Phương án nào phù hợp tuyển sinh lớp 10 theo Chương trình mới?

GD&TĐ - Chỉ còn một năm nữa sẽ diễn ra kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT của lứa học sinh THCS có 4 năm học Chương trình GDPT 2018.

Cô trò Trường THCS - THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: NTCC
Cô trò Trường THCS - THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Phương án tuyển sinh có nên thay đổi, nếu có thì thế nào là vấn đề được quan tâm.

Sớm có phương án

Thời điểm này, việc lên phương án cho kỳ tuyển sinh lớp 10 theo chương trình mới đã được một số địa phương tính toán. Thông tin trên báo chí tháng 10/2023, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT từ năm học 2025 - 2026 theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp Chương trình GDPT 2018.

Ông Đỗ Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cũng thông tin, với phương án thi vào lớp 10 THPT theo Chương trình GDPT 2018, sở sẽ có tính toán thay đổi về hình thức thi, môn thi phù hợp.

Tại Bến Tre, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Võ Văn Bé Hai cho biết, Sở GD&ĐT đã dự kiến 2 phương án tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập từ năm học 2025 - 2026.

Theo đó, phương án 1 tổ chức thi tuyển 3 môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh để lấy tổng điểm làm cơ sở xét tuyển vào lớp 10 công lập (Ngữ văn, Toán hệ số 2); không cộng điểm rèn luyện học tập các lớp cấp THCS vào điểm xét tuyển. Trường THPT chuyên Bến Tre thi 4 môn gồm Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh và 1 môn chuyên.

Phương án 2 tổ chức thi tuyển 2 môn Ngữ văn, Toán, để lấy tổng điểm làm cơ sở xét tuyển vào lớp 10 công lập, không cộng điểm rèn luyện học tập các lớp cấp THCS vào điểm xét tuyển. Đối với tuyển sinh vào Trường THPT chuyên Bến Tre, thi 3 môn gồm Ngữ văn, Toán và 1 môn chuyên.

“Mỗi phương án có ưu điểm, hạn chế riêng nhưng đều hướng đến mục đích đánh giá đúng, công bằng năng lực làm cơ sở phân luồng học sinh vào học cấp THPT, không gây áp lực quá nhiều lên người học và phụ huynh. Dự kiến, đầu tháng 4/2024, Sở GD&ĐT có dự thảo phương án tuyển sinh vào lớp 10 theo Chương trình GDPT 2018 để xin ý kiến góp ý rộng rãi”, ông Võ Văn Bé Hai cho hay.

Nhấn mạnh cần sớm có phương án tuyển sinh vào lớp 10 theo chương trình mới, thầy Nguyễn Minh Đạo - Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (Quan Sơn, Thanh Hóa) nêu quan điểm: Địa phương thi tuyển có thể quy định 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn. Tổng điểm xét tuyển của 4 môn (đều hệ số 1). Vì học sinh lên THPT được lựa chọn môn học, nên cách tuyển sinh nói trên dễ dàng cho các trường THPT sớm có định hướng phân lớp, ôn tập cho học sinh từ lớp 10, giúp chất lượng giáo dục nâng lên.

Thầy Giang Ngọc Ảnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Mỹ Lộc (Thái Thụy, Thái Bình) thì cho rằng, phương án thi vào lớp 10 theo chương trình mới có thể gồm 3 bài: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh; hoặc Toán, Ngữ văn và 1 bài thi môn tích hợp (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý). Không nên thi 4 bài thi sẽ nặng nề, căng thẳng cho người học.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Cần bước đột phá

Nêu quan điểm cá nhân về phương án tuyển sinh lớp 10 theo Chương trình GDPT 2018, theo thầy Vũ Ngọc Hòa - giáo viên Trường THPT Ngô Quyền (Biên Hòa, Đồng Nai), cần có cơ chế tuyển sinh linh hoạt và công bằng, không tập trung quá mức vào 2 môn Toán, Ngữ văn.

Cần đánh giá, xác định năng lực học sinh dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, không chỉ dựa vào điểm số của 2 môn này. Đồng thời có biện pháp hỗ trợ, phát triển học sinh học chưa tốt Toán, Ngữ văn, nhằm bảo đảm các em có cơ hội tiếp cận giáo dục THPT chất lượng.

Khẳng định “cần có bước đột phá các kỳ thi”, ông Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Mục tiêu Chương trình GDPT 2018 là phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Do đó, các thành tố bao gồm nội dung, phương pháp giáo dục và đánh giá người học phải đồng bộ với mục tiêu Chương trình.

Cụ thể, mục đích của đổi mới đánh giá người học là: Điều chỉnh phương pháp dạy của giáo viên, cách học của học sinh; đổi mới công tác quản trị nhà trường; điều chỉnh hoạt động chuyên môn, giáo dục trong và ngoài nhà trường nhằm nâng cao chất lượng theo mục tiêu chương trình mới.

Để đồng bộ với sự đổi mới của Chương trình GDPT 2018, ông Đặng Tự Ân cho rằng, hình thức tuyển sinh vào THPT nên theo 1 trong 2 phương thức: Xét tuyển; kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Bài thi gồm Toán, Ngữ văn; hoặc Toán, Ngữ văn, bài tổ hợp (tự chọn các môn Khoa học tự nhiên hoặc Lịch sử và Địa lý). Đề thi theo cấu trúc trắc nghiệm khách quan và hướng vào đánh giá năng lực người học; môn Ngữ văn thi tự luận.

Với bài thi, ông Đặng Tự Ân cho rằng, nên xây dựng ngân hàng đủ lớn các bài thi trắc nghiệm về đánh giá năng lực người học. Thí sinh làm bài, theo hướng chuyển dần thực hiện trên máy tính. Kế hoạch đánh giá phải lập theo giai đoạn trung và dài hạn. Nếu trong giai đoạn quá độ, vẫn thi theo môn, nên ít môn và chọn môn cơ bản, nền tảng (thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là ví dụ).

Về căn cứ tuyển sinh là kết quả học tập và giáo dục học sinh, các trường cần tìm giải pháp khả thi để bảo đảm điểm học bạ chính xác, thực chất. Riêng bài luận là điểm mới, ông Đặng Tự Ân cho rằng, cần khuyến khích học sinh, không bắt buộc. Thông qua bài luận thể hiện được phẩm chất cá nhân, hiểu biết xã hội, đặc biệt là sự trải nghiệm; giá trị cốt lõi cá nhân cùng những hiểu biết, thiếu sót hay không hoàn hảo của học sinh…

Tôi cho rằng, việc thực thi chương trình giáo dục phát triển năng lực thay vì chương trình áp đặt và coi trọng ghi nhớ kiến thức như trước đây buộc yêu cầu phải thay đổi hình thức kiểm tra, đánh giá người học. Có như vậy, triển khai Chương trình GDPT 2018 mới chuyển biến, thay đổi hiệu quả.

Vì vậy, hình thức tuyển sinh các cấp học phổ thông cần thay đổi phù hợp với mục tiêu của chương trình mới. Trong đó, thay đổi lại hình thức tuyển sinh lớp 10 hiện nay để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới là điều tất yếu không thể khác. - TS Nguyễn Sóng Hiền (Viện Quản lý và Công nghệ châu Âu)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tuyển sinh ngành an ninh mạng Đại học Duy Tân