Phong độ sa sút của hai đội bóng Thành phố Hồ Chí Minh: Không lối thoát?

GD&TĐ - Sau 9 vòng đấu của V-League 2022, cả 2 đội bóng của TPHCM đã rơi xuống đáy bảng xếp hạng và sẽ đối mặt với cuộc chiến trụ hạng khốc liệt.

Đội TPHCM (bên phải) thất bại 0 - 1 trên sân Viettel, vòng 9 V-League 2022.
Đội TPHCM (bên phải) thất bại 0 - 1 trên sân Viettel, vòng 9 V-League 2022.

Dù phía trước mùa giải còn rất dài, nhưng nếu không có giải pháp chấn chỉnh kịp thời, bóng đá thành phố sẽ còn tệ hơn nữa.

Bóng đá TPHCM khủng hoảng từ mùa giải năm ngoái. Sau 12 vòng đấu, vị trí của 2 đại diện bóng đá thành phố lần lượt là 11 (TPHCM) và 13 (Sài Gòn FC). Nguy cơ “huynh đệ tương tàn” nhằm tìm đường sống ở đáy bảng hiện rõ hơn bao giờ hết. Nhưng V-League 2021 buộc phải dừng cuộc chơi vì Covid-19, không có đội xuống hạng. Hai đội bóng thành phố bất ngờ “thoát hiểm”.

Cứ ngỡ bóng đá thành phố nhanh chóng rút ra những bài học sau mùa giải kém cỏi. Vậy mà mọi thứ còn tệ hơn khi bước vào V-League 2022. Hiện tại, sau 9 vòng đấu, TPHCM và Sài Gòn FC đang ngày càng chìm sâu ở nhóm “cầm đèn đỏ”.

Không ai nhận ra một TPHCM từng giành ngôi Á quân V-League 2019 hay đội hạng 3 V-League 2020 là Sài Gòn FC. Nhiều khả năng sẽ có 1 đại diện của bóng đá thành phố xuống hạng khi mùa giải 2022 khép lại.

Những người yêu bóng đá thành phố đang quay cuồng trong mớ hỗn độn của hoài nghi. Covid-19 gần như đã bị đẩy lùi, vì sao 2 đội bóng thân yêu của họ vẫn không tiến bộ?

Những người có trách nhiệm của 2 đội bóng đã làm gì để rồi cả 2 đội bóng ngày càng bi đát. Phải chăng các ông chủ đứng sau đã “buông tay” nên đội TPHCM và Sài Gòn FC mới rơi vào cảnh càng đá càng tệ?

Vì sao bất ổn?

Trận Sài Gòn FC (bên trái) hòa 2-2 với Nam Định trên sân Thống Nhất, vòng 9 V-League 2022.

Trận Sài Gòn FC (bên trái) hòa 2-2 với Nam Định trên sân Thống Nhất, vòng 9 V-League 2022.

Sài Gòn là đội duy nhất chưa biết thắng tại V-League 2022. Họ hòa cả 4 trận trên sân Thống Nhất và thua cả 4 khi đá trên sân khách. Không chỉ vậy, Sài Gòn FC còn là đội bóng để thua nhiều bàn nhất sau 8 vòng đấu (mới đá 8 trận - PV) với 18 lần thủng lưới.

Trung bình thầy trò huấn luyện viên Phùng Thanh Phương để thua 2,25 bàn/trận. Câu lạc bộ TPHCM cũng chẳng khá hơn người anh em cùng thành phố bao nhiêu với vỏn vẹn 6 điểm trong tay.

Huấn luyện viên Phùng Thanh Phương cho rằng, ông chưa có được đội hình mạnh vì các trụ cột bị chấn thương, tâm lý cầu thủ nặng nề sau chuỗi trận không tốt.

