Phương pháp làm bài thi ĐH, CĐ môn Địa lý

Phương pháp làm bài thi ĐH, CĐ môn Địa lý

 Cùng các em học sinh!

(GD&TĐ) - Các môn thi tuyển sinh Đại học – Cao đẳng khối C gồm Văn, Sử, Địa. Có thể nói rằng Địa lí là môn thi các thí sinh có khả năng dễ đạt điểm cao hơn so với Lịch sử và Ngữ văn. Tuy nhiên, để làm một bài thi Đại lí đạt điểm cao trong các kì thi tuyển sinh quả là điều không phải dễ. Bằng kinh nghiệm của người nhiều năm giảng dạy và ôn luyện thi Địa lí, tôi xin được trao đổi cùng các em một số kinh nghiệm và nguyên lí để làm tốt bài thi môn Địa lí đạt điểm cao trong kì thi tuyển sinh Đại học – Cao đẳng.

Với cấu trúc, nội dung đề thi tuyển sinh Đại học – Cao đẳng của Bộ GD & ĐT ban hành thì đề thi có hai phần là lí thuyết và kĩ năng:

Phần lí thuyết các đề thi rất đa dạng, tuy nhiên có thể phân thành các dạng chủ yếu sau đây:

- Dạng đề câu hỏi lí giải.

Yêu cầu thí sinh phải trả lời câu hỏi : ‘Tại sao?”. Với dạng đề nầy, đòi hỏi học sinh phải nắm vững kiến thức và biết vận dụng chúng để giải thích một hiện tượng địa lí. Để làm bài tốt, học sinh chú ý tổng hợp các kiến thức được tích lũy và các mối liên hệ nhân quả.

- Dạng đề câu hỏi so sánh.

Yêu cầu học sinh phải phân tích được sự giống nhau và khác nhau giữa hai hay nhiều hiện tượng địa lí. Học sinh không nên trả lời theo kiểu học thuộc bài mà cần phải tổng hợp kiến thức, sau đó phân biệt được sự giống, khác nhau của các hiện tượng địa lí.

- Dạng đề câu hỏi phân tích, chứng minh.

Yêu cầu học sinh chứng minh một vấn đề nào đó về địa lí. Để làm được dạng đề câu hỏi nầy, học sinh cần nắm vững kiến thức và cả số liệu thống kê tiêu biểu để phân tích hoặc chứng minh theo yêu cầu của đề bài.

- Dạng đề thi câu hỏi trình bày.

Đây là dạng đề khá đơn giản, học sinh chủ yếu học thuộc bài là có thể trình bày tốt yêu câu của đề ra. Tuy nhiên học sinh lưu ý là cần nắm chắ đề thi hỏi “cái gì” thì trình bày “caí ấy” cho phù hợp đề bài, tránh tản mạn, lạc đề.

 Hình mang tính minh họa
 Hình mang tính minh họa

Phần kĩ năng thường phổ biến các dạng như: Vẽ lược đồ Việt Nam và điển các thông tin cần thiết; Vẽ và nhận xét biểu đồ; Nhận xét bảng số liệu.

- Bảng số liệu: Tính toán và nhận xét số liệu thống kê, cần chú ý số liệu có nội dung gì, các nội dung được cụ thể hóa ở chỉ tiêu thống kê cụ thể như thế nào. Về thời gian của số liệu thống kê (một thời điểm hay một chuỗi thời điểm), các đơn vị tính của chỉ tiêu, mối quan hệ có thể có giữa các chỉ tiêu đó... Phải làm rõ được sự thay đổi của các giá trị, các chỉ tiêu theo thời gian, phải chỉ ra được khoảng tăng hoặc giảm mang tính chu kỳ, nhưng cần tránh nêu quá chi tiết mà không nêu được nội dung chính yếu.

- Biểu đồ: Cần rèn luyện các dạng biểu đồ cột, biểu đồ đường hay đồ thị, biểu đồ tròn, biểu đồ miền. Vẽ biểu đồ đòi hỏi sự chính xác về phân chia số lượng, tỷ lệ thời gian, sử dụng các ký hiệu để thể hiện nội dung khác nhau, có ghi chú. Trên biểu đồ phải ghi đầy đủ các yếu tố khác như đơn vị, tên biểu đồ.

- Nguyên tắc khi vẽ lược đồ Việt Nam là phải đảm bảo độ chính xác tương đối về hình dạng, thể hiện được các hệ thống sông chính, các điểm dân cư, khu vực hành chính cơ bản. Vận dụng kiến thức đã học để giải thích hiện tượng Địa lý, giải thích phù hợp và sát với yêu cầu, tránh dong dài.

