Phòng chống dịch corona trong trường học: Đón đầu mọi tình huống

Phòng chống dịch corona trong trường học: Đón đầu mọi tình huống

Tự tin đón học sinh trở lại lớp

Sau kỳ nghỉ Tết kéo dài, học sinh các bậc học tại Cà Mau trở lại lớp vào ngày 3/2. Ngày đầu trở lại lớp, ngành Giáo dục Cà Mau tiến hành tuyên truyền phòng chống dịch, ổn định tâm lý cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh. Sở lưu ý cha mẹ học sinh, cán bộ, công chức trong ngành bình tĩnh, tự tin, thực hiện tốt các biện pháp phòng, tránh theo khuyến cáo từ cơ quan chức năng, khi có dấu hiệu lạ phải báo cáo kịp thời.

Ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau chia sẻ: “Sau Tết, học sinh Cà Mau vẫn học bình thường, nếu có dấu hiệu bất thường sẽ thông báo sau. Bởi những ngày qua, các cơ sở giáo dục trong tỉnh triệu tập giáo viên về đơn vị, dọn vệ sinh và tiến hành tiêu độc khử trùng, để học sinh trở lại trường lớp kịp thời trong ngày đầu tiên”.

Bên cạnh đó, việc phòng dịch được thực hiện từ 30/1 với 100% trường học (526 trường) trong tỉnh đã phun thuốc tiêu độc, khử trùng trong những ngày chuẩn bị đón học sinh trở lại trường. Ngành GD-ĐT tỉnh Cà Mau đến nay không trường hợp nào bị lây nhiễm virus corona, nhưng có giáo viên và học sinh đi, lại từ vùng có dịch tại Trung Quốc. Hiện tại, các trường hợp này sức khỏe bình thường, địa phương và nhà trường quản lý chặt và đang trong quá trình theo dõi, ngăn ngừa…

Ông Luân cho biết thêm: Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch corona, Sở GD&ĐT đã cử đoàn đi thực tế tại các cơ sở giáo dục trong tỉnh, nhằm nắm tình hình và chỉ đạo có hiệu quả. Một mặt, phòng chống dịch bệnh, vừa giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành của ngành GD-ĐT tỉnh nhà ổn định và đi vào quỹ đạo ngay từ những ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết. Cũng trong ngày đầu tiên học sinh trở lại lớp, Sở GD&ĐT Cà Mau kết nối với Bộ GD&ĐT tăng cường cập nhật tình hình và có hướng dẫn về tình hình diễn biến của dịch bệnh. Đồng thời, có những giải pháp hay về công tác phòng tránh cùng những kinh nghiệm có được từ trong và ngoài nước để tỉnh Cà Mau chỉ đạo kịp thời.

Ảnh minh họa/ INT
 Ảnh minh họa/ INT

Bình tĩnh ứng phó

Về công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo phải quán triệt phương châm: “Quyết liệt, chặt chẽ, kịp thời, bình tĩnh”. Đối với việc giảng dạy và học tập của học sinh, sinh viên, theo nhận định của ông Nguyễn Tiến Hải, tình hình dịch bệnh có thể kéo dài, hiện tại trên địa bàn tỉnh Cà Mau chưa có ca nghi nhiễm và công tác phòng, chống, kiểm soát dịch đang thực hiện theo đúng hướng. Vì vậy, học sinh, sinh viên các cấp học vẫn đi học theo kế hoạch.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở GD&ĐT phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh cho học sinh, sinh viên đi học bình thường, không gây hoang mang trong dư luận xã hội. Sở GD&ĐT tuyên truyền, vận động và chỉ đạo các trường tăng cường công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, việc tổ chức ăn, uống tại các điểm trường phải đảm bảo hợp vệ sinh. Phối hợp với chính quyền địa phương, nghiêm cấm các hoạt động mua bán quà vặt, hàng rong tại khu vực trường học. Hướng dẫn giáo viên, học sinh biết và thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh phòng dịch.

Để ổn định tâm lý học sinh, giáo viên, phụ huynh, theo ông Luân, ngày học thứ hai (4/2), các đơn vị, trường học trong tỉnh tiến hành báo cáo chính xác số người đi và về từ các địa phương trong nước có người nhiễm virus nCoV và các vùng (nước) có dịch bệnh, đặc biệt là từ nước láng giềng Trung Quốc. Các đoàn công tác do lãnh đạo Sở GD&ĐT Cà Mau làm trưởng đoàn sẽ có mặt tại các địa bàn trong tỉnh để kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh.

Tại các trường học, sở yêu cầu ban giám hiệu, giáo viên phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh, cơ quan y tế và chính quyền địa phương chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm đảm bảo sức khỏe và thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Chỉ đạo cán bộ y tế trường học theo dõi và quản lý tốt sức khỏe học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, khi có hiện tượng bất thường hoặc dịch bệnh xảy ra cần thông báo ngay cho cơ quan y tế để được khám, điều trị kịp thời, kiên quyết không để dịch lây lan trong trường học. Với trường tổ chức ăn bán trú, khẩu phần ăn được tăng cường thực phẩm tăng sức đề kháng cho trẻ…

Xây dựng kịch bản ứng phó với virus corona

Cô Nguyễn Phương Hoa – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Sơn (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vệ sinh, khử trùng sát khuẩn toàn bộ khuôn viên sư phạm, lớp học, các bề mặt cầu thang, bàn ghế của học sinh…, nhà trường đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh do Hiệu trưởng là trưởng ban; đồng thời thiết lập đường dây nóng nhằm tiếp nhận những thông tin về dịch bệnh nCoV từ phụ huynh, giáo viên và sẵn sàng tư vấn cho phụ huynh về cách phòng chống dịch bệnh này.

