Phòng tránh bệnh ngày Tết: Lưu ý những bệnh về tiêu hóa

GD&TĐ - Thói quen ăn uống liên tục ngày Tết, hoặc tiêu thụ lượng cồn từ rượu bia không kiểm soát sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Ăn nhanh, quá nhiều chất béo, đường… là những nguyên nhân khiến cơn đau dạ dày thường xuyên tái phát trong những ngày Tết. Ảnh minh họa: INT
Ăn nhanh, quá nhiều chất béo, đường… là những nguyên nhân khiến cơn đau dạ dày thường xuyên tái phát trong những ngày Tết. Ảnh minh họa: INT

Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Huy - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bệnh thường gặp trong ngày Tết liên quan phần lớn đến tiêu hóa, phổ biến gồm đầy hơi, đau dạ dày, hội chứng ruột kích thích, viêm loét dạ dày.

Đôi lúc cũng xảy ra những trường hợp nặng hơn như ngộ độc thực phẩm, nhiễm trùng đường tiêu hóa. Điều này phần lớn là do sinh hoạt không điều độ. Bác sĩ Huy lưu ý cần nắm rõ bệnh liên quan đến tiêu hóa để có biện pháp phòng tránh, chữa trị hiệu quả.

Đầy hơi chướng bụng

Tết là dịp để người thân, gia đình, bạn bè sum họp, gặp gỡ nên khó tránh việc ăn uống kéo dài, không đúng bữa, dung nạp nhiều loại thực phẩm khác nhau dẫn đến dạ dày sẽ bị kích ứng khi tiếp nhận gây ra những bệnh về tiêu hóa.

Đây là tình trạng hệ tiêu hóa suy giảm chức năng, thường gặp nhất trong những dịp Tết. Đầy hơi chướng bụng đi kèm với cảm giác khó chịu ở vùng bụng và thượng vị do thức ăn chưa kịp tiêu hóa bên trong cơ thể. Nguyên nhân đến từ những bữa tiệc liên tục, hành vi ăn uống không kiểm soát. Điều này không chỉ là tích tụ thức ăn nhiều dẫn đến quá tải cho hệ tiêu hóa, mà còn gây ra tình trạng rối loạn co cơ, yếu cơ bụng và tích tụ khí. Từ đó dẫn đến tự tích tụ thức ăn, đặc biệt là chất béo khiến cho hệ tiêu hóa không kịp phân hủy.

Ợ chua

Đây là một trong những triệu chứng đầu tiên của các bệnh liên quan đến tiêu hóa. Cảm giác chua, nóng xuất hiện khi người bệnh ợ lên là do a xít tiết ra từ dạ dày. Vì thế, ợ chua cũng được xem là tình trạng trào ngược a xít dạ dày, và có khả năng rất cao tiến triển thành trào ngược dạ dày thực quản, làm bỏng thực quản.

Nguyên nhân gây ra ợ chua đến từ các loại thực phẩm kích thích sự tiết a xít bên trong dạ dày, khiến cho hoạt động này trở nên bất thường. Những thực phẩm này bao gồm: Đồ uống chứa cồn như rượu bia, thực phẩm quá nhiều chất béo xấu, sô cô la, thực phẩm cay nóng, thuốc lá…

Tiêu chảy

Người bị tiêu chảy cấp tính thường là do ăn phải các thức ăn không vệ sinh, người bệnh bị nhiễm trùng qua đường ăn uống. Ngoài ra, khó tiêu hóa thức ăn hoặc dị ứng thực phẩm cũng có thể gây ra tiêu chảy.

Có thể nhận biết mình bị tiêu chảy thông qua những dấu hiệu lâm sàng sau đây: Phân lẫn máu, mất nước, đau bụng, đầy hơi, sốt. Ngày Tết thường bị tiêu chảy bởi thói quen ăn uống liên tục, cùng với các loại thức ăn để lâu ngày, bảo quản chưa phù hợp.