Tuy nhiên, điều đó chỉ là bề nổi của Sài Gòn chứ chưa phản ánh đúng, có chiều sâu về những vấn đề của đội bóng này. Thành tích kém cỏi của Sài Gòn xuất phát từ nhiều vấn đề hơn những lời giải thích của vị thuyền trưởng con tàu đang chìm dần ở đại dương V-League.

Sai lầm trong thi đấu là khó tránh khỏi. Nhưng vấn đề của Sài Gòn nằm ở chỗ, những sai lầm đó thật khó cắt nghĩa theo cách thông thường nhất và chỉ diễn ra ở một số cá nhân.

Chẳng hạn thủ môn Văn Phong, hậu vệ Quốc Long mắc lỗi ở trận thua 1 - 3 trên sân Hải Phòng tại vòng 5 lại tiếp tục mắc sai lầm trong trận thua 0 - 4 trên sân Thanh Hóa ở vòng 7. Mới đây, trong trận đấu với Nam Định tại Thống Nhất, Sài Gòn suýt chút nữa trắng tay nếu không được chơi hơn người sau quyết định gây tranh cãi của trọng tài.

Mùa giải năm ngoái, Sài Gòn xếp áp chót trong bảng xếp hạng sau 12 trận do ngoại binh quá kém. Mùa này, ở tuổi 37, cầu thủ nhập tịch Đỗ Merlo chậm chạp và thiếu sắc bén.

Trung vệ Ahn Byung Keon (Hàn Quốc) chơi rất tệ, buộc Sài Gòn phải thử việc một loạt trung vệ ngoại để kịp gia cố hàng thủ. Tân binh Andre Vieira (Bồ Đào Nha) chỉ ở trình độ bình thường. Chân sút mới Gustavo Costa (Brazil) chỉ mới ghi 1 bàn sau 3 trận.

Nước xa không cứu được lửa gần. Sài Gòn nếu không nhanh chóng cải thiện thứ hạng trước khi được tăng cường lực lượng thì mọi thứ e rằng quá muộn ở lượt về. Theo nhận định của chuyên gia Đoàn Minh Xương, Sài Gòn đang mất phương hướng bởi thay đổi quá nhiều.

Một đội bóng mà thay đổi nhiều thì chắc chắn sẽ không ổn định. Với điểm số hiện nay cũng như tính cạnh tranh trên bảng xếp hạng, ông Xương cho rằng, mục tiêu của Sài Gòn là kiếm điểm từng trận trước khi được bổ sung viện binh.

Trong khi đó, 3 năm qua câu lạc bộ TPHCM đã chi rất nhiều tiền cho chuyển nhượng, nhằm tăng cường chất lượng cho cuộc đua đến chức vô địch. Nhưng đổi lại chỉ là sự thất vọng và bất ổn.

Như ở mùa giải năm ngoái, đội bóng này đầu tư mạnh để mang về nhiều cầu thủ ngôi sao như Lee Nguyễn, Hồ Tuấn Tài... hay những ngoại binh đắt giá như Silva, Paulo, Barrios. Thế nhưng, câu lạc bộ TPHCM thi đấu sa sút dưới bàn tay huấn luyện của ông Polking, người sau đó dẫn dắt đội tuyển Thái Lan vô địch AFF Cup 2020.

Sau khi ông Polking rời đi, câu lạc bộ TPHCM bắt đầu tái thiết đội hình khi chia tay hàng loạt cái tên chất lượng. Tuy nhiên, các thương vụ của họ với nhiều lý do đều không thành công.

Đội bóng chỉ còn biết đưa về những cầu thủ “vô danh” hoặc những người đã qua thời kỳ đỉnh cao phong độ như Hoàng Vũ Samson, Dương Văn Khoa, Trần Đình Bảo, Chu Văn Kiên, Đào Quốc Gia... Với đội hình “chắp vá”, huấn luyện viên Trần Minh Chiến và các học trò thể hiện lối chơi rời rạc, thiếu sức sống nhất kể từ khi đội bóng TPHCM thi đấu tại sân chơi V-League.

