Theo các chuyên gia, việc cha mẹ cần làm là khuyến khích để con hiểu rằng, tự tin nói lên suy nghĩ là vô cùng quan trọng.
Xói mòn sự tự tin
Khi lớn lên, nhiều cô gái trẻ người Latin đã nghe câu nói cổ xưa “calladita te ves más bonita”, có nghĩa là “bạn đẹp hơn khi không nói”. Được truyền qua nhiều thế hệ, câu nói này có thể là một sự khiêm tốn. Song, thực tế, nó gắn giá trị của một người phụ nữ với vẻ ngoài và dạy họ kìm nén suy nghĩ, ý kiến.
Đối với những cô gái tuổi teen và thanh thiếu niên, việc nghe câu nói này trong những năm hình thành nhân cách có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cách họ nhìn nhận bản thân.
Bà Yolanda Renteria - nhà trị liệu tâm lý tại Mỹ cho biết: “Cụm từ 'calladita te ves más bonita' cho những cô gái Latin biết rằng, suy nghĩ, cảm xúc và nhu cầu của họ là gánh nặng và việc không nói ra sẽ khiến bản thân dễ chịu hơn. Đó là một cách hạ thấp giá trị của những cô gái và coi việc làm hài lòng mọi người là điều khiến họ trở nên có giá trị. Đó là cách mà những cô gái Latin từng được coi trọng”.
Ở độ tuổi quan trọng khi họ đang điều hướng sự phức tạp của việc tự khám phá, hình thành bản sắc và tìm ra tiếng nói của mình, khái niệm “calladita te ves más bonita” có thể làm xói mòn sự tự tin và lòng tự trọng của những cô gái trẻ.
Lorenza Reyes, bà mẹ có một con gái và một con trai ở Texas (Mỹ) cho biết: “Calladita te ves mas bonita” xuất phát từ thời mà chúng ta là những người không có quyền lực hoặc trở thành nhà lãnh đạo.
Sự im lặng của những cô gái trẻ không chỉ giới hạn ở cụm từ này. Nó biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, từ những hành vi xâm phạm đến các chuẩn mực văn hóa công khai ngăn cản họ lên tiếng, khẳng định bản thân hoặc theo đuổi ước mơ. Hãy tưởng tượng tác động đến tâm lý của một cô gái trẻ người Latin khi cô ấy liên tục được bảo rằng “hãy im lặng”, “hãy là một cô gái ngoan” hoặc “đừng gây rắc rối”.
Chuyên gia Renteria cho biết: “Kỳ vọng văn hóa về sự im lặng và phục tùng của thanh thiếu niên/trẻ vị thành niên ảnh hưởng đến khả năng phát triển ý thức về bản thân của một người. Luôn ưu tiên nhu cầu và mong muốn của người khác khiến họ không coi nhu cầu và mong muốn của mình là quan trọng. Cuối cùng, điều này khiến họ phát triển các mối quan hệ không thỏa mãn và không lành mạnh. Trong đó, nhu cầu của họ bị kìm nén và chỉ chú trọng tới mong muốn của người khác”.
Đấu tranh chống lại sự im lặng
“Calladita te ves más bonita” có thể góp phần tạo nên cảm giác bất lực, tự ti và không muốn phát huy hết tiềm năng của mình. Nó có thể kìm hãm sự sáng tạo, tham vọng và bản chất của thanh thiếu niên. Tệ hơn nữa, nó có thể nuôi dưỡng niềm tin rằng, ý kiến và tiếng nói của họ không quan trọng, dẫn đến việc cả đời kìm nén và bằng lòng với những gì họ có.
Cristal Ruiz, một bà mẹ hai con trai sống tại California, người đã nuôi dạy cô em gái tuổi teen của mình, cho biết: “Khi im lặng, bạn sẽ không được chú ý và bỏ qua các cơ hội. Khi lên tiếng, bạn trao quyền cho bản thân và những người xung quanh. Cơ hội sẽ nhiều hơn vì bạn tạo ra không gian để cơ hội tìm đến bạn và cảm thấy xứng đáng với những cơ hội đó. Hãy khuyến khích các cô gái lên tiếng và họ sẽ cảm thấy thoải mái khi ở bất kỳ nơi nào họ đến”.
Các yếu tố bên ngoài làm trầm trọng thêm vấn đề là lòng tự trọng thấp và sự thiếu tự tin ở thanh thiếu niên. Hơn nữa, theo các chuyên gia, những định kiến và thành kiến tiêu cực có thể thấm vào ý thức, khiến thanh thiếu niên trở nên phục tùng.
Bà Renteria cho biết: “Khi vai trò phục tùng được xã hội và phương tiện truyền thông củng cố, thanh thiếu niên Latin thường hạ thấp giá trị của mình. Điều này khiến họ giảm sự đối xử có hại và bình thường hóa hành vi lạm dụng. Họ có xu hướng có cảm giác chung là không xứng đáng được đối xử tốt”.
Thanh thiếu niên Latin có thể vô thức điều chỉnh hành vi để phù hợp với những kỳ vọng, làm giảm sự tự tin của họ. Áp lực phải hòa nhập cũng có thể gây ra hậu quả, vì thanh thiếu niên Latin có thể cảm thấy cần phải kìm nén bản sắc văn hóa của mình để bạn bè hoặc xã hội nói chung chấp nhận họ. Xung đột nội tâm này có thể dẫn đến cảm giác thiếu tự tin.
