Theo kế hoạch, ngày mai (16/2) học sinh sẽ trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch bệnh, một số địa phương đã lên phương án kéo dài thời gian tạm ngừng đến trường.
Kéo dài thời gian nghỉ Tết cùng ông bà
Đã có kinh nghiệm quản con học trực tuyến từ đợt dịch trước nên các bậc phụ huynh đều khá chủ động. Tuy nhiên, vẫn cần có "quản gia" để đôn đốc và kiểm soát để việc học của trẻ hiệu quả hơn.
Năm nào về quê ăn Tết, hết mùng 2 là cả nhà chị Trang (Phúc Đồng, Long Biên) cho con cái từ quê Hải Phòng lên Hà Nội. Nhớ lại năm trước, cả nhà vừa lên Hà Nội thì nhận được thông báo cho học sinh nghỉ học phòng dịch.
Rút kinh nghiệm, năm nay thấy tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, vợ chồng chị quyết định không lên Hà Nội sớm, chờ Hà Nội có thông báo chính thức cho học sinh nghỉ học tiếp hay không. Nếu có thông báo chính thức, vợ chồng chị sẽ để con ở lại quê với ông bà. Cũng giống nhà chị Trang đây là xu hướng nhiều gia đình lựa chọn nếu con chưa thể đến trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Ngày 14/2, UBND TP. HCM quyết định cho học sinh nghỉ học tiếp đến hết ngày 28/2. Chị Ngọc Thư (Quận 7, TP.HCM) đỡ lo lắng hơn năm trước. Bởi trước Tết, chị đã đón ông ngoại từ Hà Nội vào ăn Tết cùng gia đình. Giờ chị sẽ đề nghị ông ngoại ở lại thêm giúp chị trông Julia (9 tuổi) và Lesan (4 tuổi) cho đến khi hai con gái chị quay trở lại trường.
Sau khi nói chuyện, được ông ngoại đồng ý, chị Thư tức tốc đổi lịch bay cho ông ngoại ngay ngày hôm sau. Vậy là, chị Thư đã thở phào nhẹ nhõm và yên tâm đi làm, không đau đầu xoay sở như năm trước.
Cha mẹ đã bớt bị động hơn
Lựa chọn không về quê ăn Tết như chị Trang, năm nay, nhiều gia đình ở nguyên nơi làm việc để ăn Tết. Chị Thuý Hà (Long Biên, Hà Nội) phải ở lại Hà Nội bởi Hải Dương quê nội trở thành tâm dịch trong đợt bùng phát dịch lần thứ 3. Mấy ngày nay theo dõi, chị thấy tình hình dịch diễn biến khá phức tạp nên chị trong tâm thế sẵn sàng với kịch bản hai đứa con chưa thể trở lại trường. Chỉ là không may mắn như lần trước, lần này chị không thể đón ông bà nội lên trông con giúp.
Chị Hà đang làm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nên thời gian sau Tết công việc của chị chưa bận lắm. Dịp này chị có thể xin nghỉ ở nhà với hai con, Sóc (5 tuổi) mới học mẫu giáo và Thỏ (9 tuổi). Để giữ năng lượng tích cực, chị sẽ lên kế hoạch vui chơi cho Sóc (5 tuổi) và kế hoạch học tập cho Thỏ (9 tuổi). Buổi sáng thức dậy, hai con sẽ tự giác ăn sáng. Trong khi mẹ chuẩn bị bữa trưa, Thỏ sẽ học bài qua mạng còn Sóc sẽ ngồi tô màu. Buổi chiều hai chị em sẽ tham gia các trò chơi vận động trong nhà.
Dự định sẽ về quê ngoại ở Hải Dương ăn Tết thì Hải Dương bùng dịch nên ba mẹ con chị Thuỳ (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đành phải ăn Tết ở Hà Nội. Hàng ngày, chị Thuỳ vẫn cập nhật tin tức về dịch bệnh cùng hai con giúp con nhận thức rõ hơn về cuộc sống. Nếu các con chưa thể đến trường sau Tết thì chị cũng không quá lo lắng. Bởi chị Thuỳ là giảng viên một trường Cao đẳng tại Hà Nội nên chị cũng linh hoạt thời gian hơn những bà mẹ khác. Hơn nữa, hai con Bông (14 tuổi) và Bì Bì (11 tuổi) có thể tự chăm sóc được bản thân và học trực tuyến. Vì vậy, chị không quá lo lắng và ba mẹ con gọi vui là “kỳ nghỉ không tình nguyện”.
Tròn 15 năm sống ở Hà Nội, nhưng đây là cái tết đầu tiên chị Ngọc Điệp (Hoàng Mai, Hà Nội) không được về quê Quảng Ninh ăn tết. Chị Điệp có một cậu con trai đang tuổi học mẫu giáo. Đợt dịch trước, Hà Nội cũng cho học sinh nghỉ học, con trai chưa phải học hành nên chị rất yên tâm gửi con về quê với ông bà. Đợt dịch này, từ mùng 3 Tết chị đang theo dõi xem Hà Nội có thông báo cho học sinh nghỉ học tiếp không.
Không bị động như lần trước nhưng chị Điệp cũng phải xoay xở cách trông con trong khi chỉ còn một ngày nữa là phải đi làm. Thời gian sau Tết, công việc của hai vợ chồng chị chưa bận lắm nên sẽ chia nhau nghỉ phép nửa ngày để ở nhà với con. Nếu cơ quan đồng ý, chị sẽ cho con lên cơ quan cùng mẹ. Trong khi mẹ làm việc, chị sẽ chuẩn bị bút màu và in sẵn các bức tranh để con tô. Chị Điệp cho biết việc này sẽ khiến mình thấy căng thẳng nhưng chị sẽ chọn cách đối mặt với nó là thích nghi trong vui vẻ.