Yên tâm để con trở lại trường
Anh Nguyễn Quang Minh, phụ huynh có con học lớp 11 Trường Marie Curie (Nam Từ Liêm, Hà Nội) trao đổi: Học trực tuyến dù giáo viên và học sinh (HS) đã nỗ lực và thích nghi song hiệu quả giáo dục không thể bằng trực tiếp. Hơn nữa với học sinh lớp 10, 11 đang ở thời điểm “bước đệm” của lớp 12 với kỳ thi tốt nghiệp THPT quan trọng.
Nếu cứ học trực tuyến quá lâu cũng khó để đảm bảo hiệu quả, yêu cầu mong muốn. Nền tảng kiến thức lớp dưới nếu không vững vàng, lên lớp tiếp theo việc học sẽ hạn chế.
Mặt khác, theo anh Minh hiện nay học sinh THPT đã được tiêm mũi thứ 2 vacxin phòng dịch. Nhà trường thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe… Như vậy, nếu HS trở lại trường thời điểm sau Tết cũng yên tâm.
Chị Nguyễn Thu Quỳnh, con học lớp 9 Trường THCS Quỳnh Mai (Hai Bà Trung, Hà Nội) cũng đồng quan điểm cần cho học sinh sớm trở lại trường học bởi các điều kiện như tiêm phòng vacxin trong cộng đồng và học sinh khá cao, điều kiện phòng chống dịch và chữa bệnh trong trường học và cơ sở y tế ngày càng hiện đại và hiệu quả.
Mặt khác, theo chị Quỳnh với học trò THCS đã có nhận thức, kiến thức về dịch bệnh khá tốt nên bản thân sẽ có ý thức phòng dịch. Từ đó sẽ hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác phòng dịch trong trường học khi các em tới trường.
Chị Phạm Quỳnh Anh phụ huynh học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (Đống Đa, Hà Nội) cũng cho rằng: Không gia đình, nhà trường, thầy cô… nào muốn “đẩy” HS đến sự mất an toàn sức khỏe. Như vậy, khi các điều kiện cơ bản để học sinh trở lại trường tương đối đảm bảo thì không nên quá e dè, giữ HS ở nhà học trực tuyến.
Tuy nhiên cũng không thể chủ quan dịch bệnh. Nếu học sinh trở lại trường học thì ngành giáo dục, các nhà trường, giáo viên cần chuẩn bị kĩ càng các phương án đón HS, điều kiện y tế, cơ sở vật chất... Cần linh hoạt hình thức dạy học theo diễn biến, điều kiện thực tế dịch bệnh. Trước khi HS trở lại trường, cần tuyên truyền để cha mẹ hiểu một cách khoa học về dịch bệnh. Từ đó sẽ có sự chủ động trong việc phòng, chống và kết hợp bảo vệ sức khỏe HS…”, chị Quỳnh Anh trao đổi.
Nhà trường sẵn sàng
Từ góc độ quản lý giáo dục, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông, Hà Nội cho rằng thời điểm này dịch bệnh dã tạm được khống chế, HS từ lớp 7 đến 12 đã tiêm phòng 2 mũi. Như vậy sau Tết, việc HS trở lại trường là niềm vui lớn của ngành giáo dục, là sự mong chờ của HS, đặc biệt HS cuối cấp. Về phía các nhà trường cũng đang chuẩn bị tích cực để sẵn sàng các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, y tế... để đón HS.
Tuy nhiên theo bà Hằng, khi HS trở lại trường thì các nhà trường cần thực hiện nghiêm các hướng dẫn của Sở y tế, Sở Giáo dục trong việc phòng, chống dịch, cách ứng phó các tình huống xảy ra (chắc chắn sẽ có vì dịch chưa chấm dứt hoàn toàn). Mặt khác cũng cần sự thích ứng linh hoạt, sáng tạo của các trường.
Hiện tại, ngành giáo dục quận Hà Đông với 22 trường THCS có khoảng 20.000 HS đang tích cực, chủ động chuẩn bị những điều kiện tốt nhất đón HS trở lại trường học tập.
