Phụ huynh trường THCS Trưng Vương (Đà Nẵng) bức xúc vì địa điểm thuê làm cơ sở dạy học xuống cấp, nhếch nhác

Phụ huynh trường THCS Trưng Vương (Đà Nẵng) bức xúc vì địa điểm thuê làm cơ sở dạy học xuống cấp, nhếch nhác

Điều này khiến nhiều phụ huynh lo lắng vì khoảng cách khá xa so với địa điểm trường THCS Trưng Vương hiện nay. Theo phản ánh của phụ huynh, phòng học của trường Tiểu học Lê Đình Chinh xuống cấp do bỏ hoang không sử dụng từ hơn 1 năm nay. Đã có một số phụ huynh làm đơn xin chuyển trường cho con sang học ở các trường THCS lân cận.

Phụ huynh xin chuyển trường

Trường THCS Trưng Vương đang làm thủ tục để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Để thực hiện công tác tuyển sinh lớp 6, năm học 2020 - 2021, BGH trường THCS Trưng Vương đang mượn tạm một phòng của trường Tiểu học Phù Đổng, cùng nằm trên trục đường Yên Bái để phụ huynh đến nộp hồ sơ. 

Khi chúng tôi đến, bà của em T.N.M.T, học sinh lớp 7/2 đang làm thủ tục xin chuyển cho cháu về học tại trường THCS Sào Nam. "Ba mẹ cháu hay đi công tác xa, không có người đưa đón nên cháu sang ở với ông bà. Năm tới trường chuyển lên học ở địa điểm mới, cũng khá xa. Ông bà không có điều kiện đưa đón nên xin chuyển cháu về học trường gần nhà" – bà của e T. cho biết.

Phụ huynh trường THCS Trưng Vương (Đà Nẵng) bức xúc vì địa điểm thuê làm cơ sở dạy học xuống cấp, nhếch nhác ảnh 1
Cơ sở vật chất của tại địa điểm trường Tiểu học Lê Đình Chinh cũ được phụ huynh cho là xuống cấp, không an toàn cho HS

T. không phải là trường hợp duy nhất xin chuyển trường. Thầy Lê Xuân Tiến – Phó Hiệu trưởng trường THCS Trưng Vương cho biết: "Mấy hôm nay rải rác cũng có một số phụ huynh xin rút hồ sơ, chuyển con sang các trường THCS lân cận. Nhà trường chưa thống kê số liệu nhưng cũng tạo điều kiện cho phụ huynh nộp hồ sơ sau khi đã giải thích cho phụ huynh về việc thuê địa điểm mới để dạy – học trong năm học tới".

Theo như thầy Lê Xuân Tiến thông tin thì trước đó, trường có dự định mượn CSVC của Cung thiếu nhi Đà Nẵng để dạy – học. "Tuy nhiên, sau khi khảo sát thì CSVC không đáp ứng được. Quy cách của các phòng học tại Cung thiếu nhi chỉ phù hợp với dạy các môn năng khiếu nên sức chứa tối đa chỉ khoảng 25-30 HS. Với đặc điểm của HS Tiểu học như năm học vừa rồi trường Tiểu học Lý Tự Trọng thuê là phù hợp nhưng sĩ số mỗi lớp học của trường THCS Trưng Vương khoảng 45 HS thì không thể tổ chức lớp học được. 

Mặt khác, nếu thuê CSVC của Cung thiếu nhi thì không đủ số lượng phòng học, trường vẫn phải tìm thuê thêm một địa điểm khác. Vì vậy, trường đã làm tờ trình gửi UBND quận Hải Châu về phương án sử dụng địa điểm cũ của trường Tiểu học Lê Đình Chinh để tổ chức dạy học trong quá trình xây mới trường THCS Trưng Vương" - thầy Tiến thông tin.

Kể từ khi có thông tin trường THCS Trưng Vương sử dụng địa điểm cũ của trường Tiểu học Lê Đình Chinh làm nơi dạy – học trong năm học sắp tới, nhiều phụ huynh đã đến xem xét và không đồng ý với chủ trương này. 

