Phòng chống dịch Covid-19: Ngừng chạm tay lên mặt!

Phòng chống dịch Covid-19: Ngừng chạm tay lên mặt!

Nâng cao cơ hội sống khỏe mạnh

Một trong những thách thức khó khăn hơn đối với sức khỏe cộng đồng là dạy mọi người rửa tay thường xuyên và ngừng chạm vào màng nhầy trên mặt - mắt, mũi và miệng, tất cả các lối xâm nhập cho Coronavirus mới và nhiều vi trùng khác.

Tiến sĩ Nancy C.Elder, Giáo sư y học gia đình tại Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon ở Portland (Hoa Kỳ), người đã nghiên cứu hành vi sờ vào mặt của các bác sĩ và nhân viên phòng khám cho biết gãi mũi, dụi mắt, chống cằm và các ngón tay để gần miệng, chúng ta thực hiện những hành vi này theo muôn vàn cách. Mọi người đều sờ tay vào mặt của mình và đó là một thói quen khó bỏ.

Khi sự lây lan của Coronavirus trên toàn cầu ngày càng diễn biến phức tạp, lời khuyên của các quan chức y tế là mọi người nên rửa tay. Nhưng một số nhà nghiên cứu y tế nói rằng, thông điệp y tế cộng đồng cũng nên bao gồm một cảnh báo mạnh mẽ hơn về việc sờ tay vào mặt.

“Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn khuyến cáo rằng ‘tránh sờ tay vào mắt, mũi và miệng của bạn’ trích lời bác sĩ William P.Sawyer, bác sĩ gia đình ở Sharonville, Ohio và là người tạo ra trang web HenrytheHand.com, khuyến khích vệ sinh tay và mặt.

“Lời khuyên là tuyệt đối không chạm tay vào chúng! Nếu bạn không bao giờ chạm tay vào màng nhầy trên mặt, bạn sẽ ít bị bệnh trở lại sau khi bị nhiễm virus đường hô hấp” - bác sỹ William P.Sawyer cho biết thêm.

Để hiểu tại sao vệ sinh tay và chạm tay vào mặt có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể trong một đại dịch, hãy xem xét cách thức virus có thể lây lan như thế nào.

Một người nhiễm bệnh đi trong thang máy, chạm vào các nút cả bên ngoài và bên trong thang máy hoặc có thể hắt hơi trong khi đi thang máy. Khi người đó rời đi, những giọt nước siêu nhỏ chứa virus ở lại. Những người tiếp theo nhấn nút tương tự hoặc chạm vào bề mặt sẽ nhiễm virus trên tay, sau đó gãi mũi hoặc dụi mắt.

“Mắt, mũi, miệng - tất cả những màng nhầy là lối vào cơ thể cho một loại virus, như dịch Covid-19 hiện nay. Tôi đã có mặt trong một cuộc hội thảo để theo dõi mọi người, và chỉ trong khoảng hai phút, tôi thấy nhiều người, nhiều lần chạm tay vào màng nhầy. Đây là một hành vi rất phổ biến.

Tất cả hành động đưa tay lên miệng, dụi mắt... là thói quen rất xấu.
 Tất cả hành động đưa tay lên miệng, dụi mắt... là thói quen rất xấu.

Chúng ta dụi mắt, gãi mũi, chạm vào miệng - cộng đồng nói chung cần nhận thức được tần suất họ chạm vào mặt của mình”, theo Mary-Louise McLaws, GS dịch tễ học, nhiễm trùng chăm sóc sức khỏe và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm tại ĐH New South Wales (Australia) cho biết.

GS McLaws là tác giả cao cấp của một nghiên cứu năm 2015 về việc chạm tay vào mặt đã ghi lại số lần đáng báo động chúng ta thực hiện hành vi này. Trong khi các sinh viên y khoa tham dự một bài giảng, các nhà nghiên cứu đã quay phim và đếm số lần họ chạm vào bất kỳ phần nào trên khuôn mặt của họ.

