Nỗ lực đưa học sinh trở lại trường sau Tết

GD&TĐ - Sau kỳ nghỉ Tết, tình trạng học sinh bỏ học là vấn đề thường xuyên diễn ra, nhất là đối với các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Nỗ lực đưa học sinh trở lại trường sau Tết

Nỗi lo của các trường càng lớn khi năm học này học sinh có thời gian nghỉ Tết tương đối dài. Tuy nhiên, cùng với mô hình trường học bán trú được mở rộng, các trường học đã chủ động triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động đưa học sinh trở lại lớp nên tình trạng học sinh nghỉ học kéo dài sau Tết dẫn đến bỏ học giữa chừng gần như được ngăn chặn.

Xóa điệp khúc “học sinh bỏ học sau Tết”

Kết thúc kỳ nghỉ Tết năm nay, Trường THPT Quang Trung (thị trấn Prao, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) có số lượng học sinh đi học trở lại gần như đầy đủ, không còn tái diễn cảnh học sinh nghỉ học kéo dài sau Tết.

Theo lãnh đạo nhà trường, trong tổng số 440 học sinh toàn trường thì đến hết tuần học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết chỉ còn 3 em chưa trở lại trường. Tuy nhiên, những học sinh còn nghỉ học này đều có lý do đau ốm, chuyện buồn gia đình...

Tất cả các trường hợp đến nay còn nghỉ học đều được nhà trường phân công giáo viên theo dõi, động viên nhằm đưa các em ở lại trường học kịp thời.

Có được những tín hiệu vui này là do sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên trong việc thực hiện công tác tuyên truyền, vận động và định hướng nhận thức cho học sinh liên tục trong nhiều năm qua, kết quả đã làm thay đổi được nhận thức của học sinh về việc học của mình.

Cũng như tình hình các huyện miền núi khác của tỉnh Quảng Nam, những năm trước đây, huyện miền núi Tây Giang rất bức xúc với tình trạng học sinh nghỉ học kéo dài rồi dẫn đến bỏ học giữa chừng sau mỗi kỳ nghỉ Tết.

Tuy nhiên, nhờ có mô hình trường bán trú được cũng cố và phát triển nên địa phương này đã hạn chế và ngăn chặn được tình trạng này.

Theo thầy Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tây Giang, kết thúc kỳ nghỉ Tết, trong ngày học đầu năm toàn huyện chỉ có khoảng hơn 10 học sinh THCS tiếp tục nghỉ học và chưa đến trường theo lịch học quy định.

Theo đó, ngành GD&ĐT huyện đã chỉ đạo nhà trường tiếp tục theo dõi, quan tâm, động viên kịp thời để các em trở lại trường và có kế hoạch dạy kèm để các em theo kịp chương trình.

Thầy Tuấn cho hay: Hiện nay, nhờ phát huy được tính hiệu quả từ hệ thống mạng lưới trường lớp rộng khắp và được quy hoạch sắp xếp lại khá hợp lý đã tạo thuận lợi tốt nhất cho các em đến trường học tập nên đã hạn chế được tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng.

Xác định và nắm bắt được nguy cơ sẽ có học sinh bỏ học sau Tết như những năm trước đây, bởi vậy, ngay trước kỳ nghỉ Tết, Phòng GD&ĐT huyện Tây Giang đã chỉ đạo các trường tổ chức thông báo nhiều lần để học sinh nắm bắt được thời gian nghỉ Tết và thời gian đi học trở lại.

Theo đó, thống nhất kế hoạch giáo viên các trường phải tập trung sớm tại trường để ổn định nền nếp dạy học, đồng thời tiến hành vận động, đến nhà thăm hỏi học sinh và sẵn sàng phối hợp với chính quyền địa phương để vận động học sinh đi học đúng theo thời gian biểu.

Vì vậy, kết quả học sinh đi học trở lại sau dịp Tết đạt kết quả cao, không còn tái diễn cảnh học sinh nghỉ học kéo dài như những năm học trước.

