Phòng chống dịch bệnh trong trường học

GD&TĐ - Ngày 27/8/2018, Bộ Y tế có công văn khẩn gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa hè – thu. Công văn nhấn mạnh về thời tiết phức tạp nên khả năng bùng phát và lây lan một số dịch bệnh truyền nhiễm qua đường tiêu hóa, hô hấp, muỗi truyền… là rất lớn. Năm học mới đã bắt đầu, các trường học là nơi dịch bệnh có thể lan rộng nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống ngay từ bây giờ.  

Cần triển khai phòng chống dịch bệnh cho học sinh khi năm học mới đã bắt đầu
Cần triển khai phòng chống dịch bệnh cho học sinh khi năm học mới đã bắt đầu

Dịch bệnh hè – thu dễ bùng phát nơi trường học

Thời điểm học sinh bước vào năm học mới cũng là thời gian chuyển giao giữa mùa hè sang thu. Khí hậu năm nay nóng ẩm thất thường và theo dự đoán của các chuyên gia, cả nước vẫn tiếp tục xảy ra nhiều trận mưa lớn gây ngập úng ở nhiều tỉnh thành là môi trường thuận lợi để dịch bệnh phát triển.

Một năm học mới đã bắt đầu. Cả nước có hơn 23 triệu học sinh bước vào năm học mới 2018 - 2019 này. Vì trường học là nơi tập trung đông học sinh nên rất dễ trở thành môi trường thuận lợi để các dịch bệnh phát sinh và lây lan nếu không triển khai tốt các biện pháp phòng bệnh cũng như kiểm soát chặt chẽ tình hình sức khỏe học sinh.

Thời điểm này lại đang là chu kỳ mùa dịch, thời gian học sinh ở trường thậm chí còn nhiều hơn ở nhà nhất là các cấp mầm non, tiểu học. Các em được học cả ngày và ăn, nghỉ trưa tại trường. Từ những việc vệ sinh cá nhân như rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, quét dọn trường lớp, khử khuẩn các dụng cụ học tập, đồ chơi cho đến việc tổ chức các bữa ăn mà không được nhà trường chú trọng, thực hiện nghiêm túc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì bệnh sẽ phát sinh từ đó mà ra. Các bệnh thường gặp nhất trong mùa hè - thu là bệnh cúm, sởi, chân tay miệng, sốt xuất huyết, tiêu chảy…

Các bệnh này thường lây lan qua đường hô hấp, tiêu hóa và muỗi truyền. Vì vậy, học sinh dùng chung bát đũa, cốc uống nước, chỗ ngủ mất vệ sinh nhiều ruồi, muỗi… thì nguy cơ mắc bệnh và lây lan ra học sinh khác là điều khó tránh khỏi.

Sự chỉ đạo quyết liệt từ Bộ Y tế

Trước những nguy cơ có thể bùng phát dịch bệnh, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi các Sở Y tế với 8 nội dung cụ thể về việc phòng chống dịch bệnh hè - thu trong đó một trong những nội dung quan trọng được Bộ Y tế nhấn mạnh là việc phối hợp chặt chẽ giữa các Sở Y tế và ngành Giáo dục trong việc chủ động phòng chống dịch bệnh.

Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế cần phối hợp chặt chẽ với ngành GD-ĐT để tổ chức tuyên truyền sâu rộng về các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo nơi có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh.

Một điều đáng mừng là nhiều năm nay ngành Giáo dục đã phối hợp và làm rất tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Hàng năm, các cơ sở giáo dục đã phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức nhiều buổi tập huấn cho lãnh đạo các Phòng GD&ĐT, ban giám hiệu nhà trường, các thầy cô giáo cũng như cán bộ chuyên trách về y tế học đường những kiến thức về phòng chống dịch bệnh. Qua các buổi tập huấn, những kiến thức và kỹ năng phòng dịch được các cơ sở giáo dục triển khai tới toàn thể các thầy cô giáo và học sinh của trường mình bằng nhiều hình thức như sinh hoạt ngoại khóa, xen kẽ với các tiết học, phiếu điều tra, tờ rơi hay tuyên truyền qua hệ thống loa đài của trường… giúp cho công tác chăm sóc sức khỏe của học sinh được nâng lên rõ rệt.

Ngoài làm tốt công tác tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh thì điều quan trọng mà Bộ Y tế lưu ý là việc các trường học, nhà trẻ phải được trang bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Cần đảm bảo các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay xà phòng và có vị trí thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Đồng thời, Bộ Y tế yêu cầu các nhà trường làm tốt việc huy động các em học sinh tham gia các hoạt động vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường thường xuyên. Hướng dẫn và khuyến khích các em học sinh tham gia các hoạt động thiết thực để phòng chống dịch bệnh như loại bỏ loăng quăng, bọ gậy tại các vật dụng chứa nước và khu vực xung quanh ở trường cũng như ở nhà. Các trường học theo dõi chặt chẽ để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục. Khi có học sinh mắc bệnh hoặc có dấu hiệu mắc bệnh cần thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.

“+ Phối hợp chặt chẽ với ngành GD-ĐT để tổ chức tuyên truyền sâu rộng tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học.

+ Huy động các em học sinh tham gia các hoạt động vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường…

+ Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời”.

Trích Công văn 4962/BYT-DP ngày 27/8/2018 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh hè - thu”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