Phụ nữ Việt Nam - người dệt những trang sử vàng đất nước

Phụ nữ Việt Nam - người dệt những trang sử vàng đất nước

Biết bao các nhà văn, nhà thơ, các bậc kỳ tài Việt Nam và thế giới đã dành không ít thời gian, tâm huyết và cũng hao tổn biết bao giấy mực để ghi lại hình ảnh đẹp của người phụ nữ - những người mẹ - người vợ, những con người đã góp sức lớn lao dệt lên những trang sử vàng vẻ vang của dân tộc trên mỗi bước thăng trầm của lịch sử. Đại văn hào M.Gorki đã viết:

“Đời thiếu mẹ hiền, không phụ nữ

Anh hùng, thi sĩ, hỏi còn đâu?”

Dưới chế độ phong kiến và đế quốc, phụ nữ là người bị áp bức bóc lột, chịu bao cay đắng, thiệt thòi và bất công trong xã hội. Với bản lĩnh phi thường, họ luôn có nhu cầu được giải phóng và sẵn sàng cùng nam giới đứng trong hàng ngũ đấu tranh. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm xưa chống lại quân xâm lược Đông Hán do tên Thái thú Tô Định cầm đầu đã ghi lên trang sử vàng oanh liệt trong truyền thống kiên cường chống ngoại xâm của dân tộc ta. Một trong những nét đặc sắc của cuộc khởi nghĩa này là sự tham gia đông đảo của các tầng lớp phụ nữ yêu nước, trong đó xuất hiện nhiều nữ tướng tài giỏi được suy tôn là anh hùng dân tộc. Đó là một trong những bằng chứng về sức mạnh to lớn và khả năng dồi dào của phụ nữ Việt Nam.

Tượng đài Mẹ Suốt dưới ánh bình minh bên cửa biển Nhật Lệ - Quảng Bình.   Ảnh: Bắc Việt
Tượng đài Mẹ Suốt dưới ánh bình minh bên cửa biển Nhật Lệ - Quảng Bình. Ảnh: Bắc Việt

Những ngày đầu sôi sục chống thực dân Pháp xâm lược, phụ nữ đã tham gia đông đảo vào các phong trào “Cần Vương”, “Đông kinh nghĩa thục”, “Đông Du” và các tổ chức tiền thân của Đảng cùng nhiều tổ chức quần chúng khác. Năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập, trong cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: “Nam nữ bình quyền”. Sớm nhận rõ phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng Đảng đã đề ra nhiệm vụ: phải giải phóng phụ nữ, gắn liền với giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Đảng đặt ra: phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng (công hội, nông hội) và phải thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ nhằm động viên, cổ vũ, lôi cuốn họ tham gia cách mạng. Ngày 20/ 10/ 1930, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chính thức được thành lập.

Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ, chị em phụ nữ Việt Nam đã góp phần xương máu xây dựng lên tượng đài chiến thắng huy hoàng của dân tộc. Tên tuổi các nữ anh hùng Võ Thị Sáu, Mạc Thị Bưởi, Trần Thị Lý, Mẹ Suốt, Lê Thị Hồng Gấm và nhiều phụ nữ khác là những biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Lịch sử sẽ còn mãi khắc ghi những hình ảnh chói ngời của những “đội quân tóc dài”, những nữ chiến sĩ bất khuất trong tù, những mẹ già đào hầm bảo vệ cán bộ, cất giấu thương binh, những đội nữ dân quân bắn rơi máy bay phản lực, những thanh niên xung phong “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, những nữ chiến sĩ quân y quả cảm và tấm gương anh hùng của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm mãi mãi còn lưu danh sử sách. Còn nữa, hàng triệu những người mẹ, người vợ đã vượt qua mọi hy sinh gian khổ, động viên chồng con đi chiến đấu, bản thân đảm đang việc nước, việc nhà, vững vàng gan dạ vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa giữ vững hậu phương. Phụ nữ Việt Nam ta rất đỗi tự hào, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Tượng đài chị Võ Thị Sáu
Tượng đài chị Võ Thị Sáu

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng đâu đó dư âm của nó vẫn còn chưa dứt, còn nhiều các bà, các mẹ, những người vợ, những người phụ nữ còn mang trong mình không ít vết thương về cả thể xác và tinh thần nhưng cũng chính họ vừa buông tay súng đã vững tay cày, miệt mài trên trang sách, say mê trên các mặt trận xây dựng đất nước. Theo thống kê, phụ nữ chiếm 50,6% lực lượng lao động xã hội, trong đó 60% lực lượng lao động các ngành nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, y tế, văn hóa, giáo dục và hơn 30% lực lượng lao động các ngành khác. Riêng ngành Giáo dục – Đào tạo, trong tổng số 1.044.035 nhà giáo trực tiếp đứng lớp, có gần 74% là nữ, đảng viên nữ chiếm 60% tổng số đảng viên toàn Ngành. Nhiều chị em trưởng thành vượt bậc về trình độ văn hóa và kỹ thuật. Đội ngũ nữ công nhân lành nghề, nữ cán bộ khoa học, nữ cán bộ quản lý ngày một đông đảo, có năng lực thực sự đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước. Vai trò bình đẳng của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội được pháp luật bảo đảm. Luật hôn nhân và gia đình đã khẳng định địa vị của người phụ nữ trong chế độ ta. Nhằm thực hiện Cương lĩnh vì sự tiến bộ của phụ nữ toàn cầu 1995 Chính phủ Việt Nam đã chính thức công bố Chiến lược phát triển vì sự tiến bộ của phụ nữ; Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW: Đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới; Năm 2006 Luật bình đẳng giới đã được thông qua; Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số: 11-NQ/TW (27/4/2007) “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”. Đặc biệt là Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã khẳng định: "Nâng cao trình độ mọi mặt về đời sống vật chất, tinh thần, thực hiện bình đẳng giới cho phụ nữ. Tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người thầy đầu tiên của con người. Bồi dưỡng, đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý các cấp...”. Với ngành Giáo dục – Đào tạo, để đảm bảo quyền lợi, phát huy sức mạnh của nữ giới- lực lượng đông đảo trong Ngành, Bộ đã phối hợp cùng Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ban hành chương trình hoạt động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ-TW trong ngành Giáo dục giai đoạn 2009 – 2013.