Bên cạnh đó, ngay từ đầu mùa, huấn luyện viên Trần Minh Chiến đã phải chứng kiến một nửa đội đình công không tập và đề nghị luật sư vào cuộc liên quan chuyện tiền bạc, lót tay không thỏa đáng. Sau đó, mọi thứ được sắp xếp ổn thỏa và cầu thủ trở lại tập luyện, nhưng các cầu thủ khó có được trạng thái tinh thần tốt nhất cũng như không thể tạo thành một tập thể thống nhất.

Người ta cho rằng, TPHCM sa sút không phải là yếu tố chuyên môn, mà cái chính là những vấn đề nội bộ khiến đội bóng suy yếu, đánh mất tinh thần màu cờ sắc áo. Phải chăng những bất ổn không thể giải quyết đã dẫn đến lá đơn từ chức của huấn luyện viên Trần Minh Chiến? Tuy nhiên, nguyện vọng của ông Chiến không được lãnh đạo câu lạc bộ TPHCM chấp thuận. Cựu danh thủ bóng đá Việt Nam tiếp tục ngồi “ghế nóng” và TPHCM vẫn trắng tay trước chủ nhà Viettel ở vòng 9, trận thua thứ 4 liên tiếp!

Nguy cơ “vùng trắng”

Sau 5 năm lên chuyên nghiệp với đội TPHCM và 6 năm “di cư” vào Nam của Sài Gòn FC, cả 2 đội bóng thuộc hàng nhà giàu vẫn không thể tạo dựng mô hình đào tạo trẻ. Vậy nên, đóng góp của bóng đá thành phố trong những năm qua cho các cấp độ đội tuyển quốc gia gần như con số 0. Đội U23 chỉ có 1 cầu thủ là Trần Đình Khương nhưng anh này vốn xuất thân từ đội trẻ Khánh Hòa. Ở đội U19 vừa đá giải Đông Nam Á, không có cầu thủ đến từ TPHCM nào ngoài các thành viên của học viện Nutifood JMG đang đóng quân tại… Gia Lai. Còn tại đội U16 quốc gia, bóng đá trẻ TPHCM cũng chỉ có 1 thành viên.

Theo điều lệ, V-League 2022 chỉ có 1 suất xuống hạng. Như vậy, trong tình huống xấu thì bóng đá thành phố vẫn còn một đại diện ở V-League 2023. Vì sao câu lạc bộ TPHCM và Sài Gòn FC từ kẻ thách thức chức vô địch nhanh chóng bị đánh bay khỏi tốp đầu, rơi vào thế phải vật lộn trụ hạng? Chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng, sự thiếu ổn định thượng tầng đã ảnh hưởng đến sức mạnh của các đội bóng.

“Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam là nghệ thuật sử dụng tài chính và con người. Ngay từ đầu giải nhìn vào chuyển nhượng đã dự đoán được khó khăn cho 2 đội bóng thành phố khi không thu hút được những ngôi sao, thậm chí lực lượng còn suy yếu đi. Câu lạc bộ TPHCM và Sài Gòn FC vẫn chưa có chiến lược rõ ràng. Nhân sự thì bất ổn từ băng ghế chỉ đạo đến cầu thủ. Hết tiền thì yếu. Nhưng yếu mà tinh thần tốt, đoàn kết tốt như Nam Định thì vẫn sống khỏe ở V-League và khán giả vẫn đến sân đông” - ông Xương phân tích.

Không chỉ là nguy cơ xuống hạng, cả 2 đội bóng của TPHCM còn đối mặt với rất nhiều bài toán khó cùng những ẩn số khác.

