Vai trò lớn
Chia sẻ về sáng kiến này, ông Đặng Văn Sơn (Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) cho biết: Truyền thông có vai trò rất lớn trong việc thay đổi nhận thức của mọi người về tác hại thuốc lá. Từ nhận thức đúng sẽ có hành vi đúng. Đó là phương thức phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, trong điều kiện kinh phí hạn chế, làm sao để phát huy hiệu quả các kênh truyền thông là điều mà chúng tôi luôn trăn trở. Trong quá trình tìm tòi giải pháp, chúng tôi thấy rằng học sinh đúng là yếu tố “truyền thông đa chiều” tốt nhất để hạn chế hút thuốc lá trong các gia đình và phòng chống tác hại của thuốc lá nơi công cộng.
Bằng cách thông qua các hoạt động phong trào, hội đoàn, nhà trường sẽ tuyên truyền cho các em biết rõ tác hại của thuốc lá. Từ những kiến thức đó, các em sẽ có những “can thiệp nhỏ” tại gia đình để bố mẹ, anh chị bỏ dần thói quen hút thuốc.
Thực tế cho thấy sáng kiến này đã phát huy hiệu quả trong cộng đồng rất lớn. Anh Nguyễn Ngọc H - Phụ huynh có con học lớp 4 tại xã Vĩnh Phương (TP Nha Trang) cho biết:
“Tôi nghiện thuốc từ hồi trẻ và cũng vừa quyết tâm bỏ cách đây 3 tháng. Mọi chuyện bắt đầu từ thằng nhỏ nhà tôi. Nó nghe, đọc biết về tác hại thuốc lá ở trên trường, vậy là về nhà tuyên truyền cho cả nhà và năn nỉ cha bỏ thuốc.
Nghe con nói: Con không muốn cha chết sớm, em Su bị suyễn đâu, thương quá. Bỏ thuốc, mỗi ngày khoản tiền này đủ mua cho 2 đứa con 4 bịch sữa tươi. Thấy cũng đáng!”.
Những người cha được con truyền thông tốt mà bỏ thuốc lá như anh H, chính là cảm hứng để đội văn nghệ xã Vĩnh Phương có một kịch bản hấp dẫn trong phần thi tài năng hội thi “Tìm hiểu kiến thức về PCTHTL” năm 2015 vừa qua.
Kịch bản nói về sự chuyển biến tâm lý của người chồng, người cha khi được vợ, con phân tích cho thấy các bệnh do thuốc lá gây ra và số tiền bỏ ra mua thuốc lá để hút trong một năm bằng số tiền mua xe cho con đi học!
Hiệu quả thiết thực
Nhờ sự sáng tạo và quyết tâm trong truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá nên tại TP Nha Trang, sau 3 năm triển khai xây dựng “Thành phố không khói thuốc”, đến nay, 100% các xã, phường thành lập Ban chỉ đạo Phòng chống tác hại thuốc lá, 100% các cơ quan, đơn vị, trường học treo biển hiệu “Cơ quan không khói thuốc” và “Cấm hút thuốc lá” tại phòng làm việc và ký cam kết trách nhiệm và đưa vào quy chế thi đua khen thưởng, bình xét cơ quan văn hóa... Tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động của người lao động tại nơi làm việc đã giảm từ 57% xuống 47,7%.
Mô hình coi học sinh là yếu tố “truyền thông đa chiều” tốt nhất để hạn chế hút thuốc lá trong các gia đình và phòng chống tác hại của thuốc lá nơi công cộng ở Nha Trang hiện đã và đang được nhân rộng.
Trong đó, ngành Giáo dục các địa phương đã xác định đối tượng nòng cốt tuyên truyền là học sinh. Hiện nay, các Sở GD&ĐT địa phương đều cơ bản đã xây dựng Kế hoạch thực hiện PCTHTL, lấy học sinh làm trung tâm.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết: Chúng tôi tập trung vào đối tượng học sinh tiểu học để xây dựng nền tảng tuyên truyền.
Điều này có ba cái lợi. Lợi thứ nhất là do trong chương trình giáo dục tiểu học đã có nội dung phòng chống tác hại thuốc lá rất sinh động rồi nên chỉ cần đẩy mạnh thêm, không mất nhiều thời gian và kinh phí.
Cái lợi thứ hai là từ nhỏ các em được giáo dục, hiểu biết tác hại của hút thuốc thì sẽ có ý thức tốt và tránh xa thuốc lá khi vào tuổi trưởng thành.
Cái lợi thứ ba, tiếng nói của các em học sinh tiểu học dù còn ngây thơ nhưng lại tác động rất lớn đến tình cảm, suy nghĩ của cha mẹ. Xem ra, các tuyên truyền viên nhí làm việc rất hiệu quả.