Trên trang fanpage của trường THCS Trưng Vương, ngay dưới thông báo về địa điểm học tập mới trong năm học 2020 – 2021, phụ huynh Bạch Ngọc Mộng Hằng bày tỏ quan điểm: "Môi trường học tập của các em mà BGH nhà trường quá xem nhẹ, nhà trường cũ kỹ xuống cấp rất tệ, lỡ các cháu học có chuyện gì thì khi đó nhà trường trả lời sao với phụ huynh. Sao nhà trường không lấy sự an toàn cho HS. Chúng tôi đang rất lo lắng cho sự lựa chọn của BGH. Không thể chấp nhận một cái trường bỏ hoang xuống cấp vậy được". Thậm chí, đã có phụ huynh đề xuất phương án "ký xin đồng loạt cho con học buổi tối tại một trường nào tại quận Hải Châu. Chịu khó một năm học chính quy dạng bổ túc".

Sẽ đảm bảo các điều kiện tối thiểu cho hoạt động dạy học

Bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng GD&ĐT Hải Châu cho biết, có một số phụ huynh thậm chí đã đề nghị sẽ hỗ trợ kinh phí để trường THCS Trưng Vương thuê mướn địa điểm khác làm nơi học tập. "Không phải là quận không có kinh phí và cũng chưa cần phụ huynh tham gia xã hội hóa. Nếu phụ huynh thuê mướn địa điểm ở trung tâm quận, ngay gần trường THCS Trưng Vương hiện nay thì cũng chỉ được vài phòng học. Trường sẽ phải "xé lẻ" nhiều địa điểm, rất khó cho việc quản lý chuyên môn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học" – bà Thúy Hà cho biết.

Phụ huynh trường THCS Trưng Vương (Đà Nẵng) bức xúc vì địa điểm thuê làm cơ sở dạy học xuống cấp, nhếch nhác ảnh 2
Các phòng học của trường Tiểu học Lê Đình Chinh sẽ được sơn sửa, lắp đặt lại hệ thống đèn, quạt… để đảm bảo đáp ứng điều kiện dạy – học

Hiện nay, UBND quận Hải Châu đang lập dự toán để cải tạo, sửa chữa CSVC tại địa điểm cũ của trường Tiểu học Lê Đình Chinh. Theo đó, sẽ phải sơn sửa lại phòng ốc, làm mới cổng ngõ, bắt lại hệ thống điện nước, quạt mát, đèn chiếu sáng. Dự kiến khoảng gần 450 triệu đồng. 

"Những điều kiện tối thiểu để đảm bảo cho một ngôi trường hoạt động sẽ được đáp ứng. Thực tế, do hơn 1 năm nay trường Tiểu học Lê Đình Chinh chuyển sang cơ sở mới, không sử dụng nên nhìn bụi bẩn thôi chứ vẫn đảm bảo an toàn. Trước đó, quận cũng dự kiến cơ sở này sẽ cải tạo lại để làm trường mầm non trong thời gian sắp tới. Vì vậy, rất mong sự chia sẻ của phụ huynh để tới đây, trường THCS Trưng Vương có một cơ sở khang trang, hiện đại hơn" – bà Thúy Hà bày tỏ.

Theo thầy Lê Xuân Tiến, để hỗ trợ cho việc đi lại của HS, BGH trường THCS Trưng Vương sẽ có xe đưa đón. Trường sẽ hợp đồng với nhà xe và lấy thông tin những phụ huynh nào có nhuu cầu cho con em đến trường bằng xe đưa đón để thuận tiện cho việc di chuyển.  

"Sẽ có tuyến xe bus R17A đưa đón HS trường THCS Trưng Vương. Điểm đón trả sẽ ở trước nhà hát Trưng Vương (đường Hùng Vương) để HS có chỗ trú mưa, nắng trong khi chờ xe. Lộ trình của tuyến này sẽ trả khách ở đường 2/9, đối diện trường Tiểu học Lê Đình Chinh cũ, HS phải băng qua đường Núi Thành. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho HS, nhà trường sẽ cử các GV trẻ là Đoàn viên dẫn HS sang đường vào đầu và cuối giờ các buổi học" - thầy Lê Xuân Tiến thông tin.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.