Phụ huynh Hàn Quốc phản đối sách giáo khoa AI

GD&TĐ - Sách giáo khoa ứng dụng AI sẽ là 'trọng tâm' cho kế hoạch cải cách hệ thống giáo dục Hàn Quốc.

Chính phủ Hàn Quốc muốn đưa sách giáo khoa AI vào trường học.
Chính phủ Hàn Quốc muốn đưa sách giáo khoa AI vào trường học.

Chính phủ Hàn Quốc muốn biên soạn sách giáo khoa kỹ thuật số ứng dụng AI trong trường học nhưng kế hoạch vấp phải sự phản đối của phụ huynh, chuyên gia giáo dục. Họ không muốn trẻ em tiếp xúc nhiều với các thiết bị kỹ thuật số và thông tin sai lệch.

Hồi đầu tháng 8, Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Lee Ju-ho cho biết Hàn Quốc dự kiến biên soạn sách giáo khoa kỹ thuật số, sử dụng trên các thiết bị công nghệ được tích hợp tính năng trí tuệ nhân tạo (AI).

Sách giáo khoa ứng dụng AI sẽ là “trọng tâm” cho kế hoạch cải cách hệ thống giáo dục Hàn Quốc. Công nghệ này sẽ được đưa vào lớp học cho trẻ em từ 8 tuổi trở lên kể từ năm 2025.

Tuy nhiên, đề xuất của Chính phủ Hàn Quốc đã vấp phải sự phản đối của nhiều phụ huynh vốn đã lo lắng về thời gian con cái sử dụng điện thoại thông minh và máy tính bảng.

Hàn Quốc luôn nằm trong nhóm những quốc gia có thành tích học tập cao nhất trong Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc lo ngại việc tập trung quá nhiều vào học thuật đang kìm hãm sự đổi mới, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang tìm cách giảm phụ thuộc vào các ngành sản xuất truyền thống.

Ông Lee Ju-ho chia sẻ: “Chúng ta đều nhất trí chuyển từ lớp học một chiều, dựa trên ghi nhớ, sang không gian mà học sinh có thể tham gia và chịu trách nhiệm về việc học của mình. Năm 2025 là năm then chốt cho sự thay đổi đó và chúng ta cần tận dụng sách giáo khoa AI để giúp giáo viên chuyển đổi bài giảng của họ”.

Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, máy tính bảng ứng dụng AI có thể linh hoạt đánh giá “người học nhanh”, “người học chậm” và giao cho họ các nhiệm vụ với độ khó khác nhau. Hiện, chính phủ chưa công bố nhiều thông tin về cách thức hoạt động của sách giáo khoa kỹ thuật số và các công cụ hỗ trợ AI khác.

Tờ Financial Times cho biết các tập đoàn công nghệ Hàn Quốc, bao gồm LG, Samsung, sẽ tham gia phát triển phần mềm AI dành cho sách giáo khoa.

Một quan chức chính phủ thông tin thêm sách giáo khoa AI cho phép giáo viên đánh giá trình độ và tốc độ học tập của từng học sinh dựa trên dữ liệu của họ và cung cấp chương trình giáo dục phù hợp cho từng em.

“Nhiều học sinh có xu hướng ngủ gật trong lớp vì một số em đã học trước ở các trung tâm dạy thêm còn số khác không theo kịp bài giảng. Nhưng trong tương lai gần, các em có thể suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ vì sách giáo khoa AI cung cấp nhiều kiến thức cho mọi tình huống và khơi dậy hứng thú học tập của các em, đồng thời giúp các em suy nghĩ sáng tạo”, quan chức này nói.

GS Shin Kwang-young, chuyên gia xã hội học tại Đại học Chung-Ang cho rằng, chính phủ “quá vội vàng” giới thiệu sách giáo khoa AI mà không đánh giá đúng tác dụng phụ chỉ vì AI là xu hướng lớn hiện nay.

Chuyên gia này kiến nghị để giải quyết vấn đề học thuộc lòng, phải cải tổ “đúng cách” hệ thống giáo dục, trong đó có phương pháp thi cử.

Hơn 50 nghìn phụ huynh đã ký vào bản kiến nghị yêu cầu chính phủ quan tâm nhiều hơn đến phúc lợi chung của học sinh. Chị Lee Sun-young, 41 tuổi, mong muốn giáo viên sẽ giúp đỡ học sinh nhiều hơn thay vì là sách giáo khoa AI.

Động thái của Hàn Quốc đi ngược lại với xu hướng chung của các quốc gia phát triển, nơi chính phủ tìm cách hạn chế hoặc kiểm soát quyền truy cập của trẻ em vào điện thoại thông minh, máy tính bảng ở trường học. Tuy nhiên, 54% giáo viên công lập được Liên đoàn Giáo viên Hàn Quốc khảo sát bày tỏ ủng hộ.

“Tôi lo rằng việc sử dụng quá nhiều thiết bị kỹ thuật số có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển não bộ, khả năng tập trung, khả năng giải quyết vấn đề của trẻ. Các cháu đã sử dụng điện thoại thông minh và máy tính bảng quá nhiều”, phụ huynh Lee Sun-young nói.

Theo FT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