Đến đây, du khách như thể được bước vào cánh cửa thoát tục, để hòa mình vào không gian yên bình với những làn gió êm dịu như miền cổ tích.
Truyền thuyết Chùa Hang
Tọa lạc trên triền núi Sam, thuộc địa phận thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, nằm trong cụm di tích Miếu Bà chúa xứ, chùa Tây An và lăng Thoại Ngọc Hầu, Phước Điền Tự - theo cách gọi dân dã của người dân là Chùa Hang.
Theo cách giải thích của người dân: “Phước” là “phước lành”, “Điền” là “điền địa” (ruộng đất) và có thể hiểu đơn giản là mảnh đất gieo trồng phước lành. Chùa Phước Điền Tự không chỉ nổi tiếng về cảnh sắc say đắm lòng người mà còn gắn với rất nhiều giai thoại và sự tích ly kỳ.
Chùa hình thành từ khoảng năm 1840 – 1850, ban đầu là một am tu bằng tre lá, do bà Lê Thị Thơ (1818 – 1899), pháp danh Diệu Thiện, người làm nghề may ở Chợ Lớn tạo lập để làm nơi tu hành, khi còn trẻ.
Trước đây, bà Thơ cũng có gia đình, nhưng vì nhà chồng quá hà khắc, nên bà chán nản trốn lên núi Sam, tìm đến chùa Tây An xuống tóc đi tu vừa bốc thuốc trị bệnh, ước mong sớm dứt nghiệp duyên.
Sau thời gian ở chùa Tây An, bà nhận thấy đây cũng không phải nơi phù hợp với mình vì có nhiều người thường xuyên lui tới, chính quyền địa phương nhòm ngó. Bởi vậy, năm 1850, bà rời bỏ Tây An tìm nơi khác tu hành, mong có nơi thanh tịnh. Trên đường, bà gặp một cái hang cách chùa Tây An khoảng 1 km, liền dựng am lập nơi tu hành. Đó là khởi nguyên của chùa Hang Châu Đốc ngày nay.
Theo giai thoại, kề bên am tu có một hang núi sâu, có đôi mãng xà to lớn dị thường. Nhưng từ khi bà đến tu, đôi mãng xà không còn hung tợn nữa, mà thường đến nằm im lắng nghe kinh kệ. Dần dần, đôi mãng xà được cảm hóa, thường đến ăn đồ chay, trông chừng thú dữ, kẻ gian, bảo vệ chốn tu hành của bà Thơ.
Bà đặt tên chúng là Thanh Xà, Bạch Xà và sau khi bà qua đời, đôi mãng xà cũng bỗng dưng biến mất. Vì thế, câu chuyện truyền miệng về đôi mãng xà gắn với vị nữ tu này giống như lời răn dạy về việc trừng phạt kẻ ác, cứu vớt người lành.
Người dân quanh đây đều thuộc lòng truyền thuyết về chùa Hang Châu Đốc. Cứ mỗi khi có du khách đi ngang qua, ngồi bên hồ sen, hành lang chùa mà nghe kể lại càng thêm thú vị.
Chốn bồng lai, tiên cảnh
Theo các sư trụ trì của Chùa, năm 1885, do cảm mến đức độ của sư nữ Diệu Thiện, ông phán Thông (Nguyễn Ngọc Cang) ở Châu Đốc và nhân dân quanh vùng đã tự quyên góp tiền của, xây dựng lại chùa: Nền lát gạch, cột gỗ căm xe, kèo rui gỗ thao lao, lợp ngói móc…
Đến năm 1937, Hòa thượng Thích Huệ Thiện (1904 – 1990) trùng tu nâng cấp chùa lần thứ hai. … Từ đó đến nay, chùa cũng nhiều lần được tu bổ và sửa chữa theo kiến trúc cổ điển của chùa chiền Việt Nam với các hạng mục như chánh điện, tam bảo, bảo tháp...
Điều mà bất cứ ai từng đến nơi đây đều cảm nhận rất rõ nét, đó là từ cổng chùa đi theo những bậc thang xây bằng khối đá, dốc khá cao, nhưng dường như bước chân mọi người đều không thấy mệt mỏi, mà còn thấy lòng mình dịu lại trong làn khói nhang phảng phất.
Các địa điểm trong khuôn viên chùa được đặt tên rất thú vị như: Đường hang dũng mãnh; Hồ liên trì hải hội; Từng bước nở hoa sen; Tây Phương tam thánh điện; Tàng kinh các, sân tiên... Trong khuôn viên chùa có hai ngôi bảo tháp rất nổi bật với màu sắc sặc sỡ, hoa văn được chạm khắc tỉ mỉ, cẩn thận.
Trong chùa, các bức tượng Phật, tượng Quan Thế Âm, tượng Hộ Pháp... được đặt ở những nơi trang trọng. Trong các ngóc ngách ở hang sâu phía trong vách núi của chùa Hang cũng đặt những bức tượng khác nhau. Tất cả tượng của chùa Hang đều được chạm khắc công phu và sinh động. Hai bên lối vào hang còn có tượng của đôi mãng xà trong truyền thuyết.
Đặc biệt khuôn viên của chùa được thiết kế với các hồ hoa sen, hoa súng và nhiều loại hoa lá, cây cảnh được chăm sóc kỹ càng. Những loài hoa này đem đến cho chùa Hang một không khí thanh khiết và bình an.
Nhất là sau khi thắp hương xong, đứng dưới sân chùa dõi tầm nhìn về cánh đồng thẳng cánh cò bay như thể được ngắm một bức tranh trữ tình, hay hướng lên phía rừng cây xanh thẳm để chiêm ngưỡng cảnh quan yên bình với những chồi non, lá biếc, cùng tiếng chuông chùa âm vang … lòng bỗng nhẹ đến lạ kỳ.
Có lẽ thế, mà dù một lần, hay nhiều lần đến nơi đây, bất cứ ai đều mong được trở về để thêm được một lần hưởng những phút giây sống chậm, để được chạm tay vào dấu ấn của thời gian, hòa mình vào không an yên bình của miền cổ tích thật yên bình.