Những tín hiệu vui
Không khó để tìm thấy những trang mạng xã hội lên tiếng phòng chống tác hại thuốc lá trong thời gian gần đây. Nổi bật có thể kể trang Facebook Tôi ghét thuốc lá.
Được thành lập năm 2009, đến nay trang này đã thu hút được gần 300.000 lượt like. Những chủ đề thiết thực đã nhận được rất nhiều bình luận. Hội Những người ghét thuốc lá mới ra đời gần đây trên Facebook nhưng cũng được đông đảo cộng đồng mạng ủng hộ.
Khác với những hình thức truyền thông đã được thực hiện khác, truyền thông PCTH của thuốc lá qua mạng xã hội không phân tích, đề cập quá sâu vào những quy định, điều khoản luật một cách khô cứng; những cách thức ghi lại bằng chứng hay những chia sẻ chuyên sâu về phương cách đấu tranh, mà tập trung tuyên truyền thông tin và truyền tải những thông điệp chính qua những clip và hình ảnh hoặc những bài viết sinh động nên đều được giới trẻ đón nhận.
Anh Nguyễn Hưng (30 tuổi), một facerbooker cho biết lí do mình từ bỏ thuốc lá cũng từ những tác động trong bạn bè Facebook. “Nó như một thứ mưa dầm.
Cứ mỗi ngày một ít tiếp cận với những hình ảnh, clip về tác hại thuốc lá, nghe thiên hạ còm”, mình thay đổi nhận thức lúc nào không hay. Ngày trước, avatar của mình là ảnh… ngậm điếu thuốc rất ngầu cơ, chứ không phải như bây giờ. Trước đây cứ nghĩ hút thuốc là sành điệu, bây giờ không hút thuốc mới là sành điệu!”.
Năm 2014, Bộ Y tế và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức cuộc thi sáng tác video clip, ảnh, tranh áp phích cổ động với chủ đề “Cuộc sống không khói thuốc lá” trên các mạng xã hội.
Sau 2 tháng phát động cuộc thi, Ban tổ chức đã nhận được 265 tác phẩm tham dự ở cả 3 thể loại, trong đó có 210 tác phẩm hợp lệ được chọn vào vòng chung khảo.
Điều đáng nói là có hàng trăm ngàn lượt truy cập trên trang xã hội của cuộc thi và hạng chục ngàn lượt bấm “Like” bình chọn cho các tác phẩm hay. Điều này cho thấy sự quan tâm của cộng đồng mạng đối với cuộc chiến chống thuốc lá là rất lớn.
Kênh truyền thông rẻ mà hiệu quả
Mạng xã hội hiện nay đang trở thành kênh truyền thông mạnh nhất, có tốc độ lan truyền nhanh và có hiệu quả, nhất là đối tượng thanh thiếu niên.
Nhờ có tính tương tác rất lớn đối với người sử dụng, chính những người đọc và xem nội dung có thể đóng góp vào nội dung, họ có thể chia sẻ và giúp tăng khả năng lan tỏa những thông điệp. Chính vì thế, nó trở thành sự lựa chọn của nhiều chương trình truyền thông hướng đến cộng đồng, trong đó có PCTH của thuốc lá.
Bà Mego Lien - Thạc sỹ Y tế công cộng, Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á Truyền thông và vận động chính sách, Quỹ Lá phổi thế giới (WLF) - đưa ra con số thống kê mới nhất cho thấy Việt Nam có hơn 94,3 triệu dân thì có đến 44% truy cập Internet.
Thời gian trung bình người Việt dành cho Internet là 5,2 giờ/ngày, trong đó, thời gian trung bình mà người dân xứ ta dành cho truyền thông xã hội là 3,1 giờ/ngày. Và Facebook đang là mạng xã hội hàng đầu ở Việt Nam với tỷ lệ người dùng chiếm 21%.
Từ tình hình khả quan trong sử dụng Internet và mạng xã hội ở Việt Nam, bà Mego Lien gợi ý, cần sử dụng truyền thông xã hội cho vận động và đẩy mạnh các chính sách phòng chống tác hại của thuốc lá.
Trong đó, vai trò của Facebook trong chiến dịch truyền thông là cách kết nối, hướng dẫn và vận động cộng đồng một cách miễn phí để có thể chia sẻ tin tức, nội dung và hình ảnh hỗ trợ phòng chống tác hại của thuốc lá hữu hiệu.