Phương án thi TN THPT từ 2025: Trường điều chỉnh phương pháp dạy học thế nào?

GD&TĐ - Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 4 môn thi được đánh giá sẽ giảm áp lực cho học sinh, giáo viên.

Giờ học tại Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hưng Nguyên, Nghệ An). Ảnh: Ngọc Sơn
Giờ học tại Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hưng Nguyên, Nghệ An). Ảnh: Ngọc Sơn

Đồng thời, việc dạy học ở các nhà trường được điều chỉnh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, định hướng nghề nghiệp rõ nét hơn.

Đón nhận tích cực

Đón nhận thông tin về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, em Phùng Diệu Linh, lớp 11A1 - Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hưng Nguyên, Nghệ An) cho biết: “Phương án có những thuận lợi cho học sinh, đó là giảm tải kiến thức trong quá trình học. Chúng em có thể lựa chọn 2 môn có năng lực, thế mạnh để dự thi và tập trung cho việc ôn tập”.

Chia sẻ về lựa chọn của mình, Phùng Diệu Linh cho hay, bản thân dự kiến đăng ký thi môn Tiếng Anh và thêm 1 môn thuộc khối A (Vật lý hoặc Hóa học), đồng thời tích cực ôn thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế để sau này xét tuyển đại học.

Trong khi đó, Nguyễn Phương Anh - học sinh Trường THPT Nghi Lộc 3 (Nghi Lộc, Nghệ An) dự kiến xét tuyển đại học khối CO3 (Toán - Ngữ văn - Lịch sử) nên chỉ cần học thêm 1 môn nữa là có thể hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học. Em nghĩ, các bạn sẽ nhận thấy “lợi thế” này. Bạn nào chỉ thi để xét tốt nghiệp cũng nhẹ nhàng hơn.

Trường THPT Tương Dương 2 (Tương Dương, Nghệ An) đóng ở miền núi cao, học sinh hầu hết là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Trần Đình Mạnh, những năm qua, phần lớn học sinh khối 12 chọn thi để xét tốt nghiệp, số ít em học lực khá mới xét tuyển đại học. Với phương án mới, các em phản hồi tích cực và thấy phấn khởi vì chỉ thi 4 môn với 2 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn.

Hiệu trưởng Trường THPT Tương Dương 2 nói thêm: “Chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT được xây dựng theo định hướng nghề nghiệp. Vì vậy, Kỳ thi tốt nghiệp THPT duy trì đảm bảo cho học sinh nhất là vùng cao, khó khăn có động lực, mục tiêu học tập. Đồng thời khi các em được lựa chọn môn thi sẽ phù hợp năng lực, định hướng ngành nghề tương lai”.

Tiết dạy môn Tiếng Anh với giáo viên nước ngoài tại Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh, Nghệ An). Ảnh: Ngọc Sơn

Tiết dạy môn Tiếng Anh với giáo viên nước ngoài tại Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh, Nghệ An). Ảnh: Ngọc Sơn

Thay đổi dạy học ngoại ngữ

Thay đổi rõ nét nhất trong phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là Ngoại ngữ từ môn thi bắt buộc được cắt giảm, chuyển thành môn tự chọn. Theo nhiều lãnh đạo, giáo viên các trường học, với sự điều chỉnh này, việc dạy học ngoại ngữ chắc chắn có ảnh hưởng.

Cô Bùi Thị Mỹ Hảo - giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Đô Lương 2 (Đô Lương, Nghệ An) cho rằng, tổ chức 4 môn thi phù hợp và giúp giảm tải cho học sinh. Tuy nhiên, với phương án này, xu hướng học sinh đăng ký các môn thi dễ học, dễ có điểm và tiếng Anh không còn là lựa chọn của nhiều em.

Đặc biệt với học sinh nông thôn, vốn không có nhiều lợi thế môn học này. Nếu không còn là môn thi bắt buộc, học sinh cũng ít tập trung hơn, không dành nhiều thời gian cho môn Tiếng Anh nữa. Vì thế, cô Hảo lo lắng chất lượng đại trà môn học này ở các nhà trường bị ảnh hưởng.

Còn cô Nguyễn Thị Yến - Trường THPT Thanh Chương 1 (Thanh Chương, Nghệ An) cũng dự báo cách dạy và học môn Tiếng Anh ở các nhà trường sẽ có nhiều thay đổi. Tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp, không có nghĩa không quan trọng.

Đổi lại, phương án thi này của Bộ GD&ĐT giúp giải tỏa áp lực cho học sinh còn hạn chế môn Tiếng Anh mà vẫn buộc phải dự thi. Những em yêu thích, học tốt vẫn có thể lựa chọn môn Tiếng Anh thi tốt nghiệp bình thường để đạt mục tiêu của mình trong tương lai.

