Thêm nhiều “hàng rào” ngăn ngừa tiêu cực trong chấm thi
Hai điều chỉnh được ông Hà Đình Sơn - Hiệu trưởng Trường THPT Yên Dũng số 3, tỉnh Bắc Giang - quan tâm nhất liên quan đến Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 là cách tính điểm để xét tốt nghiệp và quy định về chấm thi.
Theo đó, việc tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT mà dự kiến điểm xét tốt nghiệp THPT sẽ gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia, điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh chỉ còn 30% là tốt, bởi chắc chắn học sinh sẽ chú tâm vào học hơn, chịu khó ôn tập hơn.
Đặc biệt, quy định chấm thi trắc nghiệm có thêm nhiều “hàng rào” ngăn ngừa tiêu cực: Trường đại học chủ trì chấm thi trắc nghiệm; đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ; mã hóa dữ liệu tạo ra trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm như một hình thức “đánh phách” điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh... Trường đại học chủ trì chấm thi sẽ khách quan hơn vì không liên quan đến quyền lợi thí sinh, mặt khác các trường cũng mong muốn kết quả tuyển sinh chất lượng để làm cơ sở xét tuyển.
“Tôi cho rằng, quy định mới về chấm thi là chặt chẽ, hạn chế tối đa tiêu cực. Vả lại năm vừa rồi, những tiêu cực được phát hiện và xử lý nghiêm nên chắc chắn sẽ hạn chế người có ý định vi phạm trong năm nay. Nhưng cũng phải nói rằng, tiêu cực hay không đều do con người. Quy chế có chặt đến đâu, nhưng sẽ rất khó nếu con người cố tình tìm cách vi phạm. Nếu có chế tài mạnh để xử lý vi phạm thì sẽ răn đe và ngăn chặn được vi phạm có thể xảy ra. Như ở Bắc Giang, trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, các quy định, quy trình đều được tuân thủ nghiêm túc; chấm trắc nghiệm thực hiện cách ly 24/24 giờ, cả công an và thanh tra... Nếu làm thực sự nghiêm túc theo quy chế thì không thể có sai phạm, tiêu cực” - ông Hà Đình Sơn chia sẻ.
Nội dung đề thi chủ yếu nằm ở lớp 12, giúp học sinh chủ động trong ôn tập |
Liên quan đến phương án thi THPT quốc gia năm 2019, ông Phan Xuân Quyết - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên - cho rằng, việc giữ ổn định căn bản là cần thiết để không gây ra xáo trộn đối với hoạt động dạy và học của giáo viên, học sinh. Các nội dung điều chỉnh được thông báo sớm giúp giáo viên, học sinh yên tâm dạy học. Những nội dung điều chỉnh theo Công văn 5480/BGDĐT-QLCL ngày 4/12/2018 của Bộ GD&ĐT là cần thiết và phù hợp để khắc phục các hạn chế, bất cập, nâng cao độ tin cậy của kỳ thi.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên nói rõ: Nội dung đề thi chủ yếu là chương trình lớp 12, giúp học sinh thuận lợi hơn trong việc chuẩn bị thi, đồng thời vẫn có thể đảm bảo đánh giá đúng năng lực học sinh và kết quả dạy học. Việc tăng cường trách nhiệm và sự tham gia của các trường đại học, cao đẳng; tăng cường công tác thanh tra, giám sát cũng là cần thiết. Trong các kỳ thi vừa qua, Hưng Yên đã làm tốt công tác bảo mật đề thi, bài thi, công tác coi thi, chấm thi; tuy vậy hoạt động tăng cường này cũng cần thiết để góp phần chia sẻ trách nhiệm với địa phương. Ngoài ra, quy định tăng tỉ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp sẽ có tác dụng tích cực đối với những trường chưa thực hiện tốt công tác kiểm tra đánh giá, góp phần thúc đẩy việc nâng cao chất lượng dạy học.
Ổn định tâm lý giáo viên, học sinh
Thời điểm này, nhiều Sở GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn thực hiện công tác khảo thí - kiểm định chất lượng giáo dục năm học 2018 - 2019, trong đó có những lưu ý đối với Kỳ thi THPT quốc gia. Theo đó, hầu hết đều nhấn mạnh tăng cường công tác tuyên truyền về kỳ thi; làm tốt công tác lựa chọn nhân sự; nâng cao chất lượng công tác tập huấn nghiệp vụ cho tất cả các đối tượng, lực lượng tham gia tổ chức thi; chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt Kỳ thi THPT quốc gia 2019...
Chúng tôi cũng sớm thực hiện những công tác chuẩn bị cần thiết đáp ứng các yêu cầu đổi mới, đặc biệt là về phương tiện kĩ thuật và nhân sự tham gia làm thi nhằm đảm bảo tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 nghiêm túc, khách quan, an toàn. Cùng với đó, báo cáo UBND tỉnh và kịp thời tham mưu về công tác chỉ đạo và phê duyệt phương án tổ chức thi.
Năm nay, Trường THPT Yên Dũng số 3 (Bắc Giang) có 10 lớp 12. Theo ông Hà Đình Sơn, phương án thi năm nay không liên quan nhiều đến học sinh nên công tác chỉ đạo ôn tập, chuẩn bị thi THPT quốc gia của nhà trường vẫn như mọi năm. Theo đó, nhà trường định hướng ôn tập theo các khối để xét ĐH gồm khối A, A1, D, C và B. Số này chiếm khoảng 60%. Còn lại cơ bản tập trung ôn luyện 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh.
|
“Chúng tôi có tổ chức khảo sát kiến thức học sinh để đánh giá chất lượng, tập trung bồi dưỡng học sinh yếu kém sau kì khảo sát. Ra Tết, trường sẽ tập trung bồi dưỡng các môn để xét tốt nghiệp ở các lớp thí sinh có dùng kết quả thi để tuyển sinh đại học, cao đẳng và tổ hợp môn thứ 4 ở các lớp cơ bản. Đồng thời, xây dựng mô hình tự học, học tập theo nhóm để học sinh giúp đỡ lẫn nhau và tự ôn luyện kiến thức. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 cơ bản tổ chức theo hướng giữ ổn định về phương thức tổ chức như các năm 2017, 2018 nên không ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của giáo viên, học sinh” - ông Hà Đình Sơn chia sẻ.
Tại Hưng Yên, theo ông Phan Xuân Quyết, ngay sau khi kết thúc Kỳ thi năm 2017 Sở GD&ĐT Hưng Yên đã chỉ đạo các đơn vị đánh giá rút kinh nghiệm các hoạt động liên quan đến kỳ thi, như công tác dạy học, hướng dẫn học sinh ôn tập, chuẩn bị các điều kiện cho Kỳ thi THPT quốc gia. Công văn 5480/BGDĐT-QLCL ngày 4/12/2018 của Bộ GD&ĐT được thông tin đầy đủ đến các trường THPT. Căn cứ những nội dung này, Sở GD&ĐT Hưng Yên sẽ hướng dẫn các đơn vị có những điều chỉnh phù hợp trong hoạt động dạy học và chuẩn bị cơ sở vật chất.