Phong phú hoạt động giáo dục về nguồn nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

GD&TĐ - Hướng đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều hoạt động giáo dục về nguồn được tổ chức nhằm giáo dục học sinh lòng tự hào dân tộc.

Trẻ mầm non thi gói bánh Chưng, bánh Dày.
Trẻ mầm non thi gói bánh Chưng, bánh Dày.

Bà Đào Thị Hường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang cho biết: Hướng tới kỷ niệm ngày Giỗ Tổ, Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường học trên địa bàn tổ chức nhiều hoạt động tưởng nhớ công lao của các Vua Hùng. Thông qua đó, học sinh hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc, nuôi dưỡng lòng tự hào và ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với sự phát triển của đất nước.

Ở trường phổ thông, giáo dục lòng yêu nước, ghi nhớ công lao các vị Vua Hùng được thực hiện trước hết qua các môn học, bài học chính khóa, như: "Con Rồng cháu Tiên" (lớp 2), "Một sáng thu xưa" (lớp 5), "Đền Hùng và lễ Giỗ Tổ Hùng vương" (lớp 5), Lễ hội Đền Hùng (lớp 10)...

gio-to.jpg
Giáo dục lòng yêu nước, ghi nhớ công lao các vị Vua Hùng qua giờ học trên lớp.

Ngoài ra, giáo dục truyền thống nhớ về cội nguồn còn được lồng ghép qua các hoạt động ngoại khóa, văn hoá, văn nghệ, tạo hứng thú tìm hiểu về cội nguồn dân tộc cho học sinh.

Song song đó, các nhà trường kết hợp hướng tới kỷ niệm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương với phong trào vận động học sinh đóng góp quỹ “Vì người nghèo” năm 2025; từ đó, giáo dục các em tinh thần tương thân, tương ái, biết chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.

Đặc biệt, trong Cuộc thi trực tuyến "Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" năm 2025 do Bộ GD&ĐT tổ chức, 100% các trường của Bắc Giang hướng ứng và hướng dẫn cán bộ, giáo viên, học sinh dự thi. Thông qua Cuộc thi này, học sinh ghi nhớ công ơn của vị lãnh tụ dân tộc, Người từng nhắc nhở các thế hệ học sinh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

gio-to-2.jpg
Học sinh trải nghiệm về nguồn.

Trong hoạt động ngoại khoá hằng năm với chủ đề Tết Sum vầy, Xuân yêu thương, các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động hướng về nguồn cội như vẽ tranh, trưng bày gian hàng truyền thống, làm bánh Chưng. Tục gói bánh Chưng, bánh Dày tồn tại ở nước ta từ thời Vua Hùng thứ 6, và là một trong những giá trị truyền thống trường tồn với thời gian, đi cùng năm tháng lịch sử của dân tộc.

Cùng với với đó, các cơ sở giáo dục còn tổ chức đi thực tế, trải nghiệm về nguồn, trong đó có địa chỉ đỏ Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Phú Thọ. Sau mỗi chuyến đi, thầy cô tổ chức cho học sinh viết, vẽ, tuyên truyền, tìm hiểu sâu về truyền thống lịch sử các Vua Hùng góp phần giáo dục lòng tự hào, tình yêu quê hương, đất nước.

Với giáo dục mầm non, hoạt động hướng về ngày Giỗ Tổ mang nhiều màu sắc sôi nổi hơn, hình thức phong phú hơn.

Các nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục chủ đề Vua Hùng giúp trẻ học lịch sử dễ dàng như trò chơi "Ô chữ Vua Hùng"; thi gói bánh Chưng, bánh Dày; diễn kịch tái hiện lại câu chuyện chọn rể của Vua Hùng Vương thứ 18…

Thông qua các hoạt động “chơi mà học”, trẻ mầm non được giáo dục nhiều bài học gần gũi với lứa tuổi, như biết ơn công lao nuôi dưỡng của ông bà, cha mẹ; tự hào khoác lên mình trang phục truyền thống của dân tộc; quý trọng hạt gạo do người nông dân làm ra, từ đó không lãng phí thức ăn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