Tướng Mỹ thừa nhận F-16 chưa đến vì phòng không Nga quá mạnh

GD&TĐ -Trung tướng Douglas Sims vừa tiết lộ lý do chính khiến Lầu Năm Góc chưa chuyển tiêm kích đa năng F-16 cho Không quân Ukraine.

Tiêm kích F-16.
Tiêm kích F-16.

Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 14/7, Trung tướng Douglas Sims, phụ trách tác chiến tại Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ nói, tiêm kích F-16 chưa phù hợp với Ukraine do Nga vẫn sở hữu năng lực phòng không quá mạnh.

"Điều kiện chiến trường chắc chắn sẽ thay đổi theo thời gian, nhưng tình hình hiện nay không phù hợp để triển khai tiêm kích F-16", Tướng Douglas Sims cho biết.

Tướng Mỹ cho rằng, lực lượng Nga vẫn duy trì ưu thế áp đảo trên bầu trời so với lực lượng vũ trang Ukraine.

"Lực lượng Nga vẫn có năng lực không quân và phòng không rất mạnh. Số lượng tiêm kích F-16 được cung cấp sẽ không thích ứng với những gì đang diễn ra, dù tình hình có thể thay đổi trong tương lai", ông nói.

Phương Tây cũng thừa nhận cán cân sức mạnh trên bầu trời Ukraine vẫn đang nghiêng về Nga. Ngay cả khi tiếp nhận tiêm kích F-16, Ukraine cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải đối mặt với Su-35S, MiG-31 có khả năng phát hiện và phóng tên lửa diệt mục tiêu từ khoảng cách xa hơn đáng kể so với F-16.

Theo Defense News, dù được phương Tây đánh giá cao nhưng năng lực tác chiến của F-16 so với những chiến đấu cơ hiện đại của Nga là khá hạn chế.

Lý do được báo Mỹ đưa ra là tiêm kích F-16 Fighting Falcon cất cánh lần đầu tiên cách đây gần nửa thế kỷ, vào tháng 2/1974. Đây là máy bay chiến đấu đa chức năng thế hệ thứ tư.

Một trong những chiến đấu cơ được sản xuất nhiều nhất cho đến nay: hơn bốn nghìn rưỡi chiếc đã được sản xuất. Gần ba ngàn vẫn đang phục vụ tại 25 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Về đặc điểm hiệu suất, F-16 có thể so sánh với các đối thủ cùng thời của nó là MiG-29 và Su-27. Và trong một số tính năng, tiêm kích do Liên Xô phát triển thậm chí còn vượt qua F-16. Chính vì vậy, việc dùng F-16 để đối đầu với phi đội Su-35 và MiG-31 của Nga là gần như không thể.

Không quân Mỹ tích cực sử dụng F-16 trong các chiến dịch quân sự trên khắp thế giới nhưng dòng tiêm kích này có thể bị bắn hạ chỉ bằng hệ thống phòng không S-125 được Liên Xô phát triển từ năm 1961.

Truyền thông phương Tây cho rằng F-16 không thể thay đổi được bất cứ điều gì trên chiến trường trong trường hợp đến Ukraine.

"Khả năng sống sót rất hạn chế. Khả năng bắn trúng các máy bay hạng nặng cao cấp như Su-35, MiG-31 và Su-57 của F-16 rất ít. Và việc F-16 bị tiêu diệt sẽ nâng cao uy tín của Không quân Nga", tờ Military Watch viết.

Mặc dù vậy, một liên minh bao gồm Bỉ, Anh, Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha và Mỹ đã tuyên bố ý định chuyển giao các máy bay chiến đấu này cho Kiev. Cùng với đó, các phi công Ukraine có thể được đào tạo ở Anh, Đan Mạch hoặc Romania.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyền thông Singapore e ngại Xuân Son

Truyền thông Singapore e ngại Xuân Son

GD&TĐ - Truyền thông Singapore nhận định tiền đạo nhập tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Son là ‘hiểm hoạ’ đối với ‘Bầy sư tử’ tại bán kết ASEAN Cup 2024.