Phòng, chống mang thai hộ vì mục đích thương mại

GD&TĐ - Từ vụ môi giới đẻ thuê với giá 700 triệu đồng, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần vào cuộc để phòng, chống việc mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Đối tượng Phan Thị Hằng Oanh tại cơ quan công an.
Đối tượng Phan Thị Hằng Oanh tại cơ quan công an.

Môi giới đẻ thuê giá hơn 700 triệu

Cơ quan CSĐT Công an quận Long Biên (Hà Nội) mới đây đã khởi tố bị can đối với Phan Thị Hằng Oanh (SN 1987, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) về tội Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Tài liệu của cơ quan công an thể hiện, Phan Thị Hằng Oanh nắm bắt được nhu cầu có con của các gia đình hiếm muộn, có vấn đề sinh lý... nên nảy sinh ý định kiếm lời từ dịch vụ mang thai hộ. Để thực hiện kế hoạch, Oanh lập nhóm “Hội nhóm mang thai hộ - hiến trứng - hiến tặng tinh trùng” trên mạng xã hội Facebook với mục đích tìm người mang thai hộ, người bán trứng và người có nhu cầu mang thai hộ để kiếm lời.

Tháng 3/2020, thông qua nhóm trên, Oanh nhận được đề nghị từ anh H.Đ.M. (SN 1987) về việc anh này muốn có con. Theo thỏa thuận, Oanh sẽ tìm người bán trứng để phối hợp với tinh trùng của anh M. tạo phôi. Tiếp đó, Oanh sẽ tìm người mang thai hộ và sinh con. Oanh báo giá tổng chi phí là 770 triệu đồng. Anh M. được “triết khấu” lại 70 triệu đồng.

Thỏa thuận xong với anh M., Oanh thương lượng mua trứng của chị L.T.L. (SN 1991, quê quán ở Hòa Bình) với giá 30 - 50 triệu đồng và mang thai hộ giá 270 - 340 triệu đồng. Sau đó, Oanh làm hồ sơ và thực hiện việc đưa tinh trùng anh M. vào trứng chị L. tại một bệnh viện. Tuy nhiên, công đoạn cấy phôi vào chị L. thất bại nên Oanh trả cho chị L. 50 triệu đồng tiền hiến trứng.

Tiếp tục hợp đồng với anh M., Oanh sau đó liên hệ với N.T.Q.T. (SN 1996) để mang thai hộ giá 320 triệu đồng. Để hợp thức hóa việc cấy phôi, Oanh đã làm giả Chứng minh nhân dân mang tên chị L.T.L. nhưng ảnh chân dung là của chị Q.T. sau đó nộp vào bệnh viện.

Quá trình chuyển phôi thành công, Oanh đưa chị Q.T. về dưỡng thai tại phòng trọ của mình ở số 11 Tư Đình (quận Long Biên). Công an quận Long Biên sau đó đã tiến hành kiểm tra phòng trọ của Oanh. Quá trình kiểm tra, cơ quan điều tra đã thu giữ được nhiều tài liệu và vật chứng liên quan đến đường dây mang thai hộ vì mục đích thương mại. Cơ quan công an xác định, Oanh đã nhận 420 triệu đồng từ anh M. và chuyển 41 triệu cho chị Q.T.

Cách nào ngăn chặn tình trạng mang thai hộ vì mục đích thương mại?

Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), trong thời gian qua, tình hình mang thai hộ vì mục đích thương mại, đẻ thuê, lựa chọn giới tính thai nhi có xu hướng diễn biến phức tạp. Để bảo đảm việc chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản; phòng tránh tình trạng buôn bán tinh trùng, noãn, phôi trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, mang thai hộ vì mục đích thương mại…Bộ Y tế yêu cầu tăng cường rà soát, hoàn thiện quy trình chống nhầm lẫn tinh trùng/noãn/phôi và phổ biến đến tất cả nhân viên.

Bộ Y tế nhấn mạnh, quy trình lấy mẫu tinh dịch nên có nội dung về việc kiểm soát để bảo đảm mẫu tinh dịch được lấy đúng người và lấy tại bệnh viện, đề phòng tráo mẫu tinh dịch mang từ ngoài vào. Bộ Y tế cũng khuyến khích các cơ sở đầu tư và sử dụng phần mềm quản lý các trường hợp cho/nhận tinh trùng/noãn/phôi, thụ tinh trong ống nghiệm mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Theo Bộ Y tế, việc nhận diện người bệnh và giao tử không chỉ bằng giấy tờ cá nhân mà có thể sử dụng các kỹ thuật nhận diện sinh trắc học hiện đại như chụp ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt để phòng tránh nhầm lẫn hoặc tráo đổi do sử dụng giấy tờ giả. Nên lưu trữ mẫu tinh dịch và mẫu máu để đối chiếu sau này.

Xây dựng quy trình vận chuyển, tiếp nhận tinh trùng/noãn/phôi giữa các bệnh viện và thường xuyên kiểm tra để phòng tránh việc tráo đổi. Trong quy trình nhận/chuyển phôi, bình trữ phôi và hồ sơ kèm theo cần được bàn giao giữa 2 bệnh viện và có thông tin phản hồi để đảm bảo phôi được chuyển đến đúng đơn vị nhận phôi, phòng tránh việc tráo hồ sơ hoặc phôi bị chuyển cho người khác với mục đích đẻ thuê.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu tăng cường đề phòng mang thai hộ vì mục đích thương mại tại 45 bệnh viện đã được công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Cụ thể, chỉ định mang thai hộ cần được xét duyệt cẩn thận và được lãnh đạo bệnh viện ký chỉ định.

Để bảo đảm xác định mối quan hệ thân thích cùng hàng giữa người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ, ngoài Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, bệnh viện có thể yêu cầu gia đình cung cấp các giấy tờ có liên quan để đối chiếu.

Bộ Y tế cũng khuyến khích các cơ sở ký hợp đồng với công ty Luật về tư vấn pháp lý, trong đó cần có đầy đủ các điều khoản để ràng buộc trách nhiệm trong việc tư vấn pháp lý. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát nội bộ, bảo đảm nhân viên tuân thủ các quy định chống nhầm lẫn, tráo đổi tinh trùng/noãn/phôi. Các cơ sở cần có quy định về việc xử lý nghiêm các nhân viên vi phạm quy định chống nhầm lẫn hoặc để việc nhầm lẫn/tráo đổi xảy ra; tham gia hoặc tiếp tay cho các đường dây buôn bán tinh trùng/noãn/phôi, đẻ thuê…

Luật sư Đặng Văn Cường.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện nào?

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, pháp luật nghiêm cấm hoạt động mang thai hộ vì mục đích thương mại vì đây là hành vi không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, có thể dẫn đến những hiện tượng mua bán người, bóc lột tình dục, xâm phạm đến quyền lợi của những người yếu thế.

Theo ông Cường người thực hiện hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính là phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng. Người vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Ngoài ra, hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại đến mức được xác định nguy hiểm cho xã hội, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 187 Bộ luật hình sự.

Tùy từng trường hợp cụ thể mà người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu phạm tội ở mức độ nghiêm trọng sẽ bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.

Tư vấn thêm về trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, ông Cường cho biết đây là một quy định hết sức văn minh, nhân đạo và được pháp luật thừa nhận.

Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện như: Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, vợ chồng đang không có con chung, đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện như là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ, đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần, ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ…Ngoài ra, việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.