Phòng chống virus corona trong trường học: Nậm Pồ “diệt giặc” Corona

Phòng chống virus corona trong trường học: Nậm Pồ “diệt giặc” Corona

34 học sinh ở huyện biên giới Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) có biểu hiện, ho, sốt sau khi tiếp xúc với bố, mẹ từ Trung Quốc trở về. Tuy chưa có kết quả cuối cùng, song địa phương này đã chủ động trong việc theo dõi, giám sát yếu tố dịch tễ liên quan.

Cô giáo ứng tiền mua “vũ khí”

Mấy hôm nay, điện thoại của cô giáo Lò Thị Thùy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Nà Hỳ luôn “đỏ rực”. Lúc thì liên hệ mua xà phòng, khi thì gọi ra thành phố Điện Biên Phủ (cách Trung tâm xã Nà Hỳ gần 150km) để tìm mối mua khẩu trang cho học sinh. Cả trường có 540 học sinh mà chật vật mãi mới mua được đủ. Cô Thùy phải bỏ tiền túi ra “tạm ứng”.

“Không mua được khẩu trang y tế, tôi phải đặt mua khẩu trang vải để phát cho học sinh, mỗi em một cái. Ở nhà các em cũng có một cái mà bố mẹ sắm cho. Tôi yêu cầu giáo viên phải hướng dẫn các con cách đeo khẩu trang. Về nhà phải giặt sạch, phơi khô để hôm sau lại dùng tiếp. Kinh phí chưa có nên tôi nghĩ rằng phải tính sau. Việc trước mắt là phải để các em có khẩu trang càng sớm càng tốt vì dịch bệnh nó diễn biến như thế nào, ai mà biết được”, cô Lò Thị Thùy tâm sự.

Trường Tiểu học số 2 Nà Hỳ, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ có 8 điểm bản (1 điểm trung tâm và 7 điểm bản lẻ) với 540 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Rất nhiều trường hợp học sinh ở đây có bố hoặc mẹ là lao động “chui”, thường xuyên vượt biên trái phép sang bên kia biên giới làm thuê. Tuy là địa bàn thuộc diện đặc biệt khó khăn, song 100% học sinh đến lớp đều được bố trí khẩu trang để giữ gìn vệ sinh cá nhân.

“Chúng tôi cũng đã chủ động trích kinh phí để mua xà phòng diệt khuẩn cho các lớp. Trường cũng ra quy định, mỗi học sinh trước khi vào lớp, trước và sau khi ăn phải rửa tay sạch sẽ, hạn chế nguồn lây bệnh sang nhau”, cô Lò Thị Thùy cho biết.

Thời gian qua, Phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ đã quán triệt, chỉ đạo các đơn vị trường học trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT về công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp chủng mới của virus Corona.

Tại các đơn vị trường học, cán bộ giáo viên các trường cũng tiến hành dọn vệ sinh sạch sẽ khu lớp học, nhà ăn, nhà ở nội trú và khuôn viên trường học.

Do Nậm Pồ là vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên phòng cũng yêu cầu cán bộ giáo viên các trường, đặc biệt là đội ngũ giáo viên sử dụng thành thạo “song ngữ” (tiếng Việt – tiếng Mông hoặc tiếng Việt – tiếng Thái) xuống thôn bản tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số cách giữ gìn vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, cách phòng, trừ dịch bệnh cho bản thân và con em mình, đặc biệt là thời điểm dịch cúm đang diễn biến phức tạp ở nhiều nơi như hiện nay.

Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ cũng chỉ đạo các trường bố trí kinh phí mua khẩu trang y tế và nước rửa tay phục vụ công tác phòng chống dịch khi các em quay lại trường học sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán. Hiện nay, gần 100% số học sinh vùng thấp đã được phát khẩu trang y tế khi đến lớp, các trường khu vực vùng cao tỷ lệ này là 40 - 50%.

“Diệt giặc” Corona...

Hôm 4/2, trên cơ sở kết quả mà các đơn vị trường học báo về, huyện Nậm Pồ có hơn 30 học sinh và 2 cán bộ, giáo viên có biểu hiện viêm họng. Sở Y tế tỉnh Điện Biên đã thành lập đoàn công tác, hộc tốc vượt gần 150km chạy vào Nậm Pồ trong đêm. Ông Triệu Đình Thành, Giám đốc Sở Y tế Điện Biên trực tiếp làm trưởng đoàn.

Cuộc kiểm tra, làm việc diễn ra trong suốt từ đầu giờ sáng cho đến giữa trưa. Rồi cán bộ y tế lại mau chóng lấy mẫu bệnh phẩm của 10 học sinh có biểu hiện ho, viêm họng, viêm amidan gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm.

“Qua xác minh, trong số 34 học sinh và 2 giáo viên có biểu hiện ho, sốt. Theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện, có 10 học sinh đang nằm điều trị tại bệnh viện. 21 học sinh và 2 giáo viên đã khỏe mạnh bình thường, đang sinh sống tại cộng đồng. Ba học sinh mặc dù có trong danh sách thống kê nhưng xác minh không có. 28/31 học sinh nói trên có người thân vượt biên lao động làm thuê bất hợp pháp bên Trung Quốc. Đối với 10 học sinh đang điều trị, theo dõi chỉ là yếu tố dịch tễ thôi chứ không có vấn đề gì”, ông Triệu Đình Thành cho biết.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Nậm Pồ cho biết, đã chuẩn bị các điều kiện theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Phối hợp với Phòng Văn hóa huyện, tổ chức truyền thông đến cộng đồng dân cư về chương trình phòng, chống virus.

“Chúng tôi đã biên soạn tờ rơi từ tiếng Việt sang tiếng Mông để phát cho khu vực đồng bào Mông sinh sống, những nơi người dân không biết tiếng phổ thông. Ngoài ra còn biên dịch các thông điệp truyền thông từ tiếng phổ thông sang tiếng Mông, phát tại phòng chờ của TTYT, giúp bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có đầy đủ thông tin để chủ động phòng bệnh”, bác sĩ Nguyễn Văn Mạnh nói.

Mặc dù còn vô vàn khó khăn, thiếu thốn do điều kiện của một huyện nghèo mới thành lập, trụ sở làm việc tạm bợ, song TTYT huyện Nậm Pồ cũng đã bố trí đủ cơ sở vật chất hiện có để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch.

“Cơ sở vật chất hiện có của chúng tôi chưa đảm bảo điều kiện cách ly theo tiêu chuẩn. Chúng tôi cố gắng làm hết khả năng của mình để có thể cách ly được bệnh nhân. Khi số lượng lớn, chúng tôi có phương án bố trí khu vực cách ly tại Phòng khám đa khoa Khu vực Ba Chà. Trong trường hợp cần thiết có thể sẽ bố trí tại trạm y tế các xã hoặc bố trí cách ly tại nhà. Cán bộ y tế sẽ có trách nhiệm chăm sóc, giám sát, theo dõi trong thời gian cách ly”, bác sĩ Nguyễn Văn Mạnh cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