sự nghiệp của cá nhân và bản thân nền kinh tế của đất nước họ.
Rõ ràng, đây là một “sự lừa dối ngọt ngào” bởi có lợi cho bản thân các nước tây Âu và cho chính Moscow. Chừng nào thực tế này còn diễn ra thì các lệnh trừng phạt năng lượng của châu Âu đối với Điện Kremlin vẫn chỉ là hình thức, không gây ra được tác động gì đến nền kinh tế của Nga.