1: Trước hết, cần nắm vững cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia môn Địa lý (dự kiến có 4 câu hỏi lớn, trong đó có thể có 2 câu hỏi nhỏ).
Câu I có hai câu, trong đó câu I.1 hỏi về tự nhiên (15 bài đầu), câu I.2 hỏi về địa lý dân cư (bài 16, 17 và 18).
Câu II cũng gồm hai câu. Câu II.1 hỏi về địa lý kinh tế: các ngành kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, thương mại du lịch và bài Chuyển dịch cơ cấu kinh tế). Câu II.2 hỏi về địa lý các vùng kinh tế (7 vùng kinh tế) và bài 3 vùng kinh tế trọng điểm, bài 42 “Biển Đông và các đảo, quần đảo”.
Câu III thường là hỏi về Atlat.
Câu IV sẽ yêu cầu vẽ biểu đồ. Đề thi sẽ có thể yêu cầu tính trước khi vẽ. Vì thế các em cần nắm vững các công thức tính trong địa lý (tính năng suất, mật độ, sản lượng, bình quân lúa trên đầu người, cán cân xuất nhập khẩu…), ghi đúng đơn vị và chính xác.
2: Về lý thuyết, nên chọn cho mình một cách học phù hợp nhất để nhớ bài.
Nhìn tổng thể SGK Địa lý lớp 12 được chia ra làm 4 phần:
Địa lí tự nhiên, Địa lí dân cư, Địa lí kinh tế và Địa lí vùng kinh tế. Các phần này đều có mối liên hệ qua lại với nhau.
Trước tiên, cần có kiến thức nền trong phần tự nhiên, dân cư, kinh tế và cuối cùng là tổng hợp trong Địa lí vùng kinh tế. Có thể hệ thống lại bằng sơ đồ tư duy, bằng sơ đồ hình cây, bằng bảng hệ thống… Dù làm cách nào cũng đòi hỏi các em phải có sự đầu tư cho việc hệ thống hóa lại bài học.
Sau khi đã hệ thống các bài, có thể đi vào chi tiết từng bài. Mỗi bài cũng có thể hệ thống lại xem có bao nhiêu nội dung chính, mỗi ý chính có bao nhiêu ý phụ... dùng bút màu tô đậm những phần quan trọng hoặc gạch dưới những ý chính.
Làm theo nguyên tắc từ tổng thể đến chi tiết, từ khái quát đến cụ thể. Có thể ghi mỗi bài ra từng tờ giấy riêng rồi sau đó tập hợp lại, cũng là một cách để nhớ, mà không nhất thiết phải cầm cả cuốn SGK để học, vừa không gây cảm giác nặng nề mà còn giúp hệ thống bài học.
Nếu đã học xong phần kiến thức trong phần tự nhiên, dân cư và kinh tế thì phần cuối cùng Địa lí vùng kinh tế, các em sẽ thấy học rất đơn giản bởi trong phần này có sự lặp lại của phần kiến thức chung. Trong phần kinh tế vùng này tổng hợp nội dung của 7 vùng vào một bảng hệ thống theo kiểu so sánh để dễ nhớ, dễ thuộc mà không bị nhầm lẫn.
Trong những năm gần đây, đề thi thường cập nhật thêm một số nội dung mang tính thời sự, ngoài việc học thuộc lý thuyết, nên tìm hiểu thêm một số vấn đề mang tính thời sự như biển đảo, kinh tế qua sách báo, Internet để phần làm bài có tính thuyết phục hơn.
3: Cần lưu ý khi vẽ biểu đồ
Các em nên rèn luyện kỹ năng vẽ biểu đồ dựa trên các bài tập và các bảng số liệu trong sách giáo khoa. Vẽ thử trên giấy thi càng tốt (nhớ ghi rõ số trang và tên biểu đồ). Vẽ nhiều lần sẽ vẽ nhanh và chia đúng tỉ lệ.