Lên chơi V-League 2017 và được doanh nghiệp khủng đỡ đầu, câu lạc bộ TPHCM đã chuyển mình mạnh mẽ với sự bạo chi của doanh nghiệp đứng sau. Rất nhiều thay đổi đã đến với câu lạc bộ TPHCM, từ chế độ cho đến điều kiện ăn ở, sân thi đấu. Hội cổ động viên cũng được xây dựng theo hướng chuyên nghiệp. Đặc biệt, câu lạc bộ TPHCM cũng liên kết với đối tác để mở Học viện Juventus.

Năm 2020, sau 4 năm Nam tiến, đội Sài Gòn FC được 2 doanh nghiệp lớn tiếp quản. Được biết, chủ sở hữu mới đứng sau điều hành câu lạc bộ Sài Gòn tham gia kinh doanh trên nhiều lĩnh vực như bất động sản, nhà hàng, giáo dục... Sài Gòn FC đã thay đổi mạnh mẽ sau cuộc chuyển giao và giành Huy chương Đồng V-League 2020. Năm ngoái, Trung tâm đào tạo PVF đã được Vingroup chuyển giao cho các “ông chủ” Sài Gòn FC.

Có thể thấy, TPHCM và Sài Gòn FC thuộc hàng các đội bóng đại gia. Tuy nhiên, 2 đội bóng này có lẽ cũng không tránh được “lối mòn” thê thảm của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, đó là không thể tự sống trên chính đôi chân của mình.

Nguồn thu hầu như phụ thuộc vào “túi tiền” của các ông chủ. Khi cần những người nắm quyền quyết định bơm tiền mạnh mẽ “chiêu binh mãi mã”, đánh bóng thương hiệu, song cũng có lúc, các vị trí quyền lực ấy dường như “buông bỏ” để mặc cho đội bóng tự trôi giữa muôn vàn sóng dữ.

20 năm bóng đá Việt Nam lên chuyên, câu chuyện doanh nghiệp làm bóng đá có thể viết được cả nghìn trang sách. Những doanh nghiệp đến với bóng đá và cay đắng ra đi rất nhiều. Nhiều đội bóng bị lợi dụng nhằm mục đích khác của các doanh nghiệp để rồi dẫn đến bị xóa sổ cũng không hiếm. Vấn đề đặt ra lúc này, sự sa sút của 2 đội bóng TPHCM chỉ là nhất thời hay là khởi đầu của một chu kỳ đi xuống?

Rất khó để có đáp án. Nhưng có thực tế, đội TPHCM và Sài Gòn FC sau khi đổi chủ chỉ có một thời gian ngắn thăng hoa. Hai năm gần đây, họ chìm trong bất ổn với vô số vấn đề nằm ngoài chuyên môn. Ngoài ra, cả câu lạc bộ TPHCM và Sài Gòn FC đều chưa có “đại bản doanh” riêng, cả hai phải thuê sân thi đấu lẫn sân tập.

Liệu đây có phải lý do khiến cả 2 đội bóng chững lại trong 2 năm qua, cũng là thời điểm khó khăn của đại dịch Covid-19? Học viện đào tạo Juventus của câu lạc bộ TPHCM đặt tại Bà Rịa – Vũng Tàu, trong khi Trung tâm PVF của Sài Gòn FC vẫn đóng quân ở Hưng Yên.

Và nên nhớ rằng, những người đứng sau câu lạc bộ TPHCM và Sài Gòn FC còn có đại diện đang đá ở hạng Nhất quốc gia. Liệu trong tương lai gần những ông chủ sẽ buông đội TPHCM và Sài Gòn FC không? Nếu khả năng xấu xảy ra, có doanh nghiệp nào ra tay cứu giúp bóng đá thành phố?

Không có cũng đồng nghĩa bóng đá TPHCM sẽ trở lại “vùng trắng” như họ đã từng nhiều lần rơi vào trong quá khứ. Và đến giờ, dù chưa có khả năng xấu nào xảy ra, song cả 2 đội bóng thành phố dường như chỉ có vẻ bóng bẩy bên ngoài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.