Những vụ việc đau xót và đáng lên án như vậy cũng bộc lộ khoảng trống trong công tác tư vấn tâm lí. Dường như tư vấn tâm lí đang để sót đối tượng là những phụ huynh thiếu kĩ năng vượt lên những bế tắc, bất hạnh trong cuộc sống…
“Hổ phụ” nỡ đoạt mạng con
Nợ nần không thể trả, mâu thuẫn không thể giải quyết, ghen tuông mù quáng… là rất nhiều lý do một người lớn tìm lối thoát cho những bế tắc trong cuộc sống của mình mà chọn cách tự tử - hiện tượng này đang có nguy cơ xuất hiện thường xuyên trong thời gian gần đây.
Vụ việc mới đây xảy ra ở Thanh Hóa khiến cả gia đình tử vong có thể xem như một hồi chuông cảnh tỉnh cho tình trạng tự tìm cách giải thoát tiêu cực này.
Theo kết luận của cơ quan điều tra, do nợ nần trong hoạt động kinh doanh với số tiền lớn dẫn đến túng thiếu và quẫn trí, người chồng là Ngô Lê Hà đã đầu độc vợ và hai con trai (con trai bé mới 13 tuổi) chết bằng thuốc tân dược rồi sau đó treo cổ tự tử.
Trong bức thư tuyệt mệnh, ông Hà lý giải vì sao ông phải tước đoạt mạng sống của vợ con bởi ông không muốn họ ở lại “sống không bằng chết” bởi dư luận, món nợ khổng lồ? Cùng chết, cả gia đình ông sẽ tiếp tục được “quây quần…”.
Không chỉ bế tắc, vỡ nợ trong làm ăn người ta mới tìm đến cách tự giải thoát, có khi chỉ vì những mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng nhiều người không giữ được bình tĩnh cũng đã chọn cách “trút hận” vào đứa con.
Sau nhiều ngày điều tra làm rõ, mới đây cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thị Nga (40 tuổi, trú xã Thạch Long, Thạch Hà, Hà Tĩnh) chính là thủ phạm đã tự tay ném bé gái hơn 2 tháng tuổi xuống giếng chỉ vì mâu thuẫn gia đình.
Trước đó, vào khoảng 17 giờ chiều 2/11, người dân ở thôn Đan Trung (Thạch Long) bất ngờ nghe thấy tiếng hô hoán, kêu khóc của bà Nga về việc con gái mình là cháu Trần Linh Chi (2,5 tháng tuổi) bị mất tích.
Sau những nỗ lực tìm kiếm, khoảng 20 giờ cùng ngày, mọi người bất ngờ phát hiện thi thể cháu Chi nổi dưới giếng làng được bọc trong một túi bóng màu đen, cách nhà chừng 150 m.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an đã xác định bà Nga chính là hung thủ đã tự tay ném con gái của mình xuống giếng làng rồi đánh lạc hướng bằng cách hô hoán người dân là bị bắt cóc.
Theo đó, bà Nga khai nhận do cuộc sống khó khăn, vợ chồng thường xuyên mâu thuẫn nên trong lúc quẫn trí đã gây ra vụ việc đau lòng kia.
Cần lắm sự sẻ chia
Những vụ việc kể trên chỉ là số ít trong những vụ việc thương tâm tương tự xảy ra thời gian qua. Theo phân tích của các chuyên gia tâm lý, thì nguyên nhân của sự tuyệt vọng, bế tắc là do con người ta không tìm thấy được giải pháp nào để giải quyết vấn đề của mình.
Trong khi đó, bản thân mỗi cá nhân chưa được trang bị những kiến thức, kỹ năng để vượt qua những khó khăn, thất bại họ gặp phải. Hệ lụy không phải chỉ là họ tự tước đi mạng sống của mình mà trong nhiều trường hợp còn tước đi mạng sống của vợ, chồng hay con cái. Thậm chí khi hành động như vậy họ còn nghĩ đó là “việc tốt” giải quyết được gốc rễ vấn đề và tránh cho người thân khỏi khổ sở (?!).
Nhìn vào thực tế công tác tư vấn tâm lí hiện nay, thì đối tượng được tập trung quan tâm thường là trẻ vị thành niên. Rất ít người nghĩ rằng những người trưởng thành, khi đã là các ông bố, bà mẹ trung niên, hoặc thậm chí cao lão - những người đã có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống - cũng rất cần tới tư vấn tâm lí.
Những khúc mắc lớn trong cuộc sống không thể chia sẻ với người thân, những biến cố lớn bất ngờ xảy đến trong khi lại thiếu dịch vụ tư vấn tâm lí, khiến họ lựa chọn giải pháp tiêu cực.
Chuyên gia xã hội học Minh Hà - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: Nếu trong một xã hội có đầy đủ các định chế giúp cho con người ta tháo gỡ mỗi khi gặp khó khăn thì sẽ giảm bớt được phần nào sự chọn lựa tiêu cực - tự tử.
Trong kinh doanh, nếu người dân dễ dàng tiếp cận các định chế tài chính khi khó khăn thì ắt sẽ khó có chuyện tự tử vì nợ nần. Nếu cá nhân có thể tìm thấy những sự tương trợ từ cộng đồng thì sẽ không có chuyện tự tử hoặc giết hại người thân vì mâu thuẫn gia đình.