Phòng chống virus corona trong trường học: Muôn kiểu phòng dịch

Phòng chống virus corona trong trường học: Muôn kiểu phòng dịch

Chủ động nhiều phương án

Theo ông Lê Trung Thành – Trưởng phòng GD&ĐT Quản Bạ - Hà Giang: UBND tỉnh Hà Giang cho HS nghỉ học thêm 1 tuần từ 3 - 9/2/2020 để địa phương làm công tác phun khử trùng vệ sinh trường học. Chính vì vậy, ngành GD-ĐT vẫn huy động 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên phối hợp với các cơ quan chức năng chuẩn bị chu đáo nhất công tác phòng chống dịch bệnh nCoV để đón HS trở lại trường.

 Phòng chống dịch bệnh nCoV trong trường học tại Quản Bạ đã được chuẩn bị từ sớm nên khâu khó khăn nhất là nguồn thuốc khử trùng được đảm bảo cùng các trang thiết bị y tế vệ sinh. Mặt khác, địa phương còn thực hiện theo dõi, phân loại, kiểm soát tốt với những người dân và phụ huynh HS sang Trung Quốc lao động trở về. Vì vậy, công tác phòng chống dịch bệnh nCoV tại huyện biên giới Quản Bạ - Hà Giang đã và đang diễn ra chủ động, tích cực và có hiệu quả… 
Ông Lê Trung Thành

Ông Lê Trung Thành cũng cho biết: Thuốc khử trùng Cloramin b hiện tại trên thị trường khá khan hiếm. Tuy nhiên, ngành GD-ĐT Quản Bạ đã có sự chủ động ứng phó dịch bệnh từ sớm (bắt đầu khi có dịch) nên có đủ số thuốc cần thiết để khử trùng cho 100% các nhà trường. Hiện tại, 30% các trường tại Quản Bạ đã được phun khử trùng. Với các trường biên giới sẽ được quan tâm, tập trung trước. Trong những ngày sắp tới sẽ tiến hành phun khử trùng nốt 70% số trường.

Mộc Châu cũng là một huyện vùng cao khó khăn của Sơn La nhưng công tác phòng chống dịch bệnh trong các nhà trường ở thời điểm hiện tại đang được quan tâm đặc biệt. Ông Ngô Ngọc Toàn – Trưởng phòng GD&ĐT Mộc Châu (Sơn La) cho biết: Sáng 4/2 UBND huyện Mộc Châu thực hiện văn bản chỉ đạo của tỉnh cho HS nghỉ học đến hết 9/2. Huyện đã họp với trung tâm y tế thực hiện phun khử trùng 100% các đơn vị trường học trước khi HS quay lại trường.

Ông Mai Xuân Giang - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát (Thanh Hóa) cho biết: Công tác khử trùng các trường học được kết hợp tiến hành với ngành y tế và dự kiến phun khử trùng 100% trường lớp trước khi HS nhập học. Tuy số trường được phun khử trùng chưa hoàn thành nhưng với số lượng đơn vị trường học tại Mường Lát không nhiều (31 đơn vị) và số ngày nghỉ vẫn còn nên chắc chắn việc phun khử trùng sẽ không gặp khó khăn và hoàn thành đúng tiến độ. Theo ông Mai Xuân Giang: Ngoài khử trùng trường lớp, khâu vệ sinh dọn dẹp trường lớp, trang thiết bị đồ dùng dạy học cũng được ngành Giáo dục huy động cơ bản cán bộ, giáo viên, nhân viên cùng tiến hành và phối kết hợp với ngành y tế khi cần thiết.

Hướng dẫn học sinh rửa tay phòng dịch. Ảnh: Hồ Lài
Hướng dẫn học sinh rửa tay phòng dịch. Ảnh: Hồ Lài 

Nỗ lực phòng dịch trước khi HS trở lại học tập

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Bùi Văn Tiến – Trưởng phòng GD&ĐT Bắc Hà – Lào Cai cho biết: Bắc Hà có tổng số 68 đơn vị trường học, hơn 20.000 HS. Hiện nay mới chỉ phun khử trùng ở một số trường học trọng điểm, trường giáp biên, trường đông HS bán trú bởi lượng thuốc khủ trùng Cloramin b còn thiếu so với nhu cầu thực tế cần sử dụng để khử trùng trường, lớp học trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, phòng GD&ĐT đã thống kê số liệu thực tế còn thiếu gửi tới các ban ngành chức năng để đăng ký mua.

