Nhiều biện pháp ứng phó
Khử khuẩn, tổng vệ sinh, trang bị máy đo thân nhiệt, khẩu trang y tế, nước rửa tay diệt khuẩn, thông tin liên tục cho phụ huynh học sinh, lập các đường dây nóng, fanpage riêng về phòng chống dịch bệnh… là cách làm mà hầu hết các trường học tại TPHCM đã triển khai trong những ngày vừa qua dể tăng cường phòng, chống dịch bệnh nCoV.
Theo thầy Bùi Gia Hiếu - Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú) , trường đã tiến hành khử khuẩn, tổng vệ sinh toàn bộ lớp học, sân trường, khu nhà ăn... Ngoài ra, Trường Nhân Việt phối hợp với cơ sở y tế địa phương tiến hành các khóa tập huấn cho cán bộ giáo viên, nhân viên về các biện pháp phòng chống dịch và sẵn sàng đón học sinh (HS) trở lại trường.
Trước đó, nhà trường liên lạc với phụ huynh thường xuyên để thông tin về tình hình dịch bệnh, cũng như các biện pháp phòng tránh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Là trường có nhiều HS nội trú ở các tỉnh, thầy Bùi Gia Hiếu chia sẻ thêm: “Trước ngày thông báo về việc HS được nghỉ học 1 tuần, một số em nội trú đã trở lại trường, chúng tôi tiến hành hướng dẫn các em cách phòng dịch, tiến hành đo thân nhiệt, nắm tình hình di chuyển trong dịp Tết… Khi có quyết định nghỉ thêm 1 tuần, trường đã liên lạc, thông báo cho gia đình để đón các em. Một số em đã được trường hỗ trợ xe miễn phí xe để đưa tận nhà”.
Nhà trường cũng thông tin liên tục cho phụ huynh HS về tình hình dịch bệnh nCoV từ những thông tin của Bộ Y tế. Ngoài nhắn tin qua cổng thông tin điện tử, emai, tin nhắn thông thường, nhiều trường còn tận dụng tối đa mạng xã hội từ facebook, zalo, viber.... Những văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT có liên quan đến phòng, chống dịch bệnh đều được truyền tải đầy đủ đến phụ huynh, HS.
Sở GD&ĐT TPHCM liên tục phát đi các văn bản khẩn cấp đến các cơ sở GD để làm tốt nhất công tác phòng, chống dịch bệnh. Việc thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cấp sở, trường đã được thực hiện. Văn bản về kế hoạch ứng phó với dịch bệnh được Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Hồng Sơn kí ban hành và gửi hoả tốc đến các cơ sở GD, trong đó nhấn mạnh: Huy động sức mạnh toàn hệ thống chính trị ngành GD-ĐT vào việc phòng, chống dịch bệnh đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Thông tin kịp thời, chính xác để nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên cùng phụ huynh, HS, sinh viên toàn ngành tự phòng cho bản thân, gia đình và cộng đồng; Phát hiện sớm trường hợp viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona nếu có, xử lí kịp thời, không để xảy ra dịch trong các đơn vị, cơ sở GD trên địa bàn thành phố.
Ứng dụng CNTT giúp học sinh ôn tập
Để đảm bảo kiến thức không bị gián đoạn, Trường Quốc tế Canada (quận 7) đã thực hiện ngay việc hỗ trợ ôn tập, học tập online. Cụ thể, qua các phần mềm quản lí HS và các ứng dụng học tập mà nhà trường thường xuyên sử dụng để trao đổi, gửi bài giảng, bài tập như: Google classroom, edmodo, Skype, teamview... các em sẽ nhận bài học, bài tập và tương tác online với giáo viên. Các giáo viên phản hồi lại thường xuyên qua ứng dụng, giải đáp thắc mắc, câu hỏi giúp quá trình học tập online diễn ra hiệu quả.
Thầy Nguyễn Văn Sỹ, Phó Hiệu trưởng phụ trách khối trung học, Trường Quốc tế Canada (quận 7) cho biết: Điều quan trọng, các tổ bộ môn phải trao đổi và cân đối lượng kiến thức, bài học nhẹ nhàng phù hợp tránh quá tải và gây khó khăn cho HS trong việc học online. Sau khi các em trở lại trường học, giáo viên sẽ củng cố lại kiến thức, giúp các em nắm vững và đạt hiệu quả. Đây cũng là cách giúp HS rèn luyện khả năng tự học, tự nghiên cứu... học online - một kĩ năng quan trọng của công dân thế kỉ 21 trong thời đại công nghệ 4.0.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Diến, giáo viên Hóa, Trường THPT Nguyễn An Ninh (quận 10) chia sẻ, để đảm bảo kiến thức cho HS, cô đã chuẩn bị tài liệu dạy học online và vận dụng phương pháp dạy học theo hình thức lớp học đảo ngược. Group của khối được lập ra và đó là nơi để cô, trò tương tác về trao đổi kiến thức, bài tập, tài liệu học tập, ôn tập và cả những bài test online.
Cũng giống như cô Diến, để giúp HS ôn tập kiến thức, thầy Phạm Thư Tùng, giáo viên Vật lý Trường THPT Ten Lơ Man (quận 1) cũng hỗ trợ học trò ôn tập và kiểm tra online. Theo đó, trên group lớp được lập qua mạng facebook thầy Tùng đã ghi chú phần kiến thức cần ôn tập cũng như soạn đề kiểm tra online bằng phần mềm office form. Riêng với một số lớp cần phải giảng thêm lý thuyết, thầy Thư Tùng sẽ quay phim rồi up trên YouTube.
“Học là online nhưng điểm kiểm tra là thật nhé các em. Phần nào chưa hiểu các em ghi chú lại, thầy sẽ online, gọi video để giải bài tập và những câu hỏi. Các em tải phần mềm skype để chuẩn bị cho các bài học tiếp theo nhé”, thầy Phạm Thư Tùng chia sẻ trên group của lớp. Ngoài môn Vật lý, giáo viên môn Toán của Trường Ten Lơ Man là Nguyễn Trần Phong cũng giao các bài tập online cho HS để giúp các em hệ thống lại kiến thức đã học.