Phóng sự không thể... “như xưa”

GD&TĐ - Báo chí thời 4.0 có nhiều thay đổi, vì thế, phóng sự - thể loại vốn được xem là “trọng pháo” của báo chí, cũng buộc phải chuyển mình. Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, Báo GD&TĐ cùng trò chuyện với nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - cây bút phóng sự của Báo Lao động.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng ký sách tặng bạn đọc. Ảnh: T.G
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng ký sách tặng bạn đọc. Ảnh: T.G

*Gắn bó với nghề báo 20 năm, chứng kiến nhiều sự thay đổi của báo chí nói chung và thể loại phóng sự nói riêng, anh suy nghĩ gì?

- Bây giờ, máy bay đi với tốc độ 1.000km/h, tàu cao tốc, tàu điện, tàu đệm từ lao với tốc độ 300 km/h. Đường cao tốc Việt Nam cũng chưa bao giờ nhanh như lúc này. Cũng chưa bao giờ người Việt Nam sử dụng mạng xã hội, Internet nhiều như hiện tại. tôi cũng có đến 5 thiết bị kết nối Internet liên tục... Không phải tôi muốn “trình diễn thiết bị”, mà đơn giản đó là nhu cầu tự thân và tự nhiên của cuộc sống, công việc. Dài dòng như vậy để muốn nói một điều: Giữa bối cảnh đó, báo chí không thể cứ “như cũ” được nữa.

Dù tôi không muốn nhưng vẫn phải thừa nhận: Hai mươi năm trước, thời mới vào nghề, chúng tôi viết phóng sự thì bao nhiêu chữ cũng được, viết đến hết cảm xúc thì thôi. Nhưng bây giờ số lượng báo giấy giảm đi. Thậm chí nhiều tờ báo có khả năng phải bỏ báo giấy, chỉ còn lại báo điện tử và truyền hình. Thay vì tờ báo căng ra trước mắt, có khi che được cả bốn mặt người chụm lại đọc phía sau, thì bây giờ nó bé bằng một cái điện thoại cầm gọn trên tay, và để tương thích với thực tế ấy người ta phải chấp nhận việc thay đổi cách thể hiện và cả cách trình bày. Bài phải ngắn, thông tin phải trực diện.

Như Báo Lao động nơi tôi đang công tác, chương trình nhập văn bản cms chỉ cho phép nhập những bài phổ thông không quá 600 từ. Nếu tôi viết một bài 598 từ mà tôi kí là Đỗ Doãn Hoàng nữa, là thành 601 từ. Và nếu tôi không thể bỏ chữ nào trong bài thì tôi sẽ phải tự cắt tên tôi thành Doãn Hoàng, bỏ chữ Đỗ đi, khi đó CMS nó mới cho nhập. Công việc viết báo hôm nay khác biệt đến như vậy đấy.

*Với sự thay đổi các hình thức thể hiện phóng sự và cách “làm” phóng sự không cho phép “tung tẩy” như xưa, có lúc nào khiến anh cảm thấy trăn trở, hụt hẫng?

- Giữa thời buổi báo chí 4.0, sự thay đổi của phóng sự là dĩ nhiên, là không thể khác được. Với những người gắn bó với phóng sự lâu năm, sự thay đổi này rất buồn. Nhưng nếu không thay đổi thì cũng không còn con đường nào khác. Do thế, chúng tôi buộc phải thay đổi nếu như không muốn bỏ nghề. Thay đổi đó là dĩ nhiên, mang tính thời buổi, thời cuộc. Thay đổi này có thể thấy rõ hơn, khi mà một số tờ báo đưa ra những bài phóng sự ngắn, mang tính thông tấn hơn. Lúc đầu tôi nghĩ sự thay đổi này hơi nguy hiểm, vì nó mất cảm xúc, mất sự lung linh của câu chữ, mất cái cá tính của tác giả đi. Nhưng rồi tất cả đều thay đổi một cách tự nhiên như thế.

Thay đổi tiếp theo là một số tờ nhật báo, từ chỗ mỗi số báo phải có một bài cho chuyên mục phóng sự - ghi chép; thì dần dần rút xuống, một tuần còn hai phóng sự. Và đến bây giờ là mất luôn trang phóng sự. Có báo bây giờ chỉ tập trung vào điều tra thôi. Cái nào nóng, bỏng rẫy ra và gây tác động lớn, có sức lan tỏa hay là giúp cho hiện thực thay đổi mạnh mẽ thì họ sẽ coi nó là dạng phóng sự. Nó không còn là phóng sự và phóng sự điều tra như bạn hỏi trong lối nghĩ truyền thống trước đây, hay trong các cuốn sách về phóng sự mà các nhà báo đáng kính Xuân Ba, Huỳnh Dũng Nhân, Nguyễn Như Phong từng viết trong quá khứ.