Trong suốt một giờ, sinh viên trung bình chạm tay vào mặt họ 23 lần. Gần một nửa số lần chạm là vào mắt, mũi hoặc miệng - thứ mà các nhà nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm gọi là “Vùng chữ T”.

Các nghiên cứu khác về các bác sĩ chăm sóc chính, những người làm công việc văn phòng và sinh viên đi xe lửa mô phỏng đều đã tìm thấy tỷ lệ tương tự của hành vi chạm tay vào vùng T. “Tôi đã rất ngạc nhiên”, GS McLaws nói.

“Bằng việc chạm vào màng nhầy của bạn, bạn sẽ trao cho virus 11 cơ hội xâm nhập mỗi giờ nếu bạn chạm vào thứ gì đó truyền nhiễm”. Nguy cơ nhiễm virus khi tiếp xúc tay với mặt phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm loại virus, bề mặt có lỗ thoát dịch hay không, virus đã bị bỏ lại bao lâu, thời gian người nhiễm bệnh đã ở trong khu vực đó bao lâu và nhiệt độ và độ ẩm.

Thay đổi thói quen

WHO lưu ý rằng, mặc dù chúng ta không biết rằng Coronavirus tồn tại được bao lâu trên các bề mặt, nhưng nó dường như hoạt động giống như các virus khác, đó là tin tức đáng lo ngại.

Một nghiên cứu gần đây từ Tạp chí Nhiễm trùng bệnh viện cho thấy các Coronavirus tương tự đã được chứng minh là tồn tại trên các bề mặt tới 9 ngày trong điều kiện lý tưởng. Virus đó sống lâu hơn virus cúm, thường có thể sống sót trong điều kiện lý tưởng chỉ tối đa 24 giờ trên bề mặt cứng.

Public Health England cho biết, dựa trên các nghiên cứu về các loại Coronavirus khác như SARS và MERS, “nguy cơ nhiễm virus sống từ bề mặt bị ô nhiễm trong điều kiện đời sống thực tế có khả năng giảm đáng kể sau 72 giờ”.

Nói chung, một loại virus sẽ tồn tại lâu nhất trên các bề mặt không gian được làm bằng kim loại và nhựa - bao gồm núm cửa, quầy và lan can. Một virus sẽ chết sớm hơn trên vải hoặc mô. Khi ở trên tay bạn, một con virus bắt đầu mất hiệu lực, nhưng nó có thể sẽ sống đủ lâu để bạn chạm tay vào mặt mình.

Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn về coronavirus, nhưng trong một nghiên cứu về Rhinovirus, nguyên nhân gây cảm lạnh thông thường, một lượng nhỏ virus đã được đặt trên ngón tay của người tham gia. Một giờ sau, khoảng 40 % virus vẫn còn tồn tại. Sau ba giờ, 16 % vẫn có thể được phát hiện.

Chúng ta cũng biết từ đại dịch SARS năm 2003, một loại Coronavirus gây chết người nhiều hơn so với loại đang lây lan, virus này thường được truyền từ tiếp xúc bề mặt. Trong một khách sạn ở Hồng Kông, một bác sĩ bị nhiễm đã vào phòng ở tầng 9 trước khi đến bệnh viện để điều trị đã để lại một vệt virus lây nhiễm cho ít nhất 7 người cũng có phòng ở tầng 9, sau đó những người này tiếp tục lây bệnh ở nơi khác.

Người bác sĩ đó đã chết vì nhiễm trùng, sau đó được xác định là “người siêu lây lan” có liên quan đến khoảng 4.000 trường hợp SARS xảy ra trong trận dịch.

Tin tốt là rửa tay thường xuyên có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong việc giảm rủi ro nhiễm bệnh của bạn. Trong dịch SARS, rửa tay giúp giảm 30 - 50% nguy cơ lây truyền. Nhưng sau khi rửa tay, bạn vẫn phải lưu tâm đến việc chạm vào mặt, TS Sawyer nói.