Những điều cha mẹ có thể làm
Các chuyên gia cho biết, phụ huynh có trách nhiệm phá vỡ vòng luẩn quẩn này và trao quyền cho con mình để trẻ có thể tự do thể hiện tiếng nói.
Cha mẹ có thể bắt đầu bằng cách áp dụng một câu nói mới như: “Tu vos es poderosa y tu opinión importa - giọng nói của bạn rất mạnh mẽ và ý kiến của bạn rất quan trọng”. Ngoài ra, phụ huynh hãy ưu tiên giao tiếp cởi mở và trung thực, lắng nghe tích cực suy nghĩ, ước mơ và nguyện vọng của con.
Nữ phụ huynh Reyes thực hiện điều này bằng cách nhắc nhở con mình nên đặt câu hỏi và cho biết: “Hãy đứng lên và đặt câu hỏi mà không sợ hãi. Nếu không biết điều gì đó hoặc cần giải thích rõ, thật tự tin khi biết rằng mình nên hỏi”.
Bên cạnh việc hướng dẫn trẻ tìm ra tiếng nói của mình, hãy nỗ lực xác định và nuôi dưỡng tài năng cũng như điểm mạnh độc đáo của con. Từ đó, thúc đẩy trẻ theo đuổi đam mê mà không sợ hãi. Khen ngợi những thành tích, khả năng phục hồi và quyết tâm của trẻ, thay vì chỉ ngoại hình.
“Bố mẹ tôi không bao giờ ngăn cản tôi đọc sách. Đó là nơi tôi tìm thấy ý tưởng và hình mẫu của những người phụ nữ và trẻ em gái đang làm những điều quan trọng. Tôi chắc chắn đã làm gương cho các con gái của mình. Tôi dạy con về những giá trị như sự tò mò và lòng dũng cảm để vượt qua nỗi sợ hãi của mình, bằng cách nêu tên chính xác điều gì khiến trẻ sợ hãi về tình huống đó. Và nếu thất bại thì sao? Trẻ có thể thử lại hoặc thử một điều gì đó khác”, Eliza Kutza, mẹ của hai cô con gái tuổi teen đến từ California cho biết.
Để giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn vào con người của mình, các chuyên gia cho rằng, phụ huynh hãy cố gắng tôn vinh điểm mạnh của con.
Chú ý dấu hiệu trẻ cần được giúp đỡ
Đôi khi, ngay cả với cách tiếp cận thận trọng và chủ động, thanh thiếu niên nữ vẫn có thể phải vật lộn với các vấn đề về lòng tự trọng hoặc sự tự tin. Khi đó, phụ huynh không nên ngần ngại tìm kiếm các cố vấn, nhà trị liệu hoặc nhóm hỗ trợ. Phụ huynh cũng hãy cung cấp cho con các công cụ và nguồn lực cần thiết. Bởi, điều đó là rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể và sự phát triển cá nhân của trẻ.
Chuyên gia Renteria cho biết: “Một số dấu hiệu cho thấy đã đến lúc thanh thiếu niên cần được giúp đỡ. Đó là trẻ gặp phải lo lắng, trầm cảm, tự làm hại bản thân hoặc các vấn đề về mối quan hệ. Tuy nhiên, sự tự tin đối với thanh thiếu niên là điều cần được rèn luyện ngay từ khi còn nhỏ. Cha mẹ không nên đợi đến khi con mình gặp phải đau khổ mới rèn luyện cho trẻ sự tự tin”.
Các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh cần coi trọng việc thường xuyên giúp con mình nhìn nhận bản thân theo hướng tích cực, đồng thời cũng cần nói về bản thân theo những cách lành mạnh. Bởi, phụ huynh phải làm gương về hành vi mà chúng ta muốn thấy ở con mình. Khi đó, trẻ sẽ biết thế nào là một người trưởng thành tự tin.
Bà Renteria cho biết: “Làm gương về các hành vi và ranh giới lành mạnh trong mối quan hệ của chính mình là một điều vô cùng quan trọng. Những bà mẹ thể hiện cảm giác xứng đáng được đối xử tốt là người trao quyền cho con của họ. Họ cũng cần tôn trọng ranh giới của con mình, trò chuyện về những gì trẻ nên mong đợi trong các mối quan hệ của mình. Đồng thời, dạy con coi trọng nhu cầu và mong muốn của bản thân”.
Nữ chuyên gia Renteria khuyên rằng, các cha mẹ nên chú ý đến những dấu hiệu phổ biến cho thấy con mình đang phải vật lộn với các vấn đề về lòng tự trọng hoặc sự tự tin thấp.
“Các dấu hiệu có thể là khi: Con gặp khó khăn trong việc liệt kê điểm mạnh của mình, khi trẻ hạ thấp những gì bản thân làm, khi con thường xuyên xin lỗi vì bất kỳ sự gián đoạn nào mà trẻ gây ra và khi luôn ưu tiên những gì người khác muốn hoặc cần. Một dấu hiệu khác là sức khỏe của các mối quan hệ của con, bao gồm cả tình bạn và thậm chí là tình yêu. Khi trẻ luôn chọn mối quan hệ với những người coi trọng nhu cầu của con”, bà Renteria cho biết.