Phòng thủ Nga vắng bóng khi cầu Kerch bị tấn công?

GD&TĐ -Sau vụ cầu Kerch bị tấn công hôm 17/7, câu hỏi được đặt ra: hệ thống phòng thủ Nga tuyên bố triển khai gần cây cầu chiến lược này đã ở đâu?

Cầu Kerch hư hại sau vụ tấn công hôm 17/7.
Cầu Kerch hư hại sau vụ tấn công hôm 17/7.

Ủy ban Chống khủng bố Quốc gia Nga ngày 17/7 ra thông cáo cho biết: "Hai thiết bị không người lái Ukraine đã tập kích cầu Kerch lúc 3h05 ngày 17/7. Vụ tấn công khủng bố gây hư hại một phần tuyến đường bộ, khiến hai người thiệt mạng và một trẻ em bị thương".

Ủy ban Điều tra Nga nói rằng tình báo Ukraine đứng sau vụ tấn công và thông báo mở cuộc điều tra hình sự liên quan. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố sự việc có sự giúp sức của tình báo cùng giới chính trị tại Mỹ và Anh.

"Những kẻ khủng bố ở Kiev đã tiến hành tội ác mới, đó là tấn công cầu Kerch. Họ biết rõ phần đường bộ của cầu hoàn toàn là cơ sở hạ tầng dân sự", Chủ tịch Nghị viện Crimea Vladimir Konstantinov viết trên Telegram.

Hình ảnh ghi lại từ tuyến tàu hỏa chạy song song với cầu Kerch cho thấy một nhịp cầu đường bộ Kerch xệ xuống, nhưng chưa sập hoàn toàn.

Theo vị quan chức này, phần đường sắt của cầu không bị hư hại và hoạt động tàu hỏa được nối lại. Quan chức Crimea nhấn mạnh bán đảo vẫn nối với đất liền Nga thông qua hành lang trên bộ ở phía bắc và có các tuyến phà đang hoạt động, khiến khu vực này không bị cô lập hoàn toàn với phần còn lại của đất nước.

Sau vụ tấn công, câu hỏi được đặt ra là hệ thống phòng thủ nhiều tầng từng được Nga tuyên bố triển khai để bảo vệ cây cầu chiến lược này ở đâu tại thời điểm diễn ra vụ việc.

Hồi tháng 5/2018, hãng RT cùng nhiều phương tiện truyền thông Nga dẫn nguồn tin quân sự nước này tiết lộ, Moscow đã triển khai hệ thống phòng không S-400, tổ hợp tên lửa đất đối không Buk và Tor tới khu vực lân cận để bảo vệ cầu Kerch.

Cùng với đó, Nga cũng đã thiết lập vùng chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) ở quanh cầu Kerch trong những năm qua.

Vùng A2/AD là khu vực được trang bị nhiều lớp và nhiều cấp phòng thủ nhằm chống lại sự xâm nhập quân sự từ đường không, đường biển và đường bộ.

Ngoài trang bị các tổ hợp S-400 ở khu vực Sevastopol hay phía đông Crimea, Moscow đã trang bị cho Crimea hệ thống chống máy bay không người lái nhằm giảm thiểu mối đe dọa bị tấn công bởi thiết bị này.

Chính quyền Crimea dường như cũng đã thành lập một nhóm chuyên có nhiệm vụ phát triển hệ thống an ninh toàn diện trên cầu. Hệ thống này sẽ có nhiệm vụ đảm bảo quá trình vận hành cầu trơn tru cũng như quy trình chuyển nhiên liệu và điện từ đất liền Nga ra Crimea không bị gián đoạn.

Cầu Kerch, hay còn gọi là cầu Crimea, dài 19 km, nằm trên eo biển giữa Biển Đen và biển Azov, được Nga xây dựng sau khi sáp nhập bán đảo Crimea. Đây được coi là tuyến đường trọng yếu kết nối bán đảo với đất liền Nga.

Cây cầu từng hư hại nghiêm trọng sau vụ nổ lớn rạng sáng 8/10/2022, khiến hai nhịp cầu bị sập và 7 toa tàu chở dầu trên đoàn tàu đang di chuyển đến Crimea bốc cháy.

Điện Kremlin cáo buộc Ukraine gây ra vụ nổ và sau đó tiến hành nhiều đợt tập kích quy mô lớn bằng tên lửa vào Kiev cùng nhiều thành phố Ukraine để đáp trả. Kiev không nhận trách nhiệm về vụ nổ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyền thông Singapore e ngại Xuân Son

Truyền thông Singapore e ngại Xuân Son

GD&TĐ - Truyền thông Singapore nhận định tiền đạo nhập tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Son là ‘hiểm hoạ’ đối với ‘Bầy sư tử’ tại bán kết ASEAN Cup 2024.