Trong quá trình đợi có thuốc, ngành GD-ĐT đã huy động gần như 100% cán bộ, giáo viên khơi thông cống rãnh, dọn dẹp chỗ ở, khu nội trú vệ sinh môi trường lớp học, làm sạch các thiết bị đồ dùng dạy học, đồ chơi. Mặt khác, làm hàng loạt pano to trước các trường học tuyên truyền về dịch bệnh, cách phòng chống… để người dân và HS hiểu biết từ đó cùng chủ động phòng chống.

Ông Tiến khẳng định: Hiện tại nhân lực để làm công tác khử trùng và vệ sinh trường lớp đã sẵn sàng. Chỉ đợi có thuốc khử trùng được chuyển về, công tác này sẽ được tiến hành tích cực trong vài ngày tới và hoàn thành xong trước ngày 10/2 để đón HS trở lại trường lớp học tập. Với mặt hàng khẩu trang và nước rửa tay bằng cồn trên địa bàn huyện hiện nay khá khan hiếm. Vì vậy, chúng tôi chủ yếu tuyên truyền, hướng dẫn người dân, HS cách phòng chống thông qua rửa tay xà phòng, tự làm khẩu trang y tế.

Tại Đà Nẵng, ngay sau khi học sinh nghỉ học, quận Liên Chiểu tổ chức phun thuốc khử trùng cho toàn bộ nhóm lớp độc lập tư thục trên địa bàn quận với khoảng 200 nhóm lớp với tổng kinh phí khoảng 200 triệu đồng. Trước đó, trong 2 ngày 1 và 2/2, quận Liên Chiểu triển khai phun thuốc khử trùng tại các trường công lập ở tất cả các bậc học.

Bà Lữ Thị Kim Hoa – Trưởng phòng GD&ĐT Liên Chiểu cho biết: “Do đặc thù có khu công nghiệp nên quận Liên Chiểu có rất nhiều nhóm lớp độc lập tư thục. Ngay ngày đầu Sở GD&ĐT có chủ trương cho HS nghỉ học, phòng GD&ĐT đã tổ chức đi kiểm tra mức độ chấp hành của các nhóm lớp độc lập tư thục cũng như hướng dẫn các trường thường xuyên làm công tác vệ sinh, tẩy trùng các dụng cụ sinh hoạt của trẻ để chủ động đón trẻ khi thành phố có chủ trương HS đi học trở lại”.

Theo ông Võ Trung Minh – Trưởng phòng GD&ĐT Sơn Trà (TP Đà Nẵng), UBND quận Sơn Trà đã chỉ đạo Trung tâm y tế quận phối hợp với phòng GD&ĐT triển khai phun thuốc 100% các trường công lập và tư thục mầm non, tiểu học, THCS và các nhóm lớp độc lập tư thục có trên 7 trẻ trên địa bàn. “Riêng các nhóm lớp 7 trẻ trở xuống sẽ do y tế phường nhận thuốc và phát cho chủ nhóm trẻ, đồng thời hướng dẫn, giám sát việc vệ sinh, phun thuốc của các nhóm này. Do các nhóm dưới 7 trẻ thường nơi giữ trẻ cũng là không gian sinh hoạt chung của gia đình nên các chủ nhóm chủ động phun thuốc sẽ tiện hơn” – ông Minh cho biết.

Cũng theo ông Minh, định kỳ phun thuốc là 1 tuần/1 lần vào ngày cuối tuần, đã triển khai đợt đầu tiên vào ngày 1 và 2/2 vừa qua. Sơn Trà hiện có 128 nhóm lớp độc lập tư thục, trong đó có 50 nhóm dưới 7 trẻ.