Hợp sức chăm lo con em đồng bào dân tộc

Một nguyên nhân khác đã góp phần quan trọng trong việc hạn chế được tỷ lệ học sinh THCS, THPT bỏ học sau Tết ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa trong năm học này là do sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời và mạnh mẽ của chính quyền cùng các ban, ngành, đoàn thể đối với học sinh miền núi trong thời gian qua.

Đặc biệt là các chính sách hỗ trợ học bổng cho học sinh cho cả học sinh đang theo học tại các trường THPT và học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú.

Bên cạnh đó, với sự quan tâm của chính quyền địa phương các trường THPT đều đã có và đang tiếp tục xây dựng thêm khu nhà ở nội trú đã tạo điều kiện cho học sinh đến lớp. Ngoài ra, các địa phương còn cấp gạo và hằng tháng hỗ trợ thêm tiền ăn cho mỗi học sinh.

Thầy Nguyễn Thanh Hùng - Hiệu trưởng Trường TH Ngọc Linh (xã Trà Linh, Nam Trà My) - cho biết: Nắm được thời gian nghỉ Tết dài là “cơ hội” để các em nghỉ học dẫn đến bỏ học giữa chừng nên nhà trường đã tổ chức lên kế hoạch phối hợp với chính quyền các xã, cùng các đoàn thể địa phương triển khai công tác tuyên truyền động vận ngay từ trước Tết.

Sau Tết, trên cơ sở theo dõi tình hình học sinh trở lại lớp, nhà trường chủ động phối hợp với chính quyền, hội đoàn thể các xã, thôn vận động, tuyên truyền các em trở lại trường. Đồng thời nắm rõ hoàn cảnh từng học sinh để khi các em có dấu hiệu bỏ học để kịp thời báo cho chính quyền huyện, xã cùng nhà trường có giải pháp huy động ra lớp.

Thầy Võ Đăng Thuận - Phó Trưởng phòng GD&ĐT Nam Trà My - cho biết: Ngay sau kỳ nghỉ Tết, các trường trên địa bàn huyện đã trở lại hoạt động dạy học bình thường ngay trong buổi học đầu tiên. Số lượng học sinh ở các bậc học đều đảm bảo.

Dù thời gian nghỉ kéo dài, tình hình đi lại khó khăn nhưng số lượng học sinh ở các trường học vùng sâu, vùng xa cũng đã đến trường đạt tỷ lệ tương đối đầy đủ.

Có thể khẳng định rằng, hiện nay không chỉ tình trạng học sinh nghỉ học sau Tết được ngăn chặn, mà vấn đề học sinh nghỉ học, bỏ học vào mỗi dịp mùa rẫy cũng không còn.

Đó là kết quả tích cực từ sự quyết tâm của ngành GD&ĐT địa phương trong việc thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn học sinh bỏ học và sự quyết liệt đầu tư, xây dựng, phát triển hệ thống trường học bán trú nhằm phục vụ, đáp ứng yêu cầu học tập ngày càng tốt hơn cho con em đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa.

Cô giáo Đinh Ngọc Thúy – Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung - cho biết: “Là một trường THPT đóng chân tại thị trấn của huyện miền núi Đông Giang, có số lượng học sinh đến từ nhiều xã khác nhau, có em ở các thôn, bản cách xa hàng chục cây số, đường sá đi lại cách trở khó khăn nhưng đa số các em đã có mặt tại trường và khu ký túc xá vào ngày Chủ nhật để kịp đi học vào ngày thứ Hai đầu tuần. Kết quả này thể hiện sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về mục tiêu học của học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cha mẹ có thể để trẻ bình tĩnh rồi nói chuyện. Ảnh minh họa

Làm gì khi con hay giận dỗi?

GD&TĐ - Trẻ nhỏ thường giận dỗi, buồn rầu vì không thể nói ra được nỗi bực bội của mình hoặc chưa được đáp ứng mong muốn nào đó.