Phòng chờ ảo lấy số khám bệnh từ xa

GD&TĐ - Nền tảng phòng xếp hàng ảo cho bệnh viện (QQueue) của nhóm sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TPHCM cho phép người dùng đặt lịch khám chữa bệnh từ xa, không mất công chờ đợi.

Người khám bệnh có thể lấy số thứ tự từ xa qua phòng chờ ảo.
Người khám bệnh có thể lấy số thứ tự từ xa qua phòng chờ ảo.

Giảm thời gian chờ đợi

Có người nhà phải vào bệnh viện thường xuyên, tình trạng lấy số rồi chờ đợi đến lượt khám khiến một số thành viên trong nhóm cảm thấy mỏi mệt. Tìm hiểu ở các bệnh viện khác, nhóm nhận thấy tình trạng này rất phổ biến. Chờ đợi lâu, mất thời gian, bức bối, khó chịu… là tình trạng phổ biến.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, việc chờ đợi, xếp hàng trong đám đông lại càng nguy hiểm. Nhóm sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM quyết định làm phòng chờ ảo QQqueue. Mục đích của nhóm là xây dựng một ứng dụng phục vụ công tác khám chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân.

“Dự án được lấy cảm hứng từ chính những bức bối của bản thân và người thân chúng em khi xếp hàng khám bệnh ở bệnh viện”, Nguyễn Thị Bích Vân, thành viên nhóm nói.

Theo khảo sát của nhóm, mỗi bệnh viện đón tiếp gần 5.000 bệnh nhân/ngày. Mỗi người phải chờ trung bình 2 tiếng mới đến lượt khám chữa bệnh. Theo cách đang áp dụng, người bệnh lấy số xếp hàng ở máy lấy số tự động, ngồi ở phòng chờ đến lượt mình. Điều này gây ra lãng phí thời gian, mệt mỏi, nhiều nguy cơ khi tiếp xúc gần.

App QQueue hoạt động khá đơn giản. Người dùng tải ứng dụng, đăng nhập bằng số điện thoại. Mỗi tài khoản sẽ gắn liền với sổ y tế điện tử cá nhân; Chọn bệnh viện phù hợp nhất với mỗi người, chọn khoa trực thuộc bệnh viện và khung giờ mong muốn khám, xem trạng thái phòng chờ và xác nhận đặt số. Khi tới khám, quét mã QR để tiếp nhận dịch vụ. Có thể xem trực tiếp số đang tới lượt để ước tính làm chủ thời gian.

Sinh viên Phạm Thái Nghị, thành viên nhóm dự án, cho biết, phần mềm sẽ tự tính toán thời gian chờ và khoảng cách địa lý từ vị trí của bệnh nhân đến bệnh viện để thông báo cho họ thời điểm cần xuất phát đi khám. Ứng dụng cũng sẽ đưa ra gợi ý về đường đi cho người dùng đến bệnh viện đúng giờ.

Chức năng này có được khi nhóm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nghiên cứu thói quen người dùng và đưa ra các kịch bản di chuyển phù hợp nhất. Nhóm sử dụng Internet vạn vật (IoT) để linh động trong việc tiếp nhận và phân bổ thời gian khám cho người dùng (bệnh nhân) từ nhiều kênh khác nhau như từ app, điện thoại, và kiosk dành cho người đến trực tiếp. Ứng dụng hướng đến 3 mục tiêu chính là Không bị động - Không gián đoạn - Không chạm.

Để xây dựng nền tảng, nhóm đã tiến hành tìm hiểu rõ và phân tích kịch bản di chuyển của bệnh nhân từ điểm đợi đến cơ sở khám chữa bệnh. Từ dữ liệu này, nhóm đặt ra 4 bài toán cụ thể để giải quyết.

Làm thế nào để đồng bộ người dùng ứng dụng và người trực tiếp đến khám bệnh? Sắp xếp vị trí trong hàng đợi như thế nào, phân bổ lượt khám ra sao cho người đã đến và người ở xa chưa đến dù đã đến lượt qua đăng ký online? Dự đoán thời gian chờ bao lâu là phù hợp, dùng thuật toán nào để xử lý lượt trống khi có người hủy số online? Cuối cùng, nếu việc phân bổ nhân lực ở bệnh viện không đáp ứng được đúng với lưu lượng bệnh nhân ở một số thời điểm. Bệnh viện cũng không làm chủ hay dự đoán trước được điều này thì giải quyết thế nào?

Lần lượt giải quyết từng bài toán này, nhóm đã hoàn thiện, tối ưu hóa nền tảng ứng dụng QQueue để sẵn sàng áp dụng ngay.

Kết nối với các bệnh viện, phòng khám

Bích Vân cho biết, khi sử dụng nền tảng này, tất cả các bệnh viện, phòng khám sẽ sử dụng chung một dữ liệu hạ tầng liên kết. Để liên kết dữ liệu phòng chờ của các bệnh viện, nhóm đã thiết kế một hệ thống phối hợp giữa IoT và dịch vụ điện toán đám mây WISE-PaaS.

Hệ thống IoT sẽ giúp kết nối kisoks lấy số của bệnh viện, các máy tính của cán bộ và bác sĩ và ứng dụng QQueue đến hệ thống máy chủ. Máy chủ sẽ nhận được thông tin khi bệnh nhân tiến hành lấy số hoặc khi bác sĩ hoàn thành việc khám bệnh. Khi đó, hệ thống quản lí hàng chờ sẽ thực hiện thay đổi và xây dựng hàng chờ rồi trả về số thứ tự cho bệnh nhân cũng như bệnh nhân tiếp theo được phục vụ cho bác sĩ.

Trong quá trình thực hiện, máy chủ sẽ thực hiện tải các dữ liệu có liên quan dịch vụ điện toán đám mây WISE-PaaS. Dịch vụ của WISE-PaaS giúp triển khai cùng lúc ba tác vụ khác nhau trên cùng một nền tảng. Đầu tiên dữ liệu được tổng hợp và gửi lên Datahub.

Từ đây dữ liệu sẽ được sử dụng cho hai mục đích, một là hiển hình hóa trên bảng điều khiển để đội ngũ vận hành nền tảng và ban quản lí bệnh viện dễ dàng theo dõi. Hai là đưa vào cho hệ thống quản lí mẫu để làm đầu vào cho các mô hình máy học.

Mong muốn của nhóm là đưa sản phẩm ra thị trường càng sớm càng tốt. Nhóm mong muốn phát triển QQueue thành một nền tảng mở về quản lý xếp hàng, không chỉ cho khám chữa bệnh mà các lĩnh vực khác, như siêu thị, nhà hàng, ngân hàng, thậm chí là các công viên giải trí.

Khi được triển khai rộng rãi, người dân sẽ tiết kiệm được thời gian, chủ động bố trí công việc khi đi khám bệnh hay bất cứ nơi công cộng nào cần xếp hàng. Với tiêu chí “Ở đâu có xếp hàng, ở đó có QQueue”, nhóm đặt nhiều kỳ vọng vào ứng dụng nền tảng này.

Vượt qua hơn 100 dự án, giải pháp Nền tảng phòng xếp hàng ảo cho bệnh viện, của nhóm sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, đã trở thành quán quân của Cuộc thi phát triển ứng dụng AIoT Developer InnoWorks 2021.

Cuộc thi AIoT Developer InnoWorks do Tập đoàn công nghệ Advantech Việt Nam phối hợp cùng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM và Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN tổ chức trong khuôn khổ chương trình InnoWorks 2021 toàn cầu của Tập đoàn công nghệ cao Advantech (Đài Loan).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