Theo chia sẻ của bà Lữ Thị Kim Hoa: “Với tâm thế đảm bảo mọi điều kiện đảm bảo vệ sinh để sẵn sàng đón HS đến trường vào ngày 10/2 nếu TP có chủ trương cho HS đi học trở lại, phòng GD&ĐT đã chỉ đạo tới các trường, ngoài việc ban giám hiệu trực tại trường, trong những ngày này, GV cũng phải chia nhau trực trường để đảm bảo vệ sinh trường lớp. Mọi phòng học phải được mở cửa từ sáng đến chiều như những ngày bình thường để đón ánh nắng Mặt trời, đảm bảo phòng học thông thoáng, không bị ẩm mốc…”.

Khử khuẩn trường lớp được các cơ sở GD triển khai khá đồng bộ. Ảnh: Ngọc Sơn
 Khử khuẩn trường lớp được các cơ sở GD triển khai khá đồng bộ. Ảnh: Ngọc Sơn

Cung cấp miễn phí khẩu trang cho học sinh, sinh viên

Ông Đào Đình Khoa (Phó Tổng Biên tập Báo Bắc Ninh) thông tin: “Ứng phó với dịch corona, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo Báo Bắc Ninh in gần 400.000 tờ rơi để phát tới tất cả HS, SV từ tiểu học đến ĐH trên địa bàn tỉnh. Đồng thời 40.000 tờ áp phích khổ A3 đã được in và dán ở tất cả các nơi công cộng từ thôn, xóm… đến tất cả các trường học, cơ quan, công sở”.

Dù chưa phát hiện trường hợp mắc virus corona nào, song lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh vẫn quyết định cho HS toàn tỉnh nghỉ học từ 4 - 9/2. “Tôi cho rằng đây là một quyết định rất “dũng cảm”. Vì với lượng lao động ở các khu công nghiệp quá lớn như ở Bắc Ninh, việc cho tất cả HS nghỉ học là biện pháp quyết liệt. Bởi khoảng 80% lao động ở Bắc Ninh hiện đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, nhà máy… Khi cho HS nghỉ học toàn bộ như vậy chắc chắn đã phải tính đến những ảnh hưởng tới các phụ huynh là người lao động đang đi làm trong các công sở” - ông Đào Đình Khoa nhận xét.

Đáng chú ý, để “lo” khẩu trang phòng dịch cho HS, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã chủ động trực tiếp gặp gỡ 5 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang trên địa bàn tỉnh, để yêu cầu doanh nghiệp tổ chức sản xuất khẩu trang, nhằm cung cấp đủ khẩu trang đến 100% người dân có nhu cầu, đặc biệt trong đó ưu tiên HS và người lao động. Lãnh đạo tỉnh cũng trực tiếp làm việc với công ty may để đặt hàng sản xuất khẩu trang vải, đáp ứng “cầu” về khẩu trang trong tỉnh.

Ông Trần Văn Thư, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Đáp Cầu (Bắc Ninh) cho biết: Các dây chuyền của Công ty cổ phần May Đáp Cầu gấp rút sản xuất 700 nghìn chiếc khẩu trang vải (tái sử dụng nhiều lần sau khi giặt sấy khô) do UBND tỉnh Bắc Ninh đặt hàng, để cấp miễn phí đến tất cả học sinh, sinh viên các cấp học trong tỉnh. Ngoài ra, công ty cũng sẽ cân đối nhu cầu thị trường và đặt hàng của các đại lý để sản xuất mặt hàng khẩu trang vải, bảo đảm đủ nguồn hàng theo yêu cầu.

100% các trường học ở Đà Nẵng có kế hoach tổng vệ sinh vào ngày Chủ nhật 9/2 để sẵn sàng đón HS trở lại trường nếu thành phố có chủ trương cho HS đi học trở lại vào ngày 10/2.  

Còn tại Bắc Giang, đồng hành cùng trường học trong phòng chống dịch corona, một số doanh nghiệp, mạnh thường quân đã tặng HS khẩu trang. Trường Tiểu học Thị trấn Thắng (Bắc Giang) được Công ty TNHH thương mại và dược phẩm Khánh Sơn tặng 1.000 khẩu trang. Một phụ huynh lớp 3B2, Trường Tiểu học Quảng Minh) đã tặng 500 chiếc khẩu trang HS.