Từ đặc điểm nội dung, yêu cầu của các dạng đề thi tuyển sinh môn Địa lí nói trên, khi làm bài, học sinh thực hiện theo các thao tác sau:

- Nhận dạng đề thi. Đây là khâu quan trọng hàng đầu, giúp học sinh không bị lệch hướng trong quá trình làm bài.  Đề thi thường có từ 3 - 4 câu, trong đó phần lý thuyết thường chiếm từ 65% - 70% tổng số điểm. Cần nhận dạng được đề thi, ví như dạng trình bày hay chứng minh, biểu đồ tròn hay biểu đồ miền, số liệu đã được xử lý hay số liệu thô...

- Phát thảo đề cương cho từng câu hỏi trong đề thi nhằm giúp cho việc phân bố thời gian cho từng câu hỏi hợp lí, chính xác, tránh tình trạng thiếu sót nội dung các câu hỏi trong quá trình làm bài. Để không bị sót ý, viết lặp lại, lan man, lạc đề, vừa có thể theo dõi được bài làm, kịp thời bổ sung ý cho bài viết... thì lập dàn ý cho các câu hỏi trước khi viết là việc làm hết sức cần thiết. Ngay sau khi nhận dạng đề, thí sinh nên tập trung vạch ra các ý tương đối chi tiết theo dạng dàn ý mở. Nên lưu ý, dàn ý là những ý tiêu đề, trọng tâm chứ không phải bài viết hoàn chỉnh vì không đủ thời gian. Phân bố thời gian hợp lý cho từng câu hỏi: thí sinh nên phân bố thời gian đều và phù hợp cho các câu hỏi trong đề bài, và tiêu chí nên căn cứ vào tỷ trọng từng câu hỏi, tức là số điểm của câu hỏi. Nên dành khoảng thời gian từ 15 - 20 phút để phác thảo dàn ý, từ 10 - 15 phút cho việc kiểm tra đọc lại bài.

-Ngoài ra, trong khi làm bài thì chú ý phần dễ làm trước, khó làm sau nhưng phải đảm bảo tính hệ thống, logic trong bài làm, và nên làm ở tất cả các câu chứ không nên tập trung vào một câu nào đó. Với những số liệu thống kê dùng để minh họa cho bài làm được lấy từ sách giáo khoa, hoặc những số liệu đã được cập nhật từ bên ngoài, thí sinh cần nói rõ nguồn gốc và thời điểm của chúng. Khi vẽ biểu đồ, chú ý ghi tên biểu đồ, bảng chú giải và đặc biệt phải có sự tương thích giữa ký hiệu trong bảng chú giải với những ký hiệu đã dùng trong biểu đồ. Trình bày bài thi cũng là một khâu rất quan trọng vì giá trị của một bài thi không những thể hiện ở phần nội dung mà còn ở phương pháp trình bày. Những lợi thế về chữ viết, cách diễn đạt cũng luôn được giám khảo chú ý. Trong thực tế có rất nhiều bài thi trình bày đầy đủ nhưng kết quả không cao vì viết tắt quá nhiều, lỗi chính tả, câu văn lủng củng, trình bày lan man. Chưa kể chữ viết quá xấu sẽ làm mất hứng thú, cảm tình đối với người chấm bài. Bài thi địa lý có thể trình bày ở dạng bài gồm: mở bài, thân bài và kết luận, hoặc dùng trả lời trực tiếp vào câu hỏi, nhưng cần diễn đạt rõ ràng, ngắn gọn, mạch lạc và dễ hiểu.

Theo công bố mới nhất của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, cấu trúc đề thi trong các kỳ thi quốc gia năm 2011 về cơ bản không thay đổi so với năm trước. Cục cũng không ban hành cấu trúc đề thi các môn, đề thi nằm trong chương trình (chiếm 80 - 90% trong đề thi). Vì vậy, nên bám sát sách giáo khoa và một tài liệu tham khảo ôn tập nhất định, không nên đọc quá nhiều tài liệu và cũng không nên học tủ vì các câu hỏi thường liên quan với nhau. Khi ôn tập, nên hệ thống kiến thức, hệ thống những vấn đề trọng tâm, những câu hỏi liên quan đến vấn đề đó. Nên tập trung học dứt điểm một vấn đề, một giai đoạn, đừng học nhảy cóc lung tung…

Chúc các em thành công!

                      Nguyễn Hoàng Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.