Trong khi đó, hàng nghìn đơn hàng SGK, vở, đồ dùng học tập được phụ huynh đặt mua online nhưng các nhà sách vẫn chưa thể giao được.
Nhà sách nhận đơn và chờ đợi
Chị Nguyễn Thị Hải Phước (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đặt 2 bộ SGK lớp 2 và lớp 10 cho con tại một nhà sách ở gần nhà. Chủ nhà sách cho biết, do nhà sách không nằm trong diện được phép hoạt động theo quy định của thành phố nên không thể giao cho khách được.
Anh Nguyễn Văn Đông (phường Tân Chính, quận Thanh Khê) cũng chưa mua được SGK lớp 1 và lớp 3 cho con dù nhà chỉ cách cửa hàng sách chưa đầy 1km.
Chị Võ Lê Huyền Trân (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) cho biết: “Sau khi Đà Nẵng thực hiện chủ trương “ai ở đâu, ở yên đấy”, mình và một nhóm phụ huynh đã đặt mua SGK online. Sách đã được soạn, đóng gói sẵn nhưng vẫn đang nằm ở kho. Phía nhà sách cho biết, hiện chưa thể ship được vì không nằm diện được phép hoạt động của thành phố”.
Ông Lê Ngọc Thạnh – đại diện nhà sách Fahasa tại thành phố Đà Nẵng thông tin: “Chúng tôi nhận khoảng 1.000 đơn hàng SGK tại 3 cửa hàng sách ở địa bàn quận Thanh Khê và Hải Châu. Có nhiều phụ huynh gọi điện thoại hỏi bao giờ có thể nhận được SGK, vở vì con em họ bắt đầu học trực tuyến. Có một số đơn đã bị hủy vì phía nhà sách cũng không thể biết được bao giờ có thể trả đơn cho khách hàng”.
Công ty Sách, thiết bị trường học Đà Nẵng cũng có khoảng 2.000 đơn hàng ở rải đều ở khắp các quận, huyện nhưng đều phải ngưng lại. Công ty có hệ thống cửa hàng ở cả 6 quận, huyện nhưng không mở cửa, không soạn đơn được.
Trước đó, ngày 27/8, Sở Thông tin và Truyền thông đã đề xuất UBND TP Đà Nẵng cho phép các cơ sở phát hành xuất bản phẩm có đủ điều kiện phát hành trực tuyến hoạt động trở lại để kịp thời sắp xếp đơn hàng, vận chuyển, giao SGK đến phụ huynh và HS trước thời điểm khai giảng năm học mới 2021 - 2022.
Tuy nhiên, cho đến ngày 5/9, sau 20 ngày Đà Nẵng thực hiện chủ trương “ai ở đâu, ở yên đấy”, các cơ sở phát hành xuất bản phẩm vẫn chưa được phép hoạt động. Nhân viên các nhà sách cũng chưa được áp dụng hình thức làm việc “3 tại chỗ” và việc bán hàng vẫn theo hình thức trực tuyến.
Nhấp nhổm với HS đang kẹt ở các địa phương khác
Chị Nguyễn Thị Thanh Tình (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) ngày nào cũng “canh chừng” trên group lớp 2/4, Trường Tiểu học Hai Bà Trưng (quận Sơn Trà) để tải bài tập về. Con trai của chị, cháu Lưu Nguyễn Tuấn Kiệt hiện đang ở nhà ông bà ngoại (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình). Chị Tình sẽ chuyển tiếp file bài tập qua cho người chị ở quê để nhờ đưa sang nhà ông bà rồi hướng dẫn cho cháu Kiệt làm bài tập.
“Ông bà ở quê không sử dụng điện thoại thông minh, đến nhắn tin cũng không thành thạo. Lệ Thủy cũng đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng. HS tạm dừng đến trường nên tôi không thể gửi cháu theo học tại địa phương. Học trực tuyến của con cũng phập phù vì phụ thuộc vào công việc của người bà con.
Trong 2 tuần học đầu tiên mới chỉ ôn tập lại kiến thức cũ thì tạm chấp nhận được. Nhưng nếu tình hình dịch bệnh phức tạp, HS chưa thể quay trở lại thành phố mà phải học tập trực tuyến trong điều kiện phương tiện kết nối đều thiếu thì hiệu quả sẽ không cao” – chị Tình lo lắng.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, hiện toàn thành phố có khoảng 40% HS chưa thể mua được SGK mới, 50% HS không có vở, dụng cụ học tập. Đà Nẵng có hơn 2.000 HS đang ở các tỉnh thành khác, chưa thể trở về thành phố. Trong đó, có 692 em không đủ điều kiện để học trực tuyến, phải gửi học tạm tại 34 địa phương khác, tập trung chủ yếu tại Quảng Nam với 410 em.