Trao đổi về phương án học bù sau một tuần nghỉ học tạm thời, cô Hoa cho biết: Khi xây dựng kế hoạch giáo dục năm học, nhà trường đã dành 2 tuần đệm ở cuối năm học. Vì thế, chương trình vẫn được thực hiện theo tiến trình và sẽ sử dụng vào 2 tuần học đệm đó. Cũng theo cô Hoa, nhà trường xây dựng kịch bản với những tình huống cụ thể để ứng phó với dịch bệnh do nCoV gây ra. Thứ nhất, dịch bệnh vẫn được kiểm soát tốt như hiện nay. Trong trường hợp này, giáo viên chủ nhiệm sẽ thiết lập nhóm Zalo để nắm bắt tình hình sức khỏe của học sinh, đồng thời giao bài tập, hướng dẫn các em tự học ở nhà.

Tình huống 2: Giả sử có học sinh hoặc phụ huynh học sinh có biểu hiện nghi nhiễm nCoV. Khi đó, việc đầu tiên là báo các cấp, các ngành để khoanh vùng dịch bệnh, đồng thời vệ sinh, khử trùng, sát khuẩn toàn bộ trường học (có thể thực hiện hàng ngày), trực đường dây nóng 24/24 giờ để kịp thời ứng phó với những diễn biến bất thường của dịch bệnh. Đặc biệt phải ổn định tâm lý giáo viên, học sinh và phụ huynh, tránh hoang mang, lo sợ và tuyệt đối không được phát ngôn hoặc phát tán những thông tin thất thiệt.

Tình huống 3: Dịch bệnh tiếp tục diễn biến bất thường, việc nghỉ học tạm thời có thể kéo dài hơn 1 tuần. Trong trường hợp này, trước hết sẽ phải ổn định tâm lý giáo viên, học sinh. Giáo viên chủ nhiệm sẽ tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh. “Chúng tôi đã tính đến phương án tổ chức những lớp học ảo cho học sinh vì mục tiêu cuối cùng vẫn là phải bảo đảm an toàn cho học sinh và bằng mọi biện pháp sẽ kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trong trường học cũng như trong cộng đồng” – cô Hoa nhấn mạnh.

Nở rộ lớp học trực tuyến

 Chúng tôi yêu cầu giáo viên các lớp thành lập nhóm Zalo để trao đổi với phụ huynh và học sinh, đồng thời nắm bắt tình hình về sức khỏe, đời sống, học tập của các em. Trong những ngày nghỉ học tạm thời, giáo viên chủ nhiệm phải báo cáo hàng ngày cho ban giám hiệu về tình hình của lớp mình phụ trách. Chúng tôi kiên quyết xử lý những giáo viên lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm hoặc tắc trách trong phòng chống dịch bệnh nCoV. 
Hiệu trưởng Trịnh Thị Thanh Thủy

Đồng tình với chỉ đạo của Sở GD&ĐT về việc cho học sinh tạm thời nghỉ học 1 tuần để phòng tránh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra, cô Trịnh Thị Thanh Thủy - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Huyên (TP Tuyên Quang) cho rằng: Đây là quyết định đúng đắn, hợp lý và đúng thời điểm. Ngoài việc tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, sát khuẩn toàn bộ lớp học, các khu phụ trợ, nhà trường cũng xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh.

Chia sẻ về phương án học bù cho 1 tuần nghỉ học tạm thời, cô Thủy quả quyết: Việc học bù không đáng lo vì kế hoạch giáo dục năm học bao giờ cũng có 2 tuần đệm ở cuối học kỳ II. “Điều chúng tôi băn khoăn là, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, học sinh có thể phải kéo dài thời nghỉ học tạm thời trên 1 tuần. Khi đó ít nhiều cũng ảnh hưởng đến học tập của các em. Với học sinh lớp 10, 11 thì yên tâm hơn, nhưng với học sinh lớp 12, các em sẽ tham dự Kỳ thi THPT quốc gia cần phải có phương án” – cô Thủy bày tỏ, đồng thời cho biết: Nhà trường đã tính đến phương án này và đã hình dung kịch bản ứng phó.

Trong trường hợp này, trước mắt ưu tiên quan tâm đến khối 12. Ban giám hiệu đã bàn với tổ Tin, xây dựng phương án tổ chức dạy học trực tuyến. Ưu tiên các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ; các môn xã hội giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh tự học ở nhà theo chủ đề. Riêng giáo viên bộ môn: Toán, Văn, Ngoại ngữ sẽ xây dựng chủ đề hoặc chuyên đề để tổ chức lớp học trực tuyến. “Chúng tôi đã cho kiểm tra lại phòng học trực tuyến của nhà trường để sẵn sàng trưng dụng khi có yêu cầu” – cô Thủy cho hay.

Trong trường hợp học sinh phải nghỉ tạm thời kéo dài trên 1 tuần, nhà trường sẽ tính đến phương án tổ chức dạy học trực tuyến, kết hợp với phương án học bù vào các buổi chiều trong tuần ngay sau khi có thông báo học sinh trở lại trường lớp bình thường. Thầy Nguyễn Văn Đại,  
                            Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú
                                         THCS Phú Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa) 

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