Đau dạ dày

Đau thắt ở vùng thượng vị, gây ra những triệu chứng như đầy bụng, ợ hơi, ợ chua, đôi lúc gây buồn nôn và nôn là triệu chứng đau dạ dày. Tất cả những điều này là do tổn thương hoặc nhiễm trùng ở thành niêm mạc dạ dày. Nguyên nhân khá đa dạng, gồm chất lượng thực phẩm và rối loạn hệ tiêu hóa.

Trong đó, chất lượng thực phẩm là nguyên nhân thường gặp nhất trong trường hợp đau dạ dày cấp tính. Dạ dày khi tiếp nhận cùng lúc quá nhiều các thực phẩm cay nóng, chất kích thích hoặc cà phê sẽ bị kích thích tiết a xít dư thừa. Lượng a xít này sẽ tổn thương đến thành niêm mạc dạ dày, gây ra những cơn đau cho người bệnh.

Viêm loét dạ dày

Viêm loét dạ dày là một giai đoạn nghiêm trọng hơn của đau dạ dày. Niêm mạc dạ dày bị tổn thương, viêm sưng, lâu dần tạo thành các vết loét gây triệu chứng. Những vết loét nhỏ trong giai đoạn đầu có thể tự lành lại mà không cần điều trị. Tuy nhiên, đối với các vết loét lớn, gây nhiều triệu chứng, người bệnh cần đến gặp ngay bác sĩ để được thăm khám và có phương án điều trị hiệu quả nhất.

Viêm loét dạ dày được chia làm 2 giai đoạn là cấp tính và mãn tính. Điểm đặc trưng của viêm loét dạ dày cấp tính là các triệu chứng thường xuất hiện đột ngột, biểu hiện rõ nét và diễn tiến trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, đa số người bệnh thường bỏ qua các triệu chứng, chủ quan không đi khám, khiến bệnh tình trở nên phức tạp hơn. Viêm loét dạ dày cấp tính khi không được điều trị sẽ khiến tình trạng viêm sưng kéo dài, sau một thời gian có thể chuyển sang dạng mãn tính.

Ở giai đoạn mãn tính, các tổn thương lan rộng, bệnh khó điều trị hơn, thậm chí có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm teo, chuyển sản ruột, hẹp môn vị, xuất huyết, thủng, ung thư dạ dày, viêm nhiễm các cơ quan lân cận…

Trào ngược dạ dày thực quản

Triệu chứng điển hình nhất của bệnh trào ngược dạ dày thực quản đó là ợ nóng. Hệ quả là cảm giác buồn nôn và chán ăn. Bệnh xảy ra ở đối tượng hấp thụ lượng thức ăn có tính chất kích thích a xít tiết ra, gây tổn thương cơ thắt thực quản, suy giảm chức năng, gây ra cảm giác khó nuốt, gây đau khi người bệnh cố nuốt thức ăn do thực quản bị chít hẹp.

Vào các ngày Tết, việc dung nạp vào cơ thể nhiều rượu bia, ăn nhiều đồ chua, thức ăn nhiều dầu mỡ, hút thuốc lá, ít vận động, nằm liền sau khi ăn… là những nguyên nhân dẫn đến mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Vậy nên, khi có triệu chứng cần được điều trị sớm ngay khi các triệu chứng xuất hiện. Nếu để bệnh tiếp diễn trong thời gian dài, người bệnh sẽ đối mặt với những bệnh tiêu hóa nguy hiểm hơn.

Nhiễm trùng đường tiêu hóa

Nguyên nhân do thức ăn không đảm bảo vệ sinh hoặc ôi thiu gây nhiễm khuẩn đường ruột. Phần lớn người bệnh bị nhiễm khuẩn đường ruột với biểu hiện điển hình là tiêu chảy hoặc một số triệu chứng khác gây biếng ăn, buồn nôn.

Để phòng ngừa nhiễm trùng đường tiêu hóa nên ăn uống điều độ, ăn chín, uống sôi, hạn chế dùng quá nhiều rượu, bia, nước uống có ga... Khi mắc bệnh phải đến cơ sở y tế khám để kịp thời cấp cứu và điều trị kịp thời tránh biến chứng trầm trọng.

