Phục hưng hạt nhân

GD&TĐ -Ngày 24/8, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết quốc gia này sẽ tái khởi động nhiều nhà máy điện hạt nhân đã dừng hoạt động và xem xét khả năng phát triển lò phản ứng thế hệ mới.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản - quốc gia nhập khẩu hơn 90% nhiên liệu - tìm cách kiềm chế giá năng lượng tăng vọt và hỗ trợ các nhà sản xuất công nghệ hạt nhân trong nước.

Không chỉ thúc đẩy tái khởi động nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới Kashiwazaki-Kariwa, Thủ tướng Fumio đang tìm cách đảo ngược một thập kỷ kiềm chế năng lượng hạt nhân và xây mới nhà máy hạt nhân tại Nhật Bản. Nước này cũng cân nhắc kéo dài tuổi thọ của các lò phản ứng hạt nhân lên hơn 60 năm so với hiện tại.

Trước đây, Nhật Bản là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ năng lượng hạt nhân. Chỉ trong vòng 20 năm, hạt nhân đã trở thành nguồn sản xuất điện chính của quốc gia, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Những tai nạn nghiêm trọng liên quan đến hạt nhân từ năm 1999 đến 2007 đã buộc nước này phải đóng cửa đột ngột các nhà máy hạt nhân.

Sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011 khiến lò phản ứng tan chảy phát tán phóng xạ ra môi trường xung quanh, Nhật Bản dừng hoạt động tất cả các nhà máy hạt nhân.

Tỷ trọng của năng lượng hạt nhân giảm xuống mức 0 trong khi sử dụng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và than đá tăng mạnh. Nhiệt điện chiếm gần 90% tổng sản lượng điện trong năm 2024. Hiện nay, chỉ còn 6 trong tổng số 33 lò phản ứng tại Nhật Bản còn hoạt động.

Cho đến năm 2021, hạt nhân vẫn là vấn đề gây tranh cãi gay gắt tại Nhật Bản. Nhưng tình hình địa chính trị đang ủng hộ các kế hoạch của Thủ tướng Fumio. Đầu năm 2022, trong bối cảnh chi phí điện tăng cao do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, cái nhìn tiêu cực về hạt nhân bắt đầu thay đổi.

Đa số người dân Nhật Bản tham gia khảo sát thăm dò ý kiến của tờ báo Nikkei bày tỏ ủng hộ việc tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân lần đầu tiên kể từ sau thảm họa Fukushima.

Tuy nhiên, việc khởi động lại vẫn là thách thức lớn. Dư luận có thể ủng hộ tái hoạt động các lò phản ứng hạt nhân từng được kiểm duyệt gắt gao nhưng việc kéo dài tuổi thọ hoặc xây mới sẽ là vấn đề tranh cãi.

Còn tổ chức môi trường Greenpeace nhận định năng lượng hạt nhân có thể là giải pháp cho các vấn đề năng lượng hiện nay nhưng trên thực tế, nó rất phức tạp, tốn kém và tạo ra lượng lớn chất thải nguy hại. Nó cũng tiềm ẩn những mối nguy hiểm lâu dài cho môi trường nếu một sự cố tương tự Fukushima xảy ra.

Ngoài ra, sản xuất điện hạt nhân không mang lại nhiều ý nghĩa về mặt kinh tế. Theo ước tính mới nhất của Bộ Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, điện được tạo ra từ lò phản ứng mới được xây dựng vào năm 2030 sẽ đắt hơn so với năng lượng do hệ thống điện mặt trời tạo ra, chưa kể những rủi ro trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển công nghệ lò phản ứng hạt nhân mới.

Một câu hỏi khác đặt ra là động thái của Nhật Bản sẽ tác động như thế nào đối với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Nhiều khả năng việc tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản sẽ trở thành nguồn động lực cho các nước khác, tiếp tục dấy lên mối nguy về kho vũ khí hạt nhân thế giới tăng trở lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