Dưới đây là những điều bạn cần làm để phòng nguy cơ mắc bệnh tim.
1. Biết về nguy cơ của bản thân
Theo dõi các kết quả xét nghiệm tim mạch gần đây. Hỏi ý kiến bác sĩ nếu có bất thường. Ngoài ra, bạn cần nắm rõ các yếu tố nguy cơ về kích thước vòng bụng, đường huyết, tiền sử mang thai.
Nếu bạn không biết về nguy cơ của bản thân, bạn sẽ không có các bước để đối phó, các bước này có thể sẽ cứu sống bạn. Bệnh tim có thể gây ra các cơn đau tim.
2. Nhận biết các dấu hiệu
Các triệu chứng của đau tim ở phụ nữ khác với các triệu chứng ở nam giới. Trên thực tế, 43% phụ nữ không cảm thấy đau ngực mà chỉ thấy mệt mỏi cực độ. Trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần trước khi cơn đau tim xảy ra, hơn 70% phụ nữ bị suy nhược, mệt mỏi giống như cảm cúm.
Các triệu chứng nhận biết khác bao gồm đau nhẹ ở xương ức, lưng trên, vai, cổ, hàm, cũng như đổ mồ hôi, buồn nôn, chóng mặt, khó thở, mất ngủ và lo âu.
Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào hoặc tất cả những triệu chứng này hãy đi kiểm tra. Tỷ lệ sống sót sau cơn đau tim cải thiện 23% nếu bạn được điều trị trong vòng 3 giờ đầu và 50% nếu điều trị trong vòng 1 giờ đầu tiên.
3. Giảm huyết áp
Mặc dù không gây ra triệu chứng nào nhưng huyết áp cao làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ cũng như phình động mạch, suy giảm nhận thức và suy thận. Có khoảng 30% người Mỹ bị huyết áp cao mà không biết.
May mắn là hầu hết mọi người có thể hạ huyết áp một cách tự nhiên mà không cần thuốc. Tập thiền và yoga, tập luyện thường xuyên, hạn chế uống rượu và giảm lượng muối trong chế độ ăn có thể là những cách tốt để hạ huyết áp.
4. Ăn uống lành mạnh
Bạn nên tránh những thực phẩm chứa nhiều đường, muối, chất béo bão hòa và chuyển hóa làm tắc động mạch. Để làm được điều đó, cần hạn chế sử dụng đồ uống có ga, thịt đỏ, pho-mai.
Nghiên cứu từ ĐH Oxford chỉ ra rằng chế độ ăn chay làm giảm khoảng gần 1/3 nguy cơ nhập viện hoặc tử vong vì bệnh tim. Những người không ăn thịt không chỉ giảm đáng kể nguy cơ bị bệnh tim mà còn ít có nguy cơ mắc bệnh ung thư, những bệnh liên quan tới thực phẩm.
Phần lớn sự khác biệt nguy cơ có thể gây ra bởi những ảnh hưởng lên cholesterol và huyết áp. Điều này chỉ ra vai trò quan trọng của chế độ ăn trong phòng ngừa bệnh tim.
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra ăn ít thịt là tốt, khuyên bạn nên thực hiện chế độ ăn thực vật với nhiều rau củ và hoa quả.
5. Bữa ăn nhẹ thông minh
Bạn nên chuẩn bị cho mình những bữa ăn nhẹ lành mạnh như một túi zip gồm một miếng trái cây, thậm chí là một ít bỏng ngô và nhét vào túi xách hoặc cặp của bạn khi đi ra ngoài để tránh ăn bánh, kẹo và những món ăn đường phố.
6. Vận động nhiều hơn
Bạn không phải là người duy nhất cho rằng mình không có thời gian để tập luyện. Trong một khảo sát gần đây ở Mỹ trên 2.300 phụ nữ, 1/3 trả lời rằng cô ấy quá bận để chăm sóc cho sức khỏe tim của mình.
Nhưng nếu bạn có giờ nghỉ giải lao 10 phút để uống cà phê, hãy dành thời gian đó cho tập luyện. Kế hoạch tập luyện của bạn càng phù hợp thì bạn càng có thể duy trì nó lâu.
Một kế hoạch cụ thể sẽ có tác dụng với bạn, thậm chí chỉ cần 10 phút lúc này, 10 phút lúc khác, đó cũng có thể là dấu hiệu thành công. Đi dạo 10 phút cũng có thể “hóa giải” những tác hại của việc ngồi nhiều trong ngày của bạn.
7. Loại bỏ stress
Stress rất nguy hiểm, nó có thể giải phóng hormon cortisol, dần dần làm yếu hệ tim mạch và hệ miễn dịch. Stress còn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Cách khắc phục là tận dụng những thời gian rảnh rỗi cho bản thân, tập luyện tắm nước ấm, gặp gỡ bạn bè, làm mọi cách để cuộc sống của bạn không buồn chán.