Lần đầu tiên, Bộ GD&ĐT triển khai trên diện rộng chuyên đề ứng dụng bản đồ tư duy hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học. Nhiều giáo viên hồ hởi tiếp nhận phương pháp mới này với hy vọng sẽ giúp học sinh thoát khỏi lối học vẹt.
Bản đồ tư duy (BĐTD) là hình thức ghi chép sử dụng màu sắc, hình ảnh nhằm tìm tòi đào sâu, mở rộng một ý tưởng, tóm tắt những ý chính của một nội dung, hệ thống hoá một chủ đề. Đó còn là công cụ đồ họa nối các hình ảnh có liên hệ với nhau vì vậy có thể vận dụng BĐTD vào hỗ trợ dạy học kiến thức mới, củng cố kiến thức sau mỗi tiết học, ôn tập hệ thống hóa kiến thức sau mỗi chương,... và giúp cán bộ quản lí giáo dục lập kế hoạch công tác.
Trước đây, với cách học truyền thống đã khiến tư duy của nhiều em học sinh đi vào lối mòn, không kích thích được sự phát triển của trí não, điều đó làm cho một số em học sinh tuy rất chăm học nhưng sự tiếp thu vẫn rất ít vì không biết liên kết các kiến thức với nhau, không biết vận dụng những kiến thức đã học trước đó vào phần sau. Học sinh chỉ biết ghi mà không biết cách lưu thông tin sao cho khoa học, tự chủ, độc lập nhất.
Một số kết quả nghiên cứu cho thấy bộ não của con người sẽ hiểu sâu, nhớ lâu và in đậm cái mà do chính mình tự suy nghĩ, tự viết, vẽ ra theo ngôn ngữ của mình vì vậy việc sử dụng BĐTD giúp học sinh học tập một cách tích cực, huy động tối đa tiềm năng của bộ não.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Thành, Hiệu trưởng trường THCS Hương Lạc, Lạng Giang, ưu điểm lớn nhất của việc sử dụng bản đồ tư duy trong dạy học là dễ áp dụng, dễ nhân rộng. Giáo viên chỉ cần bảng đen và hộp phấn màu. Học sinh chỉ cần tờ giấy trắng và bút từ một đến nhiều màu mực. Với yêu cầu lập bản đồ tư duy, giáo viên có thể để học sinh làm việc cá nhân hoặc theo nhóm.
Em Nguyễn Anh Vũ, HS lớp 9 nói: BĐTD giúp tự em lập dàn ý nhớ toàn bộ cốt lõi bài học mà không sa vào chi tiết, học vẹt. Còn Mai Anh Kiệt thì nói: Như vừa học vừa chơi, thoải mái, không áp lực, không buồn ngủ nữa…
Qua thực tế cho thấy, bất kỳ môn nào giáo viên cũng có thể ứng dụng bản đồ tư duy. Thực hiện bản đồ tư duy giúp học sinh rèn luyện kỹ năng và tư duy khoa học, đặc biệt ghi nhớ được sâu sắc mà không sa vào lối học vẹt, thuộc lòng máy móc. Một hình thức giảm tải mà không giảm yêu cầu.
Cách “ghi chép” có hiệu quả trên BĐTD: 1). Dùng từ khóa và ý chính; 2). Viết cụm từ, không viết thành câu; 3). Dùng các từ viết tắt. 4).Có tiêu đề. 5). Đánh số các ý; 6). Liên kết ý nên dùng nét đứt, mũi tên, số, màu sắc,… 7). Ghi chép nguồn gốc thông tin để có thể tra cứu lại dễ dàng. 8). Sử dụng màu sắc để ghi.
Chẳng hạn, sơ đồ một bài học về toán
Hay một bài học về giáo dục công dân
Hoặc kế hoạch năm học của một nhà trường có thể viết theo các mặt hoạt động: dạy học, giáo dục đạo đức,… hoặc viết kế hoạch theo tháng, theo chủ đề,…
Ứng dụng BĐTD trong dạy và học đã được triển khai thí điểm tại 355 trường trên toàn quốc từ năm 2010. Hè 2011, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho tiến hành giảm tải nội dung dạy học từ năm học 2011- 2012, phương pháp dạy học bằng BĐTD là 1 trong 5 chuyên đề dạy học tích cực được tập huấn cho 4.000 giáo viên cốt cán bậc THCS cả nước. Một phương án nhận được rất nhiều sự ủng hộ của học sinh cũng như các cán bộ trong ngành giáo dục.
(Theo viettinnhanh)