Cần xác định đúng biểu đồ đề yêu cầu. Vì vẽ không đúng loại biểu đồ thì dù vẽ đẹp vẫn không có điểm. Nếu đề yêu cầu rõ ràng: em hãy vẽ biểu đồ tròn… thì làm đúng như đề yêu cầu. Lưu ý về biểu đồ: biểu đồ có ba yêu cầu – đúng, đủ và đẹp. Nhiều em hay thiếu tên biểu đồ, thiếu đơn vị, thiếu số liệu, thiếu ghi chú...
Lưu ý về nhận xét biểu đồ: khi nhận xét biểu đồ tròn, biểu đồ miền hoặc số liệu là số (%) ta phải ghi thêm chữ “tỉ trọng” cho mỗi yếu tố (như ví dụ trên) mới đúng, thiếu “tỉ trọng” là không có điểm.
Đối với phần nhận xét biểu đồ: cũng theo 3 phần là nhận xét chung, nhận xét từng phần rồi tổng kết lại. Câu nhận xét chung thường là: nhìn chung, tổng quan thì giá trị tăng hay giảm.
Tùy theo số liệu có thể nhận xét tăng (giảm) liên tục hoặc tăng (giảm) không đều...
Sau đó đi vào nhận xét từng phần, chú ý đến các giai đoạn có sự tăng giảm đột biến để nhận xét kỹ hơn (nhớ kèm theo số liệu). Cuối cùng, có thể tổng kết lại bằng cách nhận định xu hướng phát triển hoặc giải thích (tùy theo đề bài yêu cầu). Nếu không yêu cầu giải thích thì không làm.
4: Biết cách làm bài bài thi THPT quốc gia môn Địa Lý.
Bước 1: Nên đọc kỹ đề ít nhất là 3 lần và nên gạch chân ý chính. Nhiều bạn không đọc kỹ đề nên dễ bị lạc đề hoặc thiếu ý.
Bước 2: Lập dàn bài tổng quát để bài làm đầy đủ không sót ý. Nhớ làm bài theo đúng trình tự và xuống dòng sau mỗi ý (tránh việc viết một hơi không xuống hàng). Việc xuống dòng sau mỗi ý giúp thí sinh nhìn ra chỗ nào còn thiếu, và giúp giám khảo chấm bài dễ dàng hơn.
Bước 3: Câu dễ, câu ngắn làm trước. Nhiều bạn thích làm câu nhiều điểm trước hay câu khó trước, để rồi khi bị bí, ngồi cắn bút suy nghĩ làm mất thời giờ và cũng làm mất khí thế làm bài, và bài sẽ ít điểm.
Bước 4: Trình bày bài làm rõ ràng, ghi lại câu hỏi cụ thể (VD: câu I.2 tính mật độ…) để giám khảo biết thí sinh làm câu nào, ý tứ ra sao nhằm tránh trường hợp làm lạc đề hay làm thừa thiếu ý. Không viết tắt, không dùng các ký hiệu như mũi tên, vòng tròn, hoa thị …
Nên xuống dòng sau mỗi ý. Ý chính, ý quan trọng thì làm trước, ý phụ hay ít quan trọng làm sau.
Các em nên đọc lại bài trước khi nộp, nếu thấy sai chỉ cần gạch chéo một nét, tránh tô, xóa. Nếu thấy thiếu ý thì đừng viết chen vào, vì nhiều khi chữ nhỏ quá hoặc các dòng chèn vào nhau san sát làm bài khó đọc, mà giám khảo không đọc được thì coi như không có điểm.
Tốt nhất làm bổ sung ở bên dưới, nhớ ghi câu số mấy và ghi thêm chữ “tiếp theo” (VD: tiếp theo câu 3). Khi chấm đến phần cuối, giám khảo sẽ cho điểm bổ sung vào câu đó.
Chúc các em ôn tập tốt môn Địa lý và có kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 !