“Tôi cho rằng thời gian tới, việc dạy học tiếng Anh ở nhà trường sẽ theo hai hướng. Với học sinh thi môn Tiếng Anh phục vụ xét tuyển đại học vẫn đầu tư thời gian, nâng cao năng lực 4 kỹ năng, tham gia thi lấy chứng chỉ quốc tế…

Sau khi tốt nghiệp THPT, các em sẽ vận dụng vốn tiếng Anh trong giao tiếp, phục vụ học tập, đào tạo chuyên môn. Còn học sinh chỉ thi tốt nghiệp cấp THPT rồi đi lao động sẽ học để giao tiếp, đáp ứng công việc phổ thông. Như vậy không chỉ tiếng Anh mà học sinh có thể học thêm ngôn ngữ khác tùy nhu cầu thực tế bản thân”, cô Yến chia sẻ.

Trong khi đó, cô Hồ Thị Hà - Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hưng Nguyên, Nghệ An) cho rằng, về quản lý giáo dục, phương án thi mới của Bộ GD&ĐT không tác động tiêu cực đến việc học ngoại ngữ ở nhà trường. Theo giáo dục hiện đại và nhu cầu xã hội, con người muốn phát triển thì việc biết ngoại ngữ là điều quan trọng. Vì vậy, dù tiếng Anh có là môn thi bắt buộc hay không thì học sinh vẫn phải học ở mức độ nào đó để đáp ứng yêu cầu lao động.

Trái lại, khi tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc, có thể các em được “thả lỏng” khi học. Không tự ép mình nói, viết câu phải đúng ngữ pháp, chính xác từ vựng mà tăng cường kỹ năng nói, giao tiếp. Sau đó, các em có thể điều chỉnh ngữ pháp dần dần.

Cô Lê Thị Ngọc Diệp –Trường THPT Phạm Hồng Thái cho hay việc dạy học chương trình mới vận dụng nhiều kỹ thuật, phương pháp đa dạng. Ảnh: TG

Cô Lê Thị Ngọc Diệp –Trường THPT Phạm Hồng Thái cho hay việc dạy học chương trình mới vận dụng nhiều kỹ thuật, phương pháp đa dạng. Ảnh: TG

Dạy học theo phát triển năng lực, nhu cầu

Cô Lê Thị Ngọc Diệp - giáo viên môn Sinh học, Trường THPT Phạm Hồng Thái chia sẻ, với môn Sinh học, dự báo sẽ không có nhiều học sinh lựa chọn dự thi. Vì những em theo môn này chủ yếu học khối B để xét tuyển ngành y dược và chiếm tỷ lệ ít trong mỗi trường học.

“Tuy vậy, về phía giáo viên, tôi luôn dành tâm huyết trong bài giảng. Theo Chương trình GDPT 2018 và phương thức thi mới, giáo viên cũng giảm áp lực, vận hành kỹ thuật, phương pháp dạy học đa dạng, linh hoạt, cởi mở hơn. Qua đó, truyền thụ kiến thức, thu hút các em vào bài giảng để có kiến thức, kỹ năng ứng dụng vào cuộc sống chứ không vì mục đích phục vụ kỳ thi tốt nghiệp”, cô Ngọc Diệp nói.

Hiện ngoài xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp, xu hướng các trường đại học tổ chức bài thi đánh giá năng lực ngày càng nhiều hơn. Thầy Trần Văn Trung - Hiệu trưởng Trường THPT Đô Lương 2 (huyện Đô Lương, Nghệ An) cho rằng, với xu hướng trên, nhà trường không chỉ quan tâm đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT, mà phải thay đổi phương pháp dạy học để học sinh có thể tham gia kỳ thi đánh giá năng lực một cách thuận lợi. Như vậy, các em không chỉ học 4 môn mà các môn khác vẫn đảm bảo chất lượng dạy học để thi đánh giá năng lực đạt kết quả tốt nhất.

Tại Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh, Nghệ An), thực hiện Chương trình GDPT 2018 nhà trường đã xây dựng các lớp theo tổ hợp tự nhiên, xã hội để học sinh đăng ký từ lớp 10.

Theo thầy Cao Thanh Bảo - Hiệu trưởng nhà trường, thời gian qua, đối với khối 10 và 11, nhà trường triển khai dạy học theo hướng phát triển phẩm chất năng lực, định hướng nghề nghiệp mà các em theo đuổi. Kết quả, hầu như không có trường hợp nào chuyển lớp, khối sau khi vào học tập ổn định. Phương án thi tốt nghiệp THPT giúp học sinh yên tâm hơn, đồng thời góp phần khẳng định và giúp nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình dạy học rõ ràng, phù hợp, hiệu quả.

Theo cô Hồ Thị Hà – Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Hồng Thái, về mục tiêu, dạy học cái gì sẽ kiểm tra, đánh giá cái đó. Cho nên, kể cả Kỳ thi tốt nghiệp THPT giảm tải còn 4 môn, nhà trường vẫn dạy học, tổ chức kiểm tra đánh giá tất cả môn học theo chuẩn kiến thức kỹ năng của khung chương trình GDPT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.