Để duy trì sức khỏe cũng như vóc dáng trong những ngày Tết, bạn nên giữ thói quen tập luyện hàng ngày. Ảnh minh họa: INT

Để duy trì sức khỏe cũng như vóc dáng trong những ngày Tết, bạn nên giữ thói quen tập luyện hàng ngày. Ảnh minh họa: INT

Uống nhiều rượu bia ảnh hưởng gan

Các bệnh về gan trở thành bệnh tiêu hóa ngày Tết thường bởi nguyên nhân nồng độ cholesterol trong máu cao và lạm dụng rượu bia. Các bệnh về gan là những bệnh lý mà người bệnh cần đề phòng cao độ bởi chúng sẽ làm suy giảm rõ rệt chức năng gan cũng như tăng cao nguy cơ bị viêm gan, nặng hơn là suy gan.

Ngày Tết, mọi người thường có tâm lý tận hưởng ngày nghỉ, thoải mái với các buổi tiệc và lối sống không quá nghiêm ngặt. Vì thế dễ ăn quá độ, hút thuốc và uống nhiều rượu bia. Đây đều là những hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng gan ở người, tiền đề của các bệnh lý về gan như gan nhiễm mỡ, viêm gan, suy gan.

Ngộ độc thực phẩm, dị ứng thức ăn

“Thủ phạm” phổ biến gây ngộ độc thực phẩm bao gồm Salmonella, E.coli, Norovirus và Campylobacter. Cơ thể bị ngộ độc thực phẩm khi tiêu thụ thực phẩm bị ô nhiễm có chứa vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc chất độc có hại do các vi sinh vật này tạo ra.

Những loại thực phẩm này thường là do hư hỏng. Lúc này, hệ tiêu hóa sẽ có phản ứng nhằm đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể. Tùy vào lượng chất độc trong thức ăn mà người bệnh tiêu thụ mà các triệu chứng sẽ khác nhau. Các triệu chứng thường bao gồm buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng và sốt.

Còn dị ứng thực phẩm là phản ứng miễn dịch quá mức đối với các thành phần thực phẩm, thường là các protein. Dị ứng có thể là các triệu chứng nhẹ như nổi mề đay hoặc ngứa đến phản ứng nghiêm trọng như khó thở hoặc sốc phản vệ.

Các chất gây dị ứng phổ biến bao gồm đậu phộng, động vật có vỏ, sữa, trứng và lúa mì. Dị ứng thức ăn khác với không dung nạp thức ăn. Bởi không dung nạp thức ăn là một tình trạng ít nghiêm trọng hơn và không liên quan đến hệ thống miễn dịch.

ThS Nguyễn Thị Phương - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec cho biết, cách phòng ngừa bệnh tiêu hóa ngày Tết chủ yếu là sự kiểm soát tần suất ăn uống và đảm bảo vệ sinh thực phẩm trong mỗi bữa ăn.

Chúng ta không nhất thiết phải nghiêm khắc đặt ra những quy định dinh dưỡng, vì điều này sẽ khiến ngày Tết trở nên căng thẳng hơn. Tuy nhiên, không ăn quá nhiều trong từng bữa ăn, hạn chế uống rượu bia và hút thuốc cũng là một cách để duy trì sức khỏe tiêu hóa của bạn trong suốt kỳ nghỉ Tết. Đồng thời, nên đảm bảo ăn các thức ăn được nấu chín kỹ, và không để dùng lại trong nhiều ngày.

ThS Nguyễn Thị Phương lưu ý người dân nên thực hiện lối sống lành mạnh; ăn uống khoa học như ngủ đủ giấc, ăn đúng bữa, đúng giờ. Tránh các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, trà đặc, cà phê; thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, nhiều đường, nhiều đạm.

Hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều chất béo. Không nên cho trẻ ăn nhiều bánh kẹo, đặc biệt bánh kẹo chảy nước, mốc ẩm cần phải vứt bỏ.

Ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Chế độ ăn giàu chất xơ, thanh đạm, ăn nhiều hoa quả, trái cây, uống đủ nước. Tập thể dục thường xuyên, vừa sức…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.