Huấn luyện chiến binh nhí
Một ngày ở Trường Mẫu giáo Buddy Sports tại quận Setagaya, Tokyo, bắt đầu với bài chạy buổi sáng, trẻ thường chạy chậm khoảng 3 km trước khi giờ học chính thức vào 10 giờ sáng.
Điều này rất khó khăn đặc biệt với trẻ nhỏ không quen với kiểu khổ luyện này. Nếu trẻ tụt lại phía sau bạn, chúng sẽ được thúc giục đuổi theo. Nếu trẻ bắt đầu khóc, giáo viên sẽ yêu cầu dừng lại.
Dưới khẩu hiệu “nỗ lực hết sức” - trẻ từ 3 - 6 tuổi được kì vọng sẽ trở nên nỗ lực tự thân, tự lập và vượt qua sợ hãi hay áp lực.
Thậm chí khi bé 3 tuổi khóc trong trại tập trượt tuyết 3 ngày, giáo viên cũng không để chúng về mà họ cố gắng dạy chúng trượt tuyết và đứng dậy khi bị ngã.
Một số người nghe chuyện đã chỉ trích giáo viên và cho rằng đó là một hình thức lạm dụng trẻ em. Tuy nhiên những người này đã thay đổi suy nghĩ sau khi nhìn bọn trẻ hạnh phúc trượt tuyết - theo Hiệu trưởng Takeshi Suzuki.
Ngoài bài chạy buổi sáng, mà theo Hiệu trưởng Suzuki là giúp phát triển cơ bắp, trường còn dạy trẻ khoảng 10 môn thể thao khác, trong đó có thể dục dụng cụ, bóng rổ và tennis. Những trẻ lớn hơn trong trường được cho leo lên trạm thứ 7 trên núi Phú Sĩ, một hành trình mất khoảng 5 tiếng đồng hồ - Suzuki nói.
Nhu cầu từ phụ huynh
“Ngày nay, nhiều phụ huynh quá bao bọc con cái” - Suzuki, người sáng lập Trường Buddy năm 1981, chia sẻ - “Tôi muốn trẻ trải nghiệm khó khăn, tin vào điều có thể làm được nếu cố gắng. Điều này sẽ mang tới cho chúng sức mạnh vượt qua những khó khăn trong cuộc sống sau này”.
Buddy là một trong ngày càng nhiều trường mẫu giáo tại Nhật Bản thực hiện chương trình học hà khắc.
Mặc dù phương pháp dạy khắc nghiệt và yêu cầu luyện tập trái ngược với phương pháp phổ biến “học mà chơi” trong giáo dục trẻ mầm non - nhưng số phụ huynh lựa chọn những trường như vậy đang tăng lên, với hy vọng nuôi dưỡng được thiên bẩm của con cái họ.
Theo nghiên cứu được thực hiện năm 2015 bởi công ty cung ứng dịch vụ giáo dục Benesse Holdings Inc., 43,3% phụ huynh cho biết muốn các trường mẫu giáo dạy kiến thức học thuật, tăng từ 37,5% năm 2005. Khoảng 4.000 phụ huynh có con dưới 6 tuổi tham gia trong nghiên cứu.
“Phụ huynh có con trước tuổi đến trường ngày càng quan tâm tới GD sớm” - theo Junko Takaoka, Quản lý Nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu và Phát triển GD Benesse, thuộc Benesse Holdings.
Takaoka cũng cho biết ngày nay nhiều bà mẹ tiếp tục làm việc sau khi sinh và không có thời gian cho con tham gia các hoạt động ngoài giờ học như học nhạc, bơi - vì thế họ tìm đến những trường mẫu giáo cung ứng các dịch vụ như vậy.
Cũng bởi các gia đình ngày càng sinh ít con, nhiều phụ huynh sẵn sàng đầu tư vào giáo dục từ khi con bé tí - Takaoka nhận xét.
Theo số liệu của Bộ Giáo dục, số trẻ vào học mẫu giáo đã giảm còn 1,34 triệu trong năm tài chính 2016 so với mức 2,29 triệu năm 1975.