Rửa tay đúng cách là hành động hữu hiệu và tiết kiệm nhất để phòng chống dịch bệnh.
 Rửa tay đúng cách là hành động hữu hiệu và tiết kiệm nhất để phòng chống dịch bệnh.

“Tay của bạn chỉ sạch cho đến khi bạn chạm vào bề mặt tiếp theo. Khi bạn với tới tay nắm cửa hoặc tay vịn, bạn đã làm bẩn lại bàn tay của mình bằng thứ gì đó. Nếu bạn chạm vào màng nhầy của bạn, thì bạn có thể vô tình nhiễm cho mình một ký sinh trùng nào đó. Nếu có một thay đổi hành vi có thể ngăn ngừa nhiễm trùng, thì đó là không chạm vào vùng chữ T của bạn” - TS Sawyer nhấn mạnh.

Nhưng đừng chạm tay vào mặt là một việc không dễ. Trên thực tế, nhiều người nói rằng họ càng nghĩ về nó, mắt họ càng co giật và ngứa mũi. Một số bình luận của một số người đã xuất hiện trên mạng xã hội nói rằng kể từ khi có cảnh báo về Coronavirus, họ không thể dừng việc chạm tay vào khuôn mặt của mình.

Chỉ có con người và một vài loài linh trưởng (khỉ đột, đười ươi và tinh tinh) là chạm tay vào mặt mình với rất ít hoặc không có nhận thức về thói quen này (hầu hết các loài động vật chỉ chạm vào mặt chúng để chải chuốt hoặc xua đuổi côn trùng.)

Các nhà nghiên cứu Đức đã phân tích hoạt động điện não trước và sau khi chạm tay vào mặt một cách tự nhiên và phát hiện của họ cho thấy chúng ta chạm vào mặt như là một cách để giảm căng thẳng và kiểm soát cảm xúc.

Để thay đổi thói quen chạm tay vào mặt, hãy thử sử dụng khăn giấy nếu bạn cần gãi mũi hoặc dụi mắt. Trang điểm có thể làm giảm sự chạm vào mặt, vì nó có thể khiến bạn chú ý hơn về việc không làm nhòe nó. Một nghiên cứu cho thấy phụ nữ chạm vào khuôn mặt của họ ít hơn khi họ trang điểm.

Một giải pháp khác cố gắng xác định các yếu tố khiến ta chạm tay vào mặt, như da khô hoặc ngứa mắt, và sử dụng kem dưỡng ẩm hoặc thuốc nhỏ mắt để điều trị những tình trạng đó để bạn ít có khả năng dụi mắt hoặc gãi mặt.

Đeo kính cũng có thể giúp tạo ra một rào cản chạm vào mắt bạn. Găng tay cũng có thể khiến bạn chú ý hơn không chạm vào mặt (và có thể khiến việc đưa ngón tay vào mũi hoặc mắt của bạn khó khăn hơn). Mặc dù găng tay, cũng vậy, có thể bị nhiễm bẩn, virus không sống lâu trên vải hoặc da.

Cho rằng chạm tay mặt là một thói quen ăn sâu, sẽ rất hợp lý khi thường xuyên rửa tay và lau bàn, điện thoại và các bề mặt trong cộng đồng của bạn. Mang theo chất khử trùng tay và sử dụng nó thường xuyên. Bạn càng chú ý đến việc rửa tay thường xuyên, bạn sẽ càng chú ý đến đôi tay của mình và những gì chúng đang chạm vào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cờ Nga được nhìn thấy kéo lên ở khu vực Kotlyarovka thuộc Kharkov

Cờ Nga tung bay ở Kharkov

GD&TĐ - Lá cờ của Liên bang Nga được nhìn thấy kéo lên ở khu vực Kotlyarovka thuộc vùng Kharkov hôm 4/5/2024.
Công cụ trí tuệ nhân tạo giải quyết nhu cầu học tập đa dạng của sinh viên.

Singapore thận trọng sử dụng AI

GD&TĐ - Các trường đại học Singapore áp dụng cởi mở nhưng thận trọng với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy và thực hành.