Khám phá chứng tích quý của đạo Phật tại chùa Hang

Khám phá chứng tích quý của đạo Phật tại chùa Hang

Ngôi chùa thiên tạo độc đáo

Cùng với Tháp Tường Long, Đền Bà Đế, Đền thờ Nam Hải Thần Vương… chùa Hang là một trong những điểm du lịch ấn tượng với những vẻ đẹp thiên tạo quý giá.

Đúng như tên gọi, chùa được đặt trong lòng hang đá ven sườn núi cao 35m, rộng 7m và sâu khoảng 25m. Theo truyền thuyết, chùa Hang có từ trước công nguyên. Vào sâu bên trong, chùa càng thấp và hẹp với độ cao trong cùng khoảng 1m và rộng khoảng 1,3m.

Chùa có vị thế lưng ẩn sâu trong núi vững chãi và mặt hướng ra biển cả mênh mông. Nhìn từ xa, chùa, tháp, nhà thờ tổ… hợp lại thành một quần thể kiến trúc độc đáo về dáng vóc, đa dạng về hình khối.

Cụ Hoàng Văn Nhật (SN 1938), phật tử nơi đây cho biết: Tương truyền rằng, trước kia chùa có bàn thờ đá, tượng A-di-đà, bát hương bằng đá. Khi chiến tranh, dân tản cư, chùa gần đồn Tây nên cảnh chùa càng hoang vắng.

Năm 1967, công binh đã phá rộng lòng hang để cất giấu tài liệu, khai thác đá phía ngoài để che cửa hang, vì vậy một số dấu tích như bài thơ đề vịnh chùa Hang khắc trên vách đá, bệ đá thờ… đều bị hư hỏng. Nhưng trải qua những thăng trầm, biến cố, về cơ bản chùa Hang vẫn giữ được nét đẹp nguyên sơ.

Hiện nay, chùa vẫn còn nhiều di vật đáng quý như bàn thờ đá, tượng A-di-đà - pho tượng sư tổ bằng đá xanh, cao 0,59cm tọa thiền trên đài sen, tóc quăn thành từng búi, tai dài; bát hương đá tạo hình thành thế chân vạc đặt trước bàn thờ sư tổ; giếng nước cổ ở sâu trong lòng hang.

Với vẻ đẹp độc đáo, nhiều tao nhân mặc khách đã lưu đề thơ ca ngợi vẻ đẹp chùa Hang như: “Chùa Hang, động phật, hang dơi; Bốn phương tám hướng chẳng nơi nào bằng”. Hay trong ca dao cổ có ghi “Chùa Hang cảnh phật nhiệm màu; Ấy là bụt mọc hay bầu tiên xây”.

Mặc dù không có quy mô rộng như chùa đặt trong hang như chùa Hương, Trầm, Địch Lộng nhưng chùa Hang ở Đồ Sơn được nhiều du khách tìm đến chiêm bái, tham quan bởi vẻ đẹp tự nhiên cùng sự tích kỳ bí.

Chứng tích quý của đạo Phật

Theo lời kể của các phật tử tại chùa, nhà sư nước Thiên Trúc (thường gọi là sư Bần) đến truyền đạo và tu hành tại chùa Hang Đồ Sơn từ thế kỷ thứ III trước công nguyên và thị tịch tại đây. Do vậy, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là nơi đầu tiên đạo Phật du nhập vào nước ta.

TS Đoàn Trường Sơn, Chủ tịch Hội sử học thành phố Hải Phòng cho biết: Theo các tài liệu xưa và hiện nay, vùng Đồ Sơn - Kiến Thụy là nơi đầu tiên các nhà truyền đạo từ Tây Trúc (Ấn Độ) đặt chân đến. Trong đó có nhà sư từ Thiên Trúc đến truyền Phật pháp và dựng chùa Hang (Cốc tự) từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên, vào cuối thời Hùng Vương. Nhà sư này còn dựng chùa trên Mẫu Sơn (núi Chòi Mòng) và sau đó ngài viên tịch tại chùa Hang.

Là kết quả bào mòn của sóng biển nên thuở đầu, chùa Hang nằm gần mép biển, thuận tiện cho ngư dân sinh hoạt tín ngưỡng. Điều này cũng phù hợp với nhiều nghiên cứu của các nhà sử học Hoàng Xuân Hãn, C.Madrolle, rằng Phật giáo truyền vào xứ Đông (vùng Hải Dương - Hải Phòng) trước hết từ Nê Lê (Đồ Sơn) hiện nay.

Lịch sử Hải Phòng còn ghi lại, thuở xưa, Đồ Sơn là một đảo đất đá xen kẽ, cách đất liền khoảng 3km, rừng rậm đầy sản vật, nước ngọt. Ngư dân khắp các miền, nhất là vùng Thanh - Nghệ, đến sinh cơ, lập nghiệp. Trên đảo có một số hang động rộng rãi.

Các nhà sư Thiên Trúc theo thuyền buôn đi men theo đường biển đã cập đảo này và dựng chùa Hang (Cốc tự). Dân chúng Đồ Sơn là những người đầu tiên của xứ Đông tiếp thu đạo Phật. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn ý kiến tranh luận nhưng phần nhiều thuận với quan điểm trên.

Trong quá trình dựng và giữ nước, người Việt cổ cũng đã xác lập được nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc, còn gọi là văn minh sông Hồng. Đây cũng là quá trình thâm nhập và mở rộng ảnh hưởng của đạo Phật tới nước ta.

Từ Đồ Sơn – Kiến Thụy, Phật giáo tiếp tục được truyền vào xứ Đông và các vùng phố Hiến - Kinh Bắc. Đạo Phật lan truyền nhanh chóng bởi nó là tôn giáo phù hợp với bản sắc văn hóa - tín ngưỡng các tộc người Á Đông.

Theo nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa địa phương Ngô Đăng Lợi, căn cứ vào di tích chùa Hang và chùa trên đỉnh núi Mẫu Sơn cùng các di tích liên quan và truyền ngôn của người dân ở Đồ Sơn kể về vị sư Bần đã dựng nên chùa trên núi Mẫu Sơn, sau viên tịch ở chùa Hang góp phần khẳng định: Xứ Đông với Phật tích Nê Lê Đồ Sơn là nơi đầu tiên của nước ta tiếp thu Phật giáo. Từ Nê Lê truyền lên Luy Lâu (Dâu), từ Luy Lâu truyền sang Lạc Dương và Bành Thành ở Trung Quốc.

Năm 2010, chùa Hang được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố. Nhận thức được chùa Hang là một di sản văn hóa vô cùng quý hiếm nên nhiều năm trở lại đây thầy trụ trì cùng Ban quản lý chùa, Phật tử địa phương và thập phương người góp của, người góp công, sửa chùa, tạc tượng đúc chuông với tâm nguyện bảo tồn một di tích lịch sử văn hóa Phật giáo trên đất Đồ Sơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.