*Đồng nghiệp và độc giả cũng nhận ra sự thay đổi của Đỗ Doãn Hoàng khi anh rời bỏ đề tài quen thuộc và tìm kiếm những đề tài nóng ở khắp các vùng miền, thậm chí liên quốc gia, để điều tra. Bí quyết nào giúp anh có thể trải rộng mối quan tâm của mình ở nhiều chủ đề, nhiều địa phương?

- Tôi làm rất nhiều, rất rộng bởi tôi căng mình ra ở khắp các địa bàn. Tôi có học trò trên khắp cả nước, cộng sự của tôi ở rất nhiều nơi, nên có đề tài hay là họ gửi cho tôi. Thứ nữa, khi nhà báo đã xây dựng được “thương hiệu” thì “thương hiệu” ấy chính là nơi mà đề tài bị hút về phía anh, để anh làm tiếp và làm tiếp mãi. Sau khi tôi xuất bản cuốn sách về điều tra thì nhiều người gặp khó khăn, bức xúc hay thiệt thòi, họ luôn tìm tới tôi như sự níu kéo niềm tin, tôi cũng tự hào về điều đó, cảm động vì điều đó và sẵn sàng làm tất cả những gì có thể... Thêm nữa là gần như 100% thời gian dành cho báo chí, nên có lẽ tôi tư duy về nó nhiều hơn người khác. Đó là lí giải cho việc tôi có nhiều đề tài “hot”.

*Đi tới tận cùng đề tài mình theo đuổi để có những hồi âm tích cực cũng là một điều mà đồng nghiệp cũng như độc giả nhận ra trong các phóng sự điều tra của anh. Anh có thể chia sẻ quan niệm của mình về những bài báo có hồi âm và những bài báo không có sự hồi âm?

- Tôi luôn kì vọng vào những hiệu ứng xã hội như một yêu cầu tối thượng của tác phẩm báo chí do mình thực hiện. Không phải để chứng minh hay khoe khoang cái gì. Tôi chỉ không muốn viết khi nó không có một hiệu ứng nào, không cứu được ai, không vạch mặt được ai, không giải quyết được vấn đề gì hoặc cơ quan chức năng không vào cuộc.

Nếu không có hiệu ứng, nếu không có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, tôi thấy mình kém cỏi. Bởi bản thân những thứ mình đề cập đến, nó luôn chứa đựng khát khao được hướng tới các giá trị tốt đẹp, được giải tỏa, cứu rỗi, phóng khỏi các bất công… Thế nên, tôi luôn nỗ lực kiến tạo những thành công của vấn đề, nhân vật, sự kiện mà mình đề cập. Tức là sau khi viết, tôi tìm cách giải quyết. Ví dụ cuốn “Trong tận cùng hang ổ” mà tôi vừa xuất bản. Sau khi tôi viết về cựu binh Nguyễn Xước Hiện phải chịu oan khuất cả một đời, tôi đã “chiến đấu”, cãi nhau với địa phương nhiều năm cho đến khi ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân vào năm 2018. Đó chính là ví dụ về việc chúng tôi gọi là kiến tạo nên những thay đổi, kiến tạo thành công cho mỗi phóng sự.

Nghề phóng sự điều tra, nhà báo điều tra, trách nhiệm xã hội của người cầm bút - những cụm từ xướng lên thấy xôn xao, xốn xang, tỉnh cả người. Mỗi lần xông vào các đề tài nóng, có phản hồi tích cực, có sự thay đổi tích cực, công lý được thực thi… là hai chữ Nghề Báo lại ngân rung trong tôi. Có gì đó như là hân hoan kiêu hãnh, hạnh phúc. Đôi lúc tôi đã ảo tưởng về sức mạnh của ngòi bút và tự nghĩ rất AQ: Nếu không ít nhiều ảo tưởng hoặc rơi rớt lại chút thơ ngây, thì làm sao mà sống và làm nghề nổi? Nhưng dần dà, tôi nhận ra đó không còn là ảo tưởng nữa. Mà đích thị, sau các cuộc lăn xả vào sự thật, tôi thấy ngòi bút thực sự có sức nặng. Sức nặng ấy có từ việc nhà báo, tận tâm can, coi việc làm được gì đó hữu ích cho cuộc đời chính là thước đo phẩm cách của một ngòi bút.

*Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.