Phụ thuộc quá mức vào AI có thể làm giảm khả năng tự học và phản xạ của học sinh

GD&TĐ -Chuyên gia cho rằng, cần sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ để lấy cảm hứng, nhưng phải thận trọng và duy trì sự tò mò để học hỏi sâu hơn.

Chuyên gia cho rằng, phụ thuộc quá mức vào AI có thể làm giảm khả năng tự học và phản xạ của học sinh
Chuyên gia cho rằng, phụ thuộc quá mức vào AI có thể làm giảm khả năng tự học và phản xạ của học sinh

Đây là nội dung được các chuyên gia chia sẻ tại phiên thảo luận "Ứng dụng AI trong nghiên cứu" - một chủ đề quan trọng được thảo luận tại diễn đàn quốc tế "Lãnh đạo trẻ toàn cầu về phát triển bền vững năm 2024" (The Forum of Young Global Leaders for Sustainable Development 2024), do Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM tổ chức.

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Vĩnh Khang - Kỹ sư phòng thí nghiệm, Trường ĐH Việt Đức, nhận định, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể cải thiện năng suất học tập bằng cách cung cấp các công cụ học tập thông minh, sử dụng thuật toán để nhắc nhở người dùng hoàn thành bài học. Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá mức vào AI có thể làm giảm khả năng tự học và phản xạ của học sinh. Ngoài ra, AI cũng đặt ra các rủi ro về quyền riêng tư và nguy cơ thao túng tâm lý, khi thông tin sai lệch có thể dẫn đến hiện tượng "ảo giác AI".

"Do đó, cần sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ để lấy cảm hứng, nhưng phải thận trọng và duy trì sự tò mò để học hỏi sâu hơn" - Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Vĩnh Khang nhấn mạnh.

workshop-ai-1-6870-630.jpg
ThS Nguyễn Thị Kim Tri - Giám đốc thư viện, Trường Đại học Việt Đức

Trong khi đó, ThS Nguyễn Thị Kim Tri - Giám đốc thư viện, Trường Đại học Việt Đức, cho rằng trong lĩnh vực nghiên cứu, AI giúp tiết kiệm thời gian và cải thiện hiệu quả trong việc viết các bài nghiên cứu và đề xuất. AI có khả năng tìm kiếm thông tin nhanh chóng và hiệu quả, hỗ trợ người dùng tiếp cận dữ liệu cần thiết. Tuy nhiên, việc áp dụng AI không phải lúc nào cũng dễ dàng và đòi hỏi sự hiểu biết đúng đắn để tận dụng tối đa.

"Việc hợp tác với bạn bè và đồng nghiệp từ nhiều quốc gia cũng rất quan trọng để nâng cao chất lượng nghiên cứu và phát triển các ý tưởng mới" - bà Kim Tri nói.

Còn theo TS Đào Thị Bích Vân - Nghiên cứu viên, Trường Đại học Việt Đức, khi áp dụng AI, cần cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro. AI có thể hỗ trợ trong việc tìm kiếm thông tin và cải thiện quá trình học tập, nhưng cũng có thể xâm phạm quyền riêng tư của người dùng.

"Sinh viên cần được hướng dẫn cách sử dụng AI một cách có trách nhiệm để tránh việc lạm dụng và đảm bảo tính công bằng trong đánh giá. Trước khi chia sẻ thông tin, cần kiểm tra tính chính xác và nguồn gốc của nó để đảm bảo không phát tán thông tin sai lệch" - bà Vân chia sẻ.

workshop-ai-2209-5239.jpg
Các nhà nghiên cứu, giảng viên cấp cao chia sẻ, thảo luận về chủ đề AI với sinh viên - Ảnh: UEF

Theo chuyên gia này, AI có thể ảnh hưởng đến cách thức làm việc và yêu cầu kỹ năng của người lao động trong tương lai. Các vai trò công việc mới như tư vấn bền vững và chuyên gia kinh tế tuần hoàn đang nổi lên, đòi hỏi kiến thức liên ngành. Tuy vậy, trước khi áp dụng AI, cần xem xét kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến bảo mật và quyền riêng tư, và cần có sự chuẩn bị để đối phó với những thay đổi này.

Đỗ Ngọc Linh Chi - Sinh viên Khoa Kinh tế UEF cho hay: " Workshop về AI đã mang lại cho em cái nhìn sâu sắc hơn về trí tuệ nhân tạo. Trước đây, em chỉ nghĩ AI là công cụ tìm kiếm thông tin, nhưng qua workshop, em nhận ra AI còn có nhiều ứng dụng khác. Em cũng nhận thức được những rủi ro khi sử dụng AI, đặc biệt là khi truy cập và cung cấp thông tin".

Theo Linh Chi, Workshop "Ứng dụng AI trong nghiên cứu" đã giới thiệu cho em nhiều công cụ AI mà em chưa biết trước đây, từ những công cụ cơ bản đến nâng cao, hỗ trợ trong việc sáng tạo nội dung, vẽ hình ảnh và lập kế hoạch dự án.

"Những công cụ này thực sự hữu ích trong việc viết luận và thực hiện các dự án học tập khác. Em cảm thấy mình đã học hỏi được rất nhiều và sẽ áp dụng những kiến thức này vào học tập và công việc của mình” -Linh Chi nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