Phong trào Kế hoạch nhỏ: Gánh nặng vì thành tích?

GD&TĐ - Là một phong trào mang ý nghĩa GD HS rất cao, tuy nhiên, vì thành tích, vì cách thực hiện thiếu mềm mại của người lớn (thầy cô giáo) mà phong trào Kế hoạch nhỏ trong nhiều trường tiểu học đang trở thành gánh nặng và áp lực cho phụ huynh và HS.

Các em HS thu gom ve chai thực hiện Kế hoạch nhỏ
Các em HS thu gom ve chai thực hiện Kế hoạch nhỏ

Trên giao chỉ tiêu, dưới giao nhiệm vụ

Đến hẹn lại lên, cứ sau Tết là phong trào kêu gọi HS nộp vỏ lon bia ở các trường trên địa bàn TPHCM lại rộ lên. Nhà nào có sẵn vỏ lon bia thì không sao, nhà nào không có là y như rằng HS và cha mẹ cùng chộn rộn kiếm tìm vỏ nộp cho nhà trường để thực hiện phong trào Kế hoạch nhỏ.

Khệ nệ lôi đống đồ ve chai gồm vỏ lon bia, tập vở cũ và mớ giấy bìa các tông vào trường nộp cho con, chị N.T.D (phụ huynh của em N.T.H, HS Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, quận 11, TPHCM) bức xúc nói: “Chẳng hiểu sao cái bệnh thành tích này cứ mãi lặp đi lặp lại. Tiếng là không ép buộc nhưng không có nộp cho lớp là con mình lại thua thiệt. Tôi phải đi xin mấy nhà hàng xóm mới đủ số lon bia để nộp cho cháu”.

Nhà không có vỏ lon bia, bìa giấy các tông, chị Nguyễn Thị Lương, một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận Gò Vấp, TPHCM đã phải ra vựa ve chai gần nhà mua vài chục vỏ lon để con mình làm “nghĩa vụ” với nhà trường.

Trao đổi với phóng viên, chị Lương tỏ ra rất không hài lòng với cái cách mà nhà trường đang triển khai phong trào. Chị cho biết: Nhà trường thông báo phong trào là tự nguyện, mang tính vận động là chính, ai có thì nộp, không thì thôi. Nhưng con tôi nó bảo giáo viên chủ nhiệm (thông qua lớp trưởng) khoán thẳng số lon bia từng bạn phải nộp để lớp không mất thi đua.

“Năm nào sau Tết cũng phải đi săn lùng vỏ lon bia để nộp cho trường. Không có thì con nó khóc lóc, không chịu đi học. Ý nghĩa GD đâu chẳng thấy, chỉ thấy thêm mệt cho phụ huynh” - chị Lương than thở.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tượng các trường tiểu học trên địa bàn TPHCM đồng loạt phát động phong trào Kế hoạch nhỏ với yêu cầu HS nộp lon bia là có thật và trải đều ở khắp các quận, huyện. Nguyên nhân chính theo nhiều hiệu trưởng là từ sự phát động của Hội đồng Đội các quận, huyện đưa xuống. Trường nào không tham gia sẽ bị chấm điểm không hoàn thành hoạt động.

Đừng đẩy HS vào cuộc đua thành tích

Cô N.T.K.H, hiệu trưởng một trường tiểu học quận 11, TPHCM cho biết: Bản thân các hiệu trưởng chẳng ai muốn phát động phòng trào mà “tiếng chê nhiều hơn tiếng khen” này. Tuy nhiên, vì thành tích chung của nhà trường, vì chỉ tiêu với Hội đồng đội của quận họ đành phải phát động phong trào và chấp nhận biến sân trường thành… vựa ve chai

“Họ giao chỉ tiêu trên đầu số HS cụ thể cho từng trường. Theo tôi được biết, bình quân mỗi trường từ 3 - 5 triệu đồng. Vì lẽ đó, số tiền bán ve chai từ việc đóng góp vỏ lon bia, giấy vụn của HS phần nhiều sẽ được trích ra nộp lên cho Hội đồng Đội của quận. Số còn lại thì đưa vào quỹ của trường để chăm lo cho các em HS khó khăn. Tuy nhiên, số tiền trên Hội đồng Đội của quận dùng vào việc gì thì chúng tôi không biết” - vị hiệu trưởng trên cho biết.

Thực tế, phong trào Kế hoạch nhỏ với mục đích xây dựng cho HS có ý thức tiết kiệm, ý thức bảo vệ môi trường nhưng với cách làm hình thức hiện nay, phong trào đã và đang mất đi ý nghĩa GD rất nhiều. Sự phản cảm mà phụ huynh phản ánh, xã hội dị nghị các hiệu trưởng đều biết. Nhưng họ không còn cách nào khác vì nếu không phát động phong trào thì sẽ không có tiền để nộp, hoặc giả vì thương HS mà làm sai ý nghĩa, mục đích của phong trào (thu tiền HS, trích quỹ phụ huynh) cũng mệt nếu bị thanh tra….

Trao đổi qua điện thoại với một cán bộ Phòng GD Tiểu học, Sở GD&ĐT TPHCM, ông này cho biết, đây là hoạt động phong trào của bên Hội đồng Đội, Sở GD&ĐT chỉ góp ý, trao đổi khi có phản ánh chứ không can thiệp sâu được. Vì lẽ đó, ông mong phụ huynh hiểu và chia sẻ với phong trào. Bởi theo ông ý nghĩa GD mà phong trào Kế hoạch nhỏ mang lại cho HS là rất lớn. Các bậc phụ huynh cần nhìn thấy để định hướng cho con em mình, đừng vì những ý kiến phản bác nhỏ lẻ mà phản đối. Ông cũng nhìn nhận, các trường cần tuyên truyền mạnh hơn nữa về phong trào Kế hoạch nhỏ này cho HS. Vì thực tế, ý nghĩa của phong trào này vẫn còn khá mơ hồ trong đầu nhiều em HS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