Cô Lại Thị Phương Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng đồng tình với chỉ đạo của Ngành Giáo dục trong việc sớm đưa HS trở lại trường.
Theo cô Thảo hiện tại HS bậc THPT đã được tiêm 2 mũi vacxin, các nhà trường cũng đảm bảo điều kiện trường học an toàn trong phòng chống dịch. Mặt khác, thời gian qua các nhà trường dù triển khai nhiệm vụ năm học theo hình thức trực tuyến nhưng vẫn theo đúng lộ trình đặt ra từ đầu năm. Vì thế khi HS quay trở lại thì vẫn tiếp tục trên đà đó triển khai nhiệm vụ không hề bị động.
Tuy nhiên, cô Thảo cho rằng các nhà trường cần thực hiện sát sao và nghiêm túc quy định phòng, chống dịch bệnh để có thể phát hiện và xử lý nhanh các trường hợp dịch bệnh. Cần làm tốt công tác phối hợp giữa các ban ngành chức năng, địa phương trong việc ứng phó với dịch bệnh.
Với Trường THPT chuyên Ngữ đang khẩn trương xây dựng các phương án đón HS trở lại trường theo chỉ đạo của quận và Thành phố trên tinh thần tuân thủ nghiêm hướng dẫn, chỉ đạo.
“HS, phụ huynh và giáo viên đang mong mỏi trở lại trường dạy và học bình thường bởi nói sao đi chăng nữa học trực tuyến có thuận lợi riêng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế (phát triển mối quan hệ, kĩ năng giao tiếp, tiếp xúc môi trường thực tế, dạy học trải nghiệm…)”, cô Thảo chia sẻ.
Thầy Trần Quốc Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội) cũng khẳng định việc đưa HS trở lại trường học tập sau Tết (khi dịch bệnh được khống chế) phù hợp và sẽ được phụ huynh ủng hộ.
Hiện tại, Trường đã xây dựng 2 phương án dạy học. Nếu HS đến trường đầy đủ sẽ dạy học trực tiếp bình thường. Trường hợp một số HS chưa được bố mẹ đồng ý cho tới trường, trường sẽ gửi đường truyền về nhà để HS học song song cùng các bạn trên lớp.
Thầy Trần Quốc Hải cho biết, trong đợt trưng cầu ý kiến phụ huynh toàn trường tháng 12/2021 về việc cho HS trở lại trường học tập sau Tết, khi đó HS mới được tiêm 1 mũi vacxin thì có đã có 46% phụ huynh đồng ý (một số chưa đồng ý, và một số không trả lời).
Như vậy, sau Tết khi HS được tiêm đủ 2 mũi vacxin, làm tốt công tác tuyên truyền và phòng, chống dịch tại trường lớp tốt… thì có thể tin tưởng trên 90% của hơn 1.200 HS, 20 lớp sẽ trở lại trường học tập.
Cô Tô Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường THCS Đông Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) cùng quan điểm cho HS trở lại trường sau Tết cần thiết và hợp lý. Bởi theo cô Liên khi HS tiêm phòng đủ 2 mũi thì đã đảm bảo 80% an toàn;
Một vấn đề cũng không thể xem nhẹ và bỏ qua đó là tháo gỡ về thiết bị dạy học khi nhiều trường chưa được cấp phát đủ. Điều đó sẽ gây khó khăn cho việc dạy học khi HS trở lại học trực tiếp…Cô Liên cho rằng, đón HS trở lại học tập các trường cần quan tâm tới cơ sở vật chất; Cùng đó quan tâm đặc biệt hơn với HS đầu cấp bởi lần đầu tới trường sẽ gặp khó khăn khi thay đổi môi trường học tập. Cùng đó cần quan tâm củng cố hệ thống y tế trường học, phường xã bởi còn hạn chế nhân lực. Như vậy, khi có tình huống HS gặp vấn đề sức khỏe mới có thể hỗ trợ, ứng cứu kịp thời.