Phát huy truyền thống vẻ vang, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, phụ nữ Việt Nam đã không ngừng vươn lên khẳng định vị thế của mình, đạt nhiều thành tích được xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Cụ thể là trong lĩnh vực Khoa học - Công nghệ - Giáo dục: tỷ lệ nữ học sinh sinh viên đạt giải cao trong các kỳ thi cấp Quốc gia, Quốc tế ngày càng cao. Đội ngũ nữ trí thức tăng nhanh, có nhiều công trình khoa học có giá trị, tính ứng dụng cao mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Nữ giáo sư chiếm tỷ lệ 3,5%, PGS 5,9%; tiến sỹ 12,6%; tiến sỹ KH 5,1%; 19 nữ Anh hùng lao động; 250 nữ CSTĐ toàn quốc, nhiều giải thưởng Kovalépscaia, NSND, NSƯT... (theo tài liệu Đại hội Phụ nữ toàn quốc). Tỷ lệ nữ là đại biểu Quốc hội ngày càng tăng qua các thời kỳ bầu cử. Khóa I (1946- 1960) là 3%, đến khóa XII (2007 – 2012) tăng lên là 25,76%. Chúng ta cũng đã có không ít những phụ nữ xứng đáng đã và đang giữ trọng trách cao trong bộ máy công quyền của Đảng và Nhà nước điển hình như nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan,... Trong ngành Giáo dục- Đào tạo cũng có không ít các cán bộ lãnh đạo nữ góp phần không nhỏ chèo lái đưa con thuyền giáo dục vượt qua thác ghềnh, thúc đẩy sự nghiệp giáo dục phát triển. Chúng ta đã từng có nữ Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình, nữ Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai và nay có nữ Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa và còn nhiều nữ cán bộ quản lý các cấp Vụ, Viện, các Sở, Phòng, Ban, các trường và các đơn vị giáo dục trên khắp mọi miền đất nước. Chúng ta đã có 11 nữ nhà giáo vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân” và 1.011 nữ nhà giáo được phong danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”. Đó là những bông hoa tươi thắm nhất trong vườn hoa đầy hương sắc của đội ngũ nữ nhà giáo Việt Nam. Đặc biệt, đóng góp vào sự thành công của Ngành còn có biết bao các cô giáo đã phải vượt gian khổ thậm chí hy sinh cả tuổi thanh xuân, mang con chữ tới các bản làng, các vùng hải đảo xa xôi của Tổ quốc. Sự hy sinh âm thầm của các chị luôn là biểu tượng cao quý được Ngành và xã hội tôn vinh.

Không chỉ hoàn thành nghĩa vụ công dân, với mục tiêu vươn lên bình quyền cùng nam giới, gánh vác những trọng trách trong xã hội, phụ nữ còn một sứ mệnh thiêng liêng cao cả không gì thay thế được đó là thiên chức làm mẹ, làm vợ, là người “giữ lửa” trong mỗi tổ ấm gia đình. Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình có tốt thì xã hội mới phồn thịnh. Gia đình là tổ ẩm, là cái nôi phát triển của mỗi con người, nhưng chỉ thực sự là tổ ấm khi có nền nếp gia phong theo chuẩn mực đạo đức mà chỉ huy nó không ai khác chính là người người Mẹ - người được phong là Nội tướng.

Nhân kỷ niệm 79 năm ngày thành Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/ 10/ 10930 – 20/ 10/ 2009), Báo Giáo dục & Thời đại xin bầy tỏ lòng tri ân sâu sắc và trân trọng gửi tới các mẹ Việt Nam anh hùng, các nữ Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các nữ quản lý giáo dục, các cô giáo và các em nữ sinh cùng đông đảo bạn đọc nữ thân thiết của Báo lời chúc sức khỏe – hạnh phúc và thành công hơn nữa trên mọi lĩnh vực công tác, giữ vững và phát huy truyền thống quý báu của mình, đạt nhiều thành tích ở các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, góp phần vào sự phát triển của đất nước, xây dựng hình ảnh Việt Nam ngày một tươi đẹp hơn.

Giáo dục & Thời đại

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