Ngoài ra, nhóm Tâm thiện nguyện Sơn Động đã trực tiếp phát miễn phí 2.600 chiếc khẩu trang y tế 3 lớp cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại Trung tâm y tế huyện và 100% học sinh các trường học: Phổ thông Dân tộc Nội trú Sơn Động; Phổ thông Bán trú Sơn Động, THCS An Lạc; Tiểu học, THCS Lệ Viễn, Tuấn Đạo; Tiểu học Cẩm Đàn và THPT Sơn Động số 2. Theo bà Nguyễn Thị Nga, đại diện nhóm Tâm thiện nguyện, toàn bộ số khẩu trang trên do nhóm tự nguyện phát động và một số cá nhân trong nhóm tài trợ.

Chờ… chỉ đạo

Theo ghi nhận của PV, ngày 4/2 mới có huyện Lộc Hà, Hương Khê và TX. Hồng Lĩnh của tỉnh Hà Tĩnh tổ chức phun tiêu độc khử trùng cho 100% trường học.

Tại huyện Vũ Quang, ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng phòng GD&ĐT huyện này thông tin: Ủy ban có kế hoạch bắt đầu đi phun tiêu độc, khử trùng tại các cơ sở giáo dục. Lý giải về việc phun chậm được cho là chưa chuẩn bị được thuốc. “Phun chậm là do bên y tế dự phòng chưa chuẩn bị được thuốc, vào chiều 3/2 mới có đầy đủ dụng cụ, thuốc nên sáng 4/2 mới triển khai được. Việc này, phòng GD&ĐT đã có báo cáo với lãnh đạo tại buổi hội nghị trực tuyến” - ông Hải lý giải.

Còn tại huyện Thạch Hà, bà Nguyễn Thị Thanh Nga - Trưởng phòng GD&ĐT cho biết, ngày 4/2 mới triển khai phun, nguyên nhân được cho là việc mua hóa chất khó khăn: “Phòng đã chủ động tham mưu cho huyện đầy đủ, mục đích là phun vào thứ 7, Chủ nhật, nhưng tại thời điểm đó chưa mua được hóa chất” – bà Nga cho hay. Huyện Nghi Xuân cũng không nằm ngoại lệ, việc phòng chống dịch tính đến sáng 4/2 cũng chỉ mới tuyên truyền hướng dẫn cho học sinh.

Tương tự, tại huyện Can Lộc, nhiều trường học được thông báo tiến hành phun độc khử trùng vào ngày 7/2. Lý giải về điều này, bà Nguyễn Thị Hường, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Can Lộc nói: “Sự chậm trễ trong việc phun thuốc khử trùng tại các trường học là do phải chờ văn bản chỉ đạo của lãnh đạo huyện. Ngoài ra, con người và máy móc thiếu cũng là nguyên nhân dẫn đến việc phòng dịch chậm tiến độ”.

Về phía ngành y tế, ông Trần Văn Bình - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Can Lộc lại khẳng định: “Hóa chất để phun cho tất cả các trường học không thiếu. Trước mắt, Trung tâm Y tế dự phòng đảm bảo hóa chất phun cho tất cả các trường học trên địa bàn huyện và lập kế hoạch để xin mua. Vì không được trên cấp, việc mua các công ty cũng rất khó khăn, thủ tục rườm rà, đơn vị chỉ cố gắng theo nguồn dự trữ để phun cho các trường”.

Tính đến chiều 4/2/2020, Lào Cai đã phun thuốc khử trùng được 88/602 trường, đạt 14,6%. Chưa phun thuốc khử trùng 514/602 trường. Tỉnh chỉ đạo ưu tiên phun khử trùng ở những trường biên giới giáp ranh, trường nội trú, bán trú... Dù tình trạng thuốc khử trùng còn chưa đủ nhưng cơ bản tỉnh Lào Cai sẽ đáp ứng đầy đủ thuốc khử trùng để hoàn thành công tác khử trùng trường lớp học trước ngày 9/2.
                                                              Ông Đặng Nguyên Hoàn - 
        Phó Trưởng phòng Giáo dục Đại học (Sở GD&ĐT Lào Cai)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều hòn đảo xa xỉ ở Tây Ban Nha thu hút người giàu có và nổi tiếng.

3 hòn đảo đỉnh cao xa hoa ở Tây Ban Nha

GD&TĐ -Nhiều hòn đảo tư nhân của Tây Ban Nha, một số thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, được những người giàu có và nổi tiếng lui tới.