Để con trẻ biết cách thất bại

GD&TĐ - Không phải ai sinh ra cũng đã là người dũng cảm. Bản thân bạn sẽ trở nên dũng cảm theo thời gian khi phải đương đầu với nhiều trải nghiệm trong cuộc sống. Nhưng đối với trẻ em thì cần được đối diện ngay từ nhỏ nếu cha mẹ mong muốn con trở thành người dũng cảm.

Ảnh minh họa: Thế Đại.
Ảnh minh họa: Thế Đại.

Cần có thời gian để… dũng cảm

Trong cuộc sống, cha mẹ thích sắp đặt mọi việc cho trẻ, lúc đầu hi vọng thông qua kinh nghiệm của mình dạy dỗ con cái, để trẻ có bước đi đúng đắn.

Trong mắt cha mẹ, con cái luôn nhỏ bé, yếu đuối, cha mẹ dùng mấy chục năm kinh nghiệm sống của mình giúp con bước đi, giảm khó khăn và thất bại trong cuộc sống cho con.

Mỗi người đều cần có thời gian trải nghiệm về mọi thứ trong cuộc sống. Để can đảm, dũng cảm hơn cũng vậy, không phải sinh ra đã bỗng nhiên trở nên dũng cảm. Đặc biệt là với con trẻ.

Khi đã có thể nhận thức được mọi việc, trẻ hoàn toàn có thể thực hành để giúp bản thân can đảm hơn bằng cách làm theo những gì trái tim mách bảo và không ngại thử thách với trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ, ngay cả khi trong thâm tâm trẻ có phần sợ hãi.

Tuy nhiên, trẻ cần được định hướng về quan điểm tích cực và lối suy nghĩ hữu ích, khi đó, trẻ sẽ nhận ra rằng bản thân đang dần trở nên dũng cảm hơn so với những gì trẻ đã từng tưởng tượng trước đó. Muốn vậy rất cần sự quan tâm và đồng hành của người lớn.

Theo các chuyên gia, không phải lúc nào con bạn cũng có thể dũng cảm trong mọi trường hợp bởi sẽ có lúc con cảm thấy chưa sẵn sàng, và lúc ấy hãy cho chúng thấy rằng có những lúc bản thân cảm thấy nhỏ bé, bối rối và cần sự giúp đỡ là hoàn toàn có thể. Càng vì thế càng cần cha mẹ đồng hành cùng con.

Nếu chỉ suốt ngày nói: “Con cần dũng cảm hơn” hay “đừng nhát gan, hãy dũng cảm”, chưa chắc con đã hiểu hết được thế nào là dũng cảm hay cần làm gì để trở nên dũng cảm?

TS Nguyễn Thị Thanh – Trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương chia sẻ: “Dũng cảm đôi khi là việc chống lại cảm xúc “nghĩa hiệp” muốn làm mọi thứ bởi những suy nghĩ đẹp đẽ của lòng tốt nhưng điều quan trọng là lòng dũng cảm của con phải nhận được sự nể trọng và giúp chúng phản ứng một cách thực tế với cuộc sống. Chỉ khi đó, trẻ mới có thể nhận lại niềm vui một cách chân thực để nuôi dưỡng lòng dũng cảm của mình và tập trung vào quá trình thay vì kết quả”.

TS Nguyễn Thị Thanh cũng cho biết thêm, để định hướng cho con, cha mẹ hãy để con hiểu rằng dũng cảm không phải là cách lao xuống dốc mà không thấy sợ hãi hay chinh phục tường leo núi ở khu vui chơi một cách liều lĩnh, mà dũng cảm đôi khi là cách con biết nhận lỗi sai và tự tin làm điều đúng đắn để đặt niềm tin vào chính mình. 

Để con “nếm mùi” thất bại

Khi còn nhỏ, trẻ được gia đình và cha mẹ bao bọc nhưng khi lớn lên ra đời, chúng sẽ được trải nghiệm mọi thứ trong cuộc sống, kể cả những thất bại. Nếu con muốn làm điều gì đó, nhưng cha mẹ đã nhìn ra được khả năng thành công rất thấp của con, cũng đừng cố ra sức ngăn cản, tất nhiên là những sự việc không gây hại.

Đây chính là cơ hội để con trở thành một cá nhân độc lập. Hãy cho con hiểu rằng con cần có trách nhiệm với quyết định của mình và chấp nhận thất bại để dũng cảm hành động.

Việc che chở con quá mức sẽ khiến con sợ hãi khi phải đối mặt với rủi ro, và điều này vô tình tước đi cơ hội giúp trẻ phát triển các kỹ năng phân tích và đánh giá chính xác. Tất cả những rủi ro đều có thể xảy ra và chúng ta cần phải dạy cho trẻ phân biệt được đâu là những rủi ro dại dột và đâu là những rủi ro cần thiết để đạt được những gì chúng muốn.

Sau những lần đó, trẻ sẽ có được bài học bổ ích mà không trường lớp nào dạy được. Dù có thất bại đi chăng nữa thì con cũng có thêm những bài học cho riêng mình. Đây mới chính là kết quả thu được của lòng dũng cảm: dám đối diện với khó khăn và trưởng thành hơn từ thất bại.

Đặc biệt, đối với trẻ con, đôi lúc chúng muốn được tự mình trải nghiệm cuộc sống và xử lý mọi tình huống xảy ra.

TS Nguyễn Thị Thanh cho rằng, hãy để trẻ tin tưởng bản thân mình, có trách nhiệm với bản thân và xã hội. Cha mẹ nên buông tay cho trẻ cơ hội tự trải nghiệm cuộc sống, hướng dẫn trẻ tự nhận thức xã hội, tìm hiểu cuộc sống, trải nghiệm những khó khăn thất bại, chỉ có như vậy, trẻ mới vượt qua mọi khó khăn, trở nên dũng cảm, kiên cường hơn. Đây cũng chính là thời gian để con trẻ được va chạm với mọi thứ trong cuộc sống.

Không có bậc cha mẹ nào muốn cuộc sống của con cái trở nên khó khăn. Nhưng một trong những thước đo giúp bạn trở thành những phụ huynh thành công là có thể chuẩn bị cho con những “cú va chạm” mạnh để chúng học cách đứng dậy khi vấp ngã hay đối mặt với những thất bại hay nỗi buồn.

Thậm chí, cảm giác hối hận khi vấp ngã còn khiến con trẻ có thể sống tích cực hơn, bớt liều lĩnh khi trưởng thành và biết đâu là việc nên làm, đâu là những điều sai trái. Bài học mà sự hối hận dạy cho trẻ chính là những điều đáng giá mà đôi khi cha mẹ hoặc trường lớp không thể dạy trong giai đoạn chúng chưa có cái nhìn toàn diện.

Cô Lê Thị Quy – giáo viên dạy Kỹ năng sống, Trường Mầm non Thực hành Hoa Sen cho rằng: “Việc đưa ra quyết định sai trong độ tuổi của con trẻ có thể đến từ những việc như thay đổi câu trả lời trong bài kiểm tra khiến điểm số biến chuyển hay quyết định mua một món đồ và từ bỏ món yêu thích còn lại.

Đôi lúc, cha mẹ đã tự làm thay để tránh cho con khỏi buồn hay phạm lỗi, tuy nhiên, điều này đã vô tình khiến con trẻ không còn cơ hội để va chạm, ngại chinh phục cái mới, giảm khả năng sáng tạo, thậm chí còn có những thái độ tự ti. Ngược lại, con được quyền riêng tư, được chọn lựa và quyết định là trải nghiệm để sau này có những hành động đúng đắn hơn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