Phụ nữ và trẻ em gái đều có quyền và cơ hội bình đẳng như nam giới

GD&TĐ - Đó là quan điểm của bà Ritsu Nacken - Quyền trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam.

Phụ nữ và trẻ em gái đều có quyền và cơ hội bình đẳng như nam giới. Ảnh minh họa/Internet
Phụ nữ và trẻ em gái đều có quyền và cơ hội bình đẳng như nam giới. Ảnh minh họa/Internet

Ảnh hưởng tiêu cực tới cấu trúc dân số

Mất cân bằng giới tính có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế xã hội của đất nước và ảnh hưởng tới cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cộng đồng.

Theo bà Ritsu Nacken, hiện nay, toàn châu Á đang thiếu hụt tới 117 triệu phụ nữ do mất cân bằng giới tính khi sinh, một trong những hậu quả của tình trạng phân biệt giới.

Số quốc gia có hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh không nhiều nhưng hậu quả của tình trạng phân biệt giới thì hết sức nghiêm trọng.

Hiện tượng này đã ảnh hưởng lớn tới 2 quốc gia lớn trong khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ. Dự đoán vào năm 2060 cứ 100 phụ nữ thì có tới 160 năm giới Trung Quốc và Ấn Độ trong độ tuổi kết hôn.

Tương tự, mất cân bằng giới tính khi sinh cũng đang ảnh hưởng tiêu cực tới cấu trúc dân số của Việt Nam trong tương lai, dẫn tới dư thừa nhiều nam giới trong xã hội.

Việc thiếu phụ nữ sẽ làm cho rất nhiều nam giới khó khăn trong việc tìm bạn đời để kết hôn. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một viễn cảnh dư thừa từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn.

"Sức ép kết hôn" sẽ tạo ra những hậu quả về mặt xã hội và nhân khẩu học như: Gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm, gia tăng đường dây buôn bán phụ nữ bằng các hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, bất ổn xã hội do những thất vọng về mặt xã hội và tình dục của nam giới.

Để có thể giải quyết các thách thức này một các hiệu quả, bà Ritsu Nacken khuyến nghị: Nguyên nhân cốt lõi của vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh là sự bất bình đẳng giữa nam và nữ.

Hiện tượng lựa chọn giới tính trước khi sinh trở nên nghiêm trọng hơn bởi các giá trị truyền thống gia trưởng trong gia đình. Đặc biệt là hệ thống gia đình phụ hệ cũng như thiếu quyền tự chủ của người phụ nữ về mặt tài chính và xã hội.

Xây dựng một xã hội nam - nữ bình đẳng

Do đó, giải pháp của vấn đề không phải là tập trung vào giải quyết hiện chẳng hạn như: Cấm siêu âm hay phá thai lựa chọn giới tính mà chúng ta cần nhìn nhận vấn đề trong bối cảnh rộng lớn của phát triển kinh tế, xã hội, khi mà con trai được coi trọng hơn con gái.

Làm thế nào để thay đổi quan niệm xã hội và xây dựng một xã hội để tất cả phụ nữ và trẻ em gái đều có quyền và cơ hội bình đẳng như nam giới?

Bà Ritsu Nacken cho rằng, cần phải có những nỗ lực phối hợp hết sức khẩn trương của tất cả các bộ, ngành, của Chính phủ và xã hội để có thể giải quyết vấn đề này bao gồm cả gia đình, trường học và cộng đồng.

Ngoài ra, cần thiết phải cải thiện khuôn khổ pháp luật liên quan tới bình đẳng giới bởi vì chính pháp luật và chính sách tác động tới hành vi của người dân.

Phụ nữ và trẻ em gái đều có quyền và cơ hội bình đẳng như nam giới ảnh 1 Bà Ritsu Nacken
"Tôi xin kêu gọi sự nỗ lực của tất cả mọi người để hướng tới một đất nước Việt Nam hiện đại, nơi mà phụ nữ và nam giới, bé trai hay bé gái đều được đối xử công bằng; phụ nữ và trẻ em gái đều có những cơ hội để thành công trong cuộc sống như nam giới, bé gái và bé trái được tôn trọng như nhau; và vấn đề "trọng nam khinh nữ" là vấn đề của quá khứ.

Đặc biệt, chúng ta cần có sự hợp tác giữa nam giới và trẻ em trai. UNFPA sẽ chung tay với Việt Nam và hỗ trợ hết sức có thể tại cấp quốc gia và địa phương nhằm chấm dứt hiện tượng mất cân bằng giới tính".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