Phương án hỗ trợ phù hợp với từng học sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Bên cạnh công tác chuẩn bị các điều kiện để tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, tỉnh Điện Biên đang chủ động rà soát, nắm bắt hoàn cảnh từng học sinh.

Ngành Giáo dục Điện Biên đã rà soát, lập danh sách 154 học sinh tham dự kỳ thi có hoàn cảnh khó khăn để lên phương án hỗ trợ.
Ngành Giáo dục Điện Biên đã rà soát, lập danh sách 154 học sinh tham dự kỳ thi có hoàn cảnh khó khăn để lên phương án hỗ trợ.

Đây sẽ là căn cứ để địa phương xây dựng phương án hỗ trợ phù hợp, với mục tiêu không học sinh nào phải bỏ thi vì hoàn cảnh.

Khó đâu gỡ đó

Em Trang A Dũng, lớp 12A2, Trường THCS – THPT Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa mồ côi cả bố lẫn mẹ từ sớm. 12 năm nỗ lực đèn sách sắp qua cũng là thời điểm Dũng bộn bề lo lắng.

“Vì không có bố mẹ làm chỗ dựa nên khi đối diện với bước ngoặt quan trọng này tâm lý em bị xáo trộn, hoang mang nhiều. Thế nhưng may mắn là thời điểm vừa qua em được vào trường ở nội trú. Có thầy cô chăm sóc và thường xuyên động viên, đồng hành nên em yên tâm tập trung ôn luyện”, Dũng tâm sự.

Thầy Trần Huy Hoàng, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Tả Sìn Thàng, cho biết: Dũng là 1 trong 31 học sinh đặc biệt khó khăn của trường tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Để có sự hỗ trợ tốt nhất cho các em tại kỳ thi, nhà trường đã lập danh sách số học sinh này để gửi đề nghị lên UBND huyện.

“Như các năm trước, những trường hợp thuộc diện khó khăn được hỗ trợ 150 nghìn đồng/kỳ thi. Nhà trường hy vọng năm nay các em cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ phù hợp. Nguồn kinh phí này giúp bổ sung những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho các em. Đây cũng là nguồn động viên để học sinh yên tâm tập trung thi cử”, thầy Hoàng cho hay.

Cũng theo thầy Hoàng, ngay sau khi kết thúc năm học (31/5), 59/59 học sinh tham dự kỳ thi của nhà trường được bố trí vào ở bán trú tập trung. Mặc dù đã kết thúc chế độ theo quy định, song trường chủ động kêu gọi các nguồn xã hội hóa để bố trí hỗ trợ mỗi học sinh 15kg gạo. Vận động quyên góp thức ăn, rau xanh bổ sung từ nhiều nguồn, đảm bảo đủ ăn từ nay đến khi thi xong.

“Ngoài ra, trong giai đoạn này nhiều em tâm lý bị xáo trộn, muốn về nhà. Nhất là 6 em đã lấy vợ, chồng. Trong khi đó, hiện đang vào mùa mưa bão, thường xuyên xảy ra các sự cố sạt lở, lũ quét… Để tránh ảnh hưởng đến việc thi cử, nhà trường đã vận động các em ở tập trung tại trường cho đến khi hoàn tất kỳ thi. Bên cạnh số giáo viên ôn thi, trường phân công 11 thầy cô ở lại quản lý, chăm sóc và động viên tinh thần học trò trong giai đoạn này”, thầy Hoàng chia sẻ.

Còn tại Trường THPT huyện Mường Nhé, kỳ thi năm nay có 151 học sinh tham dự. Theo thầy Phạm Văn Hạ, Hiệu trưởng nhà trường, năm học kết thúc một số em cũng có biểu hiện xao nhãng học tập, về nhà nhưng không quay lại trường. Để ổn định công tác ôn tập và chất lượng thi cử, nhà trường đã tổ chức các đoàn giáo viên tìm đến tận gia đình học sinh.

“Chúng tôi phân công giáo viên và thành viên trong ban giám hiệu đến tận nhà để tìm hiểu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng trường hợp. Trên cơ sở đó, động viên các em ra lớp, ổn định tâm lý. Đồng thời lập danh sách 7 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (hộ nghèo, mồ côi cha mẹ hoặc cha mẹ ốm đau, bệnh tật…) đề nghị hỗ trợ”, thầy Hạ chia sẻ.

Tại nhiều trường THPT, phụ huynh được huy động và nhiệt tình tham gia hỗ trợ nấu ăn phục vụ các sĩ tử.
Tại nhiều trường THPT, phụ huynh được huy động và nhiệt tình tham gia hỗ trợ nấu ăn phục vụ các sĩ tử.

Không học sinh nào bị bỏ lại phía sau

Không chỉ với nhóm học sinh hoàn cảnh đặc biệt, theo thầy Hạ, do học sinh nhà trường đa phần là con em đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế nhiều khó khăn. Bởi vậy, để có sự hỗ trợ tốt nhất, giúp các em yên tâm ôn luyện và tập trung thi cử, nhà trường đã họp, xin ý kiến phụ huynh toàn trường cùng chung tay quyên góp 50 nghìn đồng/gia đình.

“Số tiền này để nhà trường tổ chức nấu ăn cho toàn bộ học sinh tham dự kỳ thi, đảm bảo các bữa ăn đầy đủ về số lượng và chất lượng. Phụ huynh cũng nhất trí phân công, cắt cử người tham gia nấu ăn cho từng bữa cụ thể. Với tinh thần là cùng cộng đồng trách nhiệm, vì con người hôm nay và ngày mai mọi người cũng sẽ vì con mình”, thầy Hạ nói.

Theo thống kê từ ngành Giáo dục Điện Biên, kỳ thi năm nay địa phương có trên 6.400 học sinh tham dự. Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên, cho hay: Ngành đã rà soát, lập danh sách học sinh tham dự kỳ thi có hoàn cảnh khó khăn để lên phương án hỗ trợ.

“Theo kết quả rà soát có 154 thí sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần hỗ trợ. Trong đó, 100 em được Ủy ban MTTQ tỉnh nhận giúp đỡ. Ngành Giáo dục trích ngân sách hỗ trợ 54 em còn lại, với số tiền là 300 nghìn/em/3 ngày tập trung thi. Khoảng 400 thí sinh khác có hoàn cảnh khó khăn ở mức độ thấp hơn đang được các nhà trường phối hợp cùng đoàn thể địa phương hỗ trợ bằng nhiều hình thức”, ông Đoạt chia sẻ.

Ngoài số học sinh trên, theo ông Đoạt, các địa phương và cơ sở giáo dục có học sinh tham dự kỳ thi trong tỉnh cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch hỗ trợ. Việc đồng hành dựa trên điều kiện thực tế địa phương và hoàn cảnh từng em. Ngành Giáo dục cũng phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh, cơ quan, đơn vị trên địa bàn để huy động nguồn lực hỗ trợ các em ôn thi, dự thi. Tất cả trên tinh thần đảm bảo không có thí sinh nào phải bỏ thi do khó khăn về kinh tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